Phản biện về trách nhiệm

(Dân trí) - Điểm nóng nhất trên “bàn tròn” về vụ TMV Cát Tường đang quy tụ đại đa số ý kiến của bạn đọc có thể cho là phản biện lại quan điểm của các giới chức về vấn đề TRÁCH NHIỆM, với nhiều bằng chứng có lẽ sát với thực tế hơn được nêu ra.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Con dại Cái mang
 

Trách nhiệm của các cấp quản lý, theo cách hiểu nôm na của người dân lâu nay là vậy. Tuy ngày nay không còn chuyện con cái hư, cha mẹ phải chịu tội thay, nhưng cơ sở lý lẽ để người dân đòi hỏi sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ cán bộ có chức năng quản lý, giám sát… là: cán  bộ hưởng lương để làm việc đó! Điều này được nhấn mạnh trong các thông điệp gửi tới giới chức năng:

 

“Các cụ chúng ta dạy rồi "Con dại Cái mang". Nếu Con chưa đủ tuổi vị thành niên thì Cái phải mang vì Cái đang dạy dỗ, giám sát Con mà. Nếu không còn ở độ tuổi đó nữa thì cá nhân ai làm người đó chịu. Ở đây cơ sở đang chịu sự giám sát, quản lý chặt chẽ của hệ thống pháp luật, nếu cơ sở sai (Con dại) thì trực tiếp phải đền tội và cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm (Cái mang) một phần....Xử tội ông bác sĩ cũng cần xử tội cả ông kiểm tra, ông thanh kiểm tra.... Như chúng tôi đi làm công nhân, nếu máy hỏng thì có thợ sửa máy, sau đó khi xử lý thì cả với người vận hành mà làm máy hỏng +  người quản lý người vận hành máy đó nữa vì ảnh hưởng đến sản lượng công ty.... Nói chung là phải có những người có trách nhiệm chịu trách nhiệm!!!” - Đinh Thể: dinhtrongthe@gmail.com

 

“Theo tôi, hình như các vị lãnh đạo Hà Nội vẫn chưa hiểu rõ nỗi bức xúc của nhân dân. Không người dân nào muốn phải phạt hay xử tù bất cứ cán bộ địa phương hay cơ quan y tế nào cả. Nhưng để một cơ sở y tế (liên quan chặt chẽ đến tính mạng nhân dân) to đẹp, quảng cáo rầm rộ, hoạt động trên 6 tháng mà không ai đến kiểm tra (?) xem anh ta hành nghề như vậy có hợp pháp không, có đủ điều kiện chuyên môn và an toàn cho nhân dân không…. thì rõ ràng là có lỗi. Nếu không có văn bản nào quy được lỗi cho những người quản lý liên quan, thì tôi nghĩ đó lại trở thành lỗi của hệ thống quản lý. Nếu thực sự tôn trọng tính mạng, sự an toàn của nhân dân thì phải tìm ra lỗi ở đâu và khắc phục ngay để không xảy ra chuyện tương tự nữa. Chứ bỏ tù 1 bác sĩ làm sai thì vẫn còn có nhiều bác sĩ làm sai kiểu khác, vậy thì nhân dân biết tin vào ai?” - Trần Bình: trandong.binh@yahoo.com

 

“Nếu cán bộ quản lý làm nghiêm, có trách nhiệm thì hạn chế được nhiều sai phạm. Nếu cán bộ buông lỏng quản lý, nhận tiền đút lót, làm ngơ trước những sai phạm mà họ tự coi là "nhỏ" thì rồi còn nhiều việc  lớn, việc động trời sẽ xảy ra. Người ở cấp càng cao thì làm việc càng cần cẩn thận, có ý thức trách nhiệm. Chứ nếu cấp trên coi con bò là nhỏ thì cấp dưới sẽ dắt con voi chui qua lỗ kim. Mạng người là rất rất quan trọng, mong Bí thư chỉ đạo việc nhìn nhận nghiêm túc hơn, cẩn trọng hơn để tìm ra nguyên nhân từ từng bộ phận, từng cá nhân và có hình thức kỉ luật thích đáng làm gương. Tránh những sự việc tương tự lặp lại ở lĩnh vực này và cả nhiều lĩnh vực khác, có thế mới yên được lòng dân. Nhân dân thủ đô chờ đợi sự chỉ đạo và cách giải quyết hiệu quả nhất của Bí Thư. Chúc Bí thư khỏe, công tác tốt” - Cuong:  cuonggd@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Trực tiếp và liên đới

