Ký sự: Hành trình gieo chữ trên những nẻo đường khói lửa

(Phần 5) Và cuộc đời vẫn đẹp sao…

(Dân trí) - Thế rồi ngay tại căn cứ đã có các công dân nhỏ ra đời: bé Hương con chị Cúc Son, con chị Năm Hiệp, con chị Năm Kha… Chú Sáu Tú, anh Ba Thơ bảo: Phải có người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha ông chứ.

Anh và Em và Con
Anh - Em - Con và các đồng đội
 

Mặt trời bé con
 

Rồi chú Sáu Tú, anh Ba Thơ lại nghêu ngao bài hát (chắc là “chế”?) có đoạn: “…Thằng cháu kêu ông ngoại, mới viết thư về rằng cháu đang hành quân theo hướng trên R…” Khi đó tôi cũng đã mang bầu, có nghén nhưng vẫn phải chạy càn liên miên, may mà được tiểu ban phân công cháu Quyền và cháu Trắng giúp đỡ. Có hôm được ăn bún gà rất ngon, nhưng sau lại ói ra bằng sạch. Chạy càn nhưng khá hơn là chạy bằng... xe máy và xe đạp, chủ yếu chạy vào sâu trong đất Campuchia.

 

Hết đợt càn may là lại được về chỗ cũ gần chồng. Chúng tôi bàn nhau đặt tên cho con, dù  trai hay gái thì cứ đứa đầu lấy tên quê hương bên nội là Liên Châu, đứa thứ hai lấy tên quê bên ngoại là Phú Cường. Sau quyết định lại gái là Hoài Liên để nhớ hương sen Đồng Tháp.
 

Các anh bàn gửi tôi về lại Dòng Duối để sinh con, nơi đó không có trạm xá mà chỉ có bà đỡ vườn. May đang là mùa nước, xung quanh Dòng Duối nước mênh mông, trong vắt. Gặp được một chị y tá của quân giải phóng là chủ của chiếc ghe lớn, chị hứa sẽ giúp sanh làm tôi cũng yên tâm.

 

Đêm đau bụng tới sáng 2/11/1972  con gái đầu lòng ra đời , tôi sanh dễ nên không có vấn đề gì. Lại được bà con đùm bọc tận tình coi như con gái trong nhà. Hôm sau má Ba Trầu từ căn cứ vào thăm ở nuôi tôi và cháu ít ngày. Bố cháu cũng được về, rất chịu khó bơi xuồng đi giặt đồ cho hai mẹ con.

 

Má Ba ở ban dân y khu 8  nên rất có kinh nghiệm, từ chăm sóc trẻ sơ sinh  đến lo đồ ăn thức uống cho sản phụ má đều lo hết. Xa gia đình, lúc sinh nở tôi cũng tủi thân vì nhà có rất đông anh chị em, nhưng lại tự an ủi rằng cũng vì sự nghiệp cách mạng mình phải hy sinh thôi.

 

Má Ba về, chị Sáu con gái của  má lại vào chăm nuôi thay. Chồng Má là cán bộ miền Nam tập kết, ở khu tập thể Kim Liên, Hà Nội. Chị Sáu sau này là Giám đốc Sở Du lịch An Giang. Má Ba là đảng viên 70 năm tuổi Đảng, nhưng  mỗi lần di chuyển cơ quan vẫn thấy má trồng cây. Tôi hỏi: - Mai đi rồi, má trồng làm gì? Má bảo:  - Trồng cây cho người khác đến mới có cái mà ăn chứ. Má còn dạy con cháu: - Sách báo cách mạng cứ đọc hết, không bổ ích cái này thì bổ ích cái khác. Các bà má miền Nam tốt như thế đấy. Ngày Má mất, chúng tôi vào viếng tại An giang.
 
Những con người tình nghĩa đó như cha mẹ của tôi, không bao giờ tôi có thể quên được…cũng như luôn nhớ về miền Nam quê hương thứ 2 của tôi. 

 

Bé Hoài Liên tròn  2 tháng tuổi, mẹ con tôi được ra Cây Gòn ở nhà má Tám. Lúc này chị Mỹ Dung cũng về đây để chờ sinh, chị ở nhà ông Ba Én, ven sông Hậu Giang. Lúc này tình hình Campuchia đã rất căng thẳng, các đơn vị của Việt Nam rút về gần Việt Nam hơn. Chị Dung sinh con gái đặt tên Cà Thanh (Cà Mau – Thanh Hoá). Chúng tôi có nhiều kỷ niệm khó quên sau thời gian dài luôn gắn bó bên nhau.

 

Ở Cây Gòn cơ quan anh cũng thường xuyên có người qua lại. Một hôm có mấy anh  cơ quan  anh đến chơi, tôi gửi cháu để xuống sông giặt  đồ. Nghe tiếng máy bay gầm rú tôi vội chạy lên thì hoảng hồn thấy bé… nằm một mình chơ vơ, trong khi các bác đã xuống hầm cả. Lúc lên các bác xin lỗi, nói vì bản năng sống/chết nên vội chạy luôn, quên mất đang được gửi cháu nhỏ… Tôi ôm con vào lòng rơi nước mắt vì thương bé quá.

 

Đâu chỉ có vậy, nhiều hôm bận họp hành tôi còn phải cột chân bé bằng chiếc tã chéo cho bò quanh giường để ông Sáu trông hộ. Có hôm được bố đến thăm, được bố bế, bé tỏ ra rất thích. Ngày tháng trôi đi, bé đã biết bò, biết đi, mập mạp và trắng trẻo hơn… Bé trở thành niềm vui chung cho cả cơ quan.

 

Có con suối cạn trong khu, các bác gọi là Đại lộ Trần Hưng Đạo cho oách. Các bác hay dẫn bé tới đó chơi, nhưng xem ra bé thích được ra thị tứ hơn. Rồi cháu biết gọi mẹ và biết phân biệt chỉ có mẹ Ấm thôi, còn lại gọi là má Ba, má Sanh, bác Tương …dù ai cũng rất yêu bé. Còn nhỏ xíu mà bé đã biết theo nếp sống quân đội, rất có ý thức giữ gọn gàng, ngăn nắp. Lúc chuyển căn cứ mới, cháu cứ đòi: - Về nhà cũ, ra xem gốc cây cũ… nghe thật thương.

 

Đến cơ quan bố chơi, các bác luôn để dành thịt gà thịt vịt và những gì ngon nhất cho Hoài Liên. Cũng chỉ có bé mới được vào chỗ bố làm việc, bé cứ chui ra, chui vào chỗ chắn cửa trông buồn cười lắm. Ông Sáu Thưởng, bác Ba Thơ, chú Năm Vàng, chú Minh, chú Sáu Thắng, chú Mẽ…còn dành nhau để được chơi với Hoài Liên. Với tôi có lẽ chẳng còn niềm hạnh phúc nào hơn...

 

Cận kề cái chết

 

Đùng một cái, ngày 2 tháng 5 năm 1974, một quả bom nổ cách tôi chỉ khoảng hơn một mét. Bác sĩ Giao người Nghệ An mới vào, sợ quá chỉ băng bó vội vàng rồi chuyển tiếp tôi vào quân y viện K20 của khu 8, may là hôm đó bé Liên không theo mẹ.

 

Tôi được các y, bác sĩ ở quân y viện chăm sóc chu đáo, nhất là bác sĩ Bạt gây mê hồi sức, nghe kể bác bảo dừng mổ là dừng. Tôi nằm 3 ngày ở phòng cấp cứu (kỷ lục nhất), gọi là phòng vô trùng nhưng sàn chỉ cách mặt đất khoảng 50 cm, toàn mùn giun đùn lên. Nằm trên giường mổ tôi khát quá liên tục đòi uống nước, nhưng chỉ dược cho uống từng giọt. Lúc đó mới biết mất máu khát nước cháy cổ là thế nào.

 

Nhóm máu của tôi là nhóm AB rất hiếm, máu khô nhiều nhưng tôi không hợp. May lúc đó có cháu Nga cấp dưỡng của trường hợp với nhóm máu của tôi, cháu đã cho tôi nhiều máu. Cả chú Sáu Công nữa, tất cả đều thử máu để cho tôi. Tôi nhớ ơn mọi người rất nhiều.