 

Cũng có điểm chung trong quan điểm của các giới chức và dân, đó là về trách nhiệm trực tiếp vì rất dễ nhìn thấy. Nhưng cái nút thắt của cái có thể gọi là cuộn chỉ rối TRÁCH NHIỆM luôn nằm ở chỗ quy trách nhiệm liên đới, mà theo cách nhìn từ thực tế của người dân thì không khó khăn gì để tìm ra địa chỉ:

 

“… Nếu là rủi ro thì không ai có thể lường được, nhưng đánh giá và quản trị rủi ro thì con người hoàn toàn làm được, đó cũng là công việc và trách nhiệm của các cấp quản lý. Nếu quản lý chặt, có trách nhiệm thì khả năng xảy ra trường hợp đau thương như vậy là khó. Ở đây không phải đùn đẩy trách nhiệm cho ai, mà qua sự việc như vậy ta nên chấn chỉnh lại, ngồi lại bàn bạc và xem xét, đánh giá, để thời gian sắp tới những việc tương tự như vậy không xảy ra nữa…. Bác sĩ Tường chịu trách nhiệm là việc đương nhiên, nhưng pháp luật còn có quy định về liên đới trách nhiệm nữa!” - Hùng:  phamhung68@gmail.com

 

“Ai có liên quan thì chịu trách nhiệm. Theo tôi, trước tiên và cao nhất là bác sĩ gây hậu quả, sau đó đến phường, quận. Cao thứ nhì là Sở Y tế và các cơ quan kiểm tra của Hà Nội, vì đã không kiểm tra và giám sát kỹ (hay vì lý do khác thì không biết, chỉ có… Trời và các ông trong ngành biết thôi). Tiếp tới là Bộ Y tế (không trực tiếp, nhưng quản lý có vấn đề) cần chấn chỉnh lại. Thực tế y đức đã xuống cấp quá rồi, chưa vỡ hết ra thôi chứ đụng đâu cũng thấy. Dân đen như tui còn thấy, huống chi mấy quan chức. Chẳng qua không làm thôi. (Nói thế chứ vẫn có những y bác sĩ tận tâm với nghề, không phải tất cả, ở đây là nói đa số). Thử khảo sát sẽ thấy. Kết luận: Chán! Có tiền ra nước ngoài chữa cho an toàn, nhưng nghèo thì phải chịu trận thôi” - Dân đen: whiteeagle@yahoo.com

 

“Bác sỹ Tường gây ra tội thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng cơ quan cấp phép cũng phải chịu trách nhiệm về kiểm tra và giám sát, thủ trưởng quản lý con người cũng phải chịu trách nhiệm, đồng thời ngành y tế phải chịu trách nhiệm chứ không nên đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau, rồi cuối cùng chẳng ai chịu trách nhiệm... Có vậy thì quản  lý xã hội mới tốt được” - Thach Hiền:  hienthachvan@gmail.com

 

“Ở bất kỳ địa phương nào thì UBND tại khu đó là cơ quan có quyền lực cao nhất. Mọi hoạt động của của các cơ quan đều chịu sự quản lý các các cơ quan trực thuộc UBND... UBND thường xuyên tổ chức họp giao ban các sở, ban, ngành. Họp để làm gì? Không phải là để chơi mà họp để kiểm điểm, phê bình và báo cáo. Cái gì được thì phát huy, cái gì chưa được phải chỉ đạo, giám sát, tìm ra nguyên nhân, phối hợp các phòng ban liên quan giải quyết dứt điểm… Trong vụ này, nếu sai phạm diễn ra 10-15 ngày còn có thể là khó nhận rồi. Nhưng đây là 6 tháng, vậy các cán bộ chức năng làm gì, ở đâu? Cấp trên giám sát các vệ tinh của mình như thế nào? Tôi đọc tin thấy chú Nguyễn Bá Thanh khi ở Đà Nẵng từng chất vấn các sở ban ngành rằng: Các anh xem đi vào chỗ sân bay thấy mấy bãi rác thì người ta chỉ chấm Đà Nẳng là thành phố… chán sống. Nhưng lỡ đã được công nhận thì các anh phải  cố gắng làm tốt những điểm đó, chứ để du khách đi họ thấy họ cười, mang tiếng…” - Nguyễn Duy Linh:  linhnd1979@gmail.com

 

Từ góc nhìn gần sát thực tế thì cơ sở luận điểm để dân phản biện dân về TRÁCH NHIỆM đơn giản là như vậy.

 

Khánh Tùng