 

Ở quân y viện còn có bác sĩ Ba Trạch (Viện Phó),  nhìn hồ sơ bệnh án nhận ra tôi cùng quê và bác sĩ còn là học trò của Thầy tôi (bố tôi là nhà giáo). Nhận ra nhau rồi, bác sĩ còn lo cho tôi nhiều hơn. Tôi được ăn chế độ theo yêu cầu,  ngoài các bác sĩ và hộ lý người Việt Nam ra còn có nhiều y tá, hộ lý là người Hoa kiều, các anh chị ấy đều rất tận tình.

 

Hôm Hoài Liên được bố đưa đến thăm, bé không dám lại gần mẹ, chỉ đứng nhìn, mãi mới quen. Còn tôi nhớ con quá, cứ nhìn quanh tìm mỗi khi nghe văng vẳng tiếng bé đâu đấy. Bé ở với cô Nga, má Sanh, bác Tương… có hôm còn tè dầm cả ra võng của bác Tương.

 

Ở quân y viện nhiều lán thương binh nằm la liệt, nhất là thương binh bị vào cột sống phải nằm bất động. Vậy mà biết có cô giáo miền Bắc bị thương mới vào nằm viện, các anh đều gửi lời hỏi thăm, mong tôi mau khỏi mời tôi đến thăm họ dù chỉ để “nghe giọng nói của con gái miền Bắc".

 

Có những hôm nghe thương binh lúc hấp hối luôn miệng gọi: - Mẹ ơi, chị ơi! thương đứt ruột đứt gan. Hoài Liên chơi gần đó cứ “Dạ”. Các anh em còn quá trẻ chắc chưa có người yêu, chỉ có mẹ và chị. Có lẽ phải tận mắt chứng kiến cảnh những mái đầu còn xanh mà đã phải sớm ra đi đó, ta mới càng trân trọng biết bao nền độc lập tự do hôm nay.

 

Tôi bị thương nát hai đầu gối, cũng phải nằm bất động gần một tháng. Lúc chống gậy tập tễnh đi lại được là vội sang thăm anh em thương  binh ở các lán khác. Cứ thủ thỉ trò chuyện với nhau, nghe được giọng Bắc là các anh đã tỏ ra vui lắm rồi.

 

Lúc ở viện tôi còn được các đơn vị bộ đôi gửi tiền đến cho dù không quen, chỉ cần biết: Gửi tặng cô giáo miền Bắc bị thương. Còn nhớ lúc đó chú cấp dưỡng (tên Dậu, quê Thái Bình) hay hát hát bài Nổi lửa lên em. Tôi bị phù phải ăn nhạt, chú hay luộc bắp cải lấy nước cho tôi uống hoặc nấu cháo bằng nước bắp cải luộc cho đậm.

 

Hoài Liên được các cô y tá cho uống gluco quen, có hôm thấy mất chai nước đi truyền, tìm hoài  mới thấy Hoài Liên đang ôm khư khư cái chai. Bé Liên còn được các cô chú ưu tiên cho ăn cả kẹo Mỹ loại 7 chiếc một túi và uống Coca Cola thoải mái. Ba tháng sau tôi ra viện, chuyển về dân y khu tám. Vừa chuyển đi thì nghe tin quân y viện bị trúng bom, ông Viện trưởng và cả chú Dậu cấp dưỡng hy sinh… Sau này tôi và gia đình có đến thăm gia đình bác sĩ Trạch, chúng tôi cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm không thể nào quên thời đạn bom ác liệt mà tình người vẫn đẹp sao ấy.

 

Khi tôi về bệnh viện dân y khu 8, chị Sửu lúc này đã chuyển công tác về R gửi cho tôi nhiều mật ong để rửa vết  thương. Tôi lại ứa nước mắt vì xúc động và biết ơn những người bạn cùng chiến hào đã lo lắng giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời kỳ vô vàn khó khăn gian khổ ấy...
 
(còn tiếp)

 

Phạm Thị Hải Ấm
 (giáo viên khu Trung Nam Bộ 1969-1975)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm