Ký sự: Hành trình gieo chữ trên những nẻo đường khói lửa:

(Phần 3): Hạt giống Đỏ khu 8

(Dân trí) - Rồi cái đích mang tên Ông Cụ cũng tới. Còn nhớ hôm đó là 1/9/1969, đang nằm trên võng ở trạm y tế dân y B3 thì nghe đài báo tin Bác Hồ ốm rất nặng…Hai hôm sau chúng tôi chết lặng nghe tin dữ Bác đã đi xa… Khóc nhớ thương Bác vô cùng…

Nắng dưới lòng đất - Thành Cổ Quảng Trị, năm 1972  (ảnh minh họa: Đoàn Công Tính)
Nắng dưới lòng đất  - Thành Cổ Quảng Trị năm 1972  (ảnh minh họa: Đoàn Công Tính)

 

Ở nơi xa xôi này chúng tôi càng thắt lòng bởi nỗi lo Bác mất thì bao giờ mới thống nhất đất nước, bao giờ chúng tôi mới được về với gia đình…

 

Những ngày cả nước chìm trong nước mắt khóc Bác, chúng tôi lặng lẽ kết những vòng hoa trắng nhỏ tỉa từ quả đu đủ xanh… Nghe nhạc bài Hồn tử sĩ cất lên qua đài, chúng tôi lại chứa chan nước mắt… Rất đau lòng nhưng ai cũng tự hứa với Bác: Chúng cháu sẽ càng cố gắng hơn nữa…

 

Sau đợt nghỉ dưỡng ở R, chúng tôi được phân công về khu 8 miền Trung Nam Bộ.  Được trút bỏ quần áo lính nặng chình chịch, lần đầu tiên được mặc quần áo bằng vải pha nilon vừa nhẹ vừa mau khô rất hợp với đồng nước Nam Bộ, ai cũng thấy thoải mái hơn. Nhưng đường hành quân về khu 8 lại gian khổ làm sao. Đang ở rừng về đồng bằng vào mùa nước, phải đi suốt 3 ngày vượt qua những cánh đồng chó ngáp toàn gốc tràm nhọn hoắt đâm vào chân tứa máu. Và sợ hơn nữa là đỉa Đồng Tháp cứ lượn lờ…Lại phải gồng mình vượt qua thử thách mới…

 

Giao liên đưa đến Tà Nu nơi Tiểu ban Giáo dục khu 8 đóng quân. Chú Bảy Kim là Trưởng Tiểu ban, anh Ba Đàm, anh Tư Mậu, anh Hai Nguyên, chú Sáu Tú… đón tiếp chúng tôi như những người con ruột thịt, coi chúng tôi như những hạt giống đỏ của miền Bắc chi viện.

 

Tà Nu là biên giới Việt Nam – Campuchia, bên kia sông là Hồng Ngự của Việt Nam. Đến đây chúng tôi mừng quá vì được kết thúc cuộc đời ăn cơm ănggô, anh Kán còn thả luôn ănggô xuống sông Tà Nu như để nói lời từ biệt. Nhưng đó mới là một khởi đầu nữa để dấn thân vào cuộc chiến mới lúc này không chỉ khó khăn gian khổ mà cả sự ác liệt hơn nhiều đang chờ đợi phía trước, khi khoảng cách giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc…

 

Tà Nu cũng là nơi ta tập trung quân để rèn luyện cho quen với địa hình chiến trường Nam Bộ. Bộ đội đóng quân rất đông, toàn là con em miền Bắc. Bắt đầu từ đây tôi tận mắt chứng kiến những hy sinh to lớn của bao người con miền Bắc... để rồi lòng mãi không khỏi xót xa. Tôi được đồng đội của anh Thành - người anh nuôi của gia đình đã hy sinh – trao lại tấm hình chụp vợ chồng anh lúc mới cưới, sau này nhờ tấm hình đó gia đình mới có ảnh thờ.

 

Còn nhớ các anh bộ đội đánh được rất nhiều cá… Sau đó người đánh được cá có khi đã hy sinh mà cá vẫn còn quẫy trong khạp...  Nhìn cá lại nhớ người... Chúng tôi rơi nước mắt đành thả hết cá xuống sông Tà Nu.

 

Cũng ở Tà Nu trường sư phạm cấp tốc của khu được mở, anh Ba Đàm, anh Tư Mậu, anh Ba Quý đều dạy ở đây.

 

Ở Tà Nu tập trung nhiều cơ quan đơn vị của Khu 8. Bên Dược hôm đó có mấy chị là dược sĩ mới vào. Máy bay đến ném bom, chị Duyên quê Thái Bình đã chui xuống hầm rồi lại thò đầu lên kéo chiếc ba lô của người bạn gửi, bị trúng bom chị hy sinh khi tay vẫn còn nắm chặt quai ba lô. Mãi năm 2012 chị Ba Huyền quê An Giang mới tìm được mộ chị Duyên chuyển về nghĩa trang tỉnh Long An. Còn chị Chi bị thương vào cột sống, hơn 20 năm sau mới mất...

 

Năm 1970 Tiểu ban phân công tác về các địa phương: anh Kán đi An Giang, anh Lãng đi Mỹ Tho và hy sinh tại Mỹ Tho. Các chị Cúc Son, Tám Hà,  Năm Hiệp, Sanh được phân công đi hợp pháp công tác đô thị. Nhiều năm sau giải phóng tôi mới gặp lại chị Cúc Son tại Sài Gòn....

 

Tôi và chị Mỹ Dung gắn bó với nhau nhất, chị em chia ngọt sẻ bùi suốt những năm tháng công tác, cùng đào hầm bí mật… sống chết có nhau.

 

Tôi được cử đi công tác ở Kiến Tường (Long An hiện nay), từ Tà Nu đến Kiến Tường đi cùng các anh bộ đội. Sau một hồi  kể chuỵên quê hương, lúc đi trên cánh đồng lúa rộng mênh mông có một anh còn làm thơ tặng tôi:

 

“…Đi mênh mông trên biển lúa quê mình ,

      Vì một lẽ thường tình em Hải Ấm…”
 

Đến giờ tôi không còn nhớ tên và địa chỉ gia đình anh nữa, chẳng biết anh có qua được chiến tranh không?

 

Về Kiến Tường, anh Tám Hùng - Trưởng Tiểu ban giáo dục, quê Quảng ngãi phân công tôi về Tân Lèo. Nơi đây như một thị trấn, đồng bào Việt Nam sang lánh nạn rất đông và cũng là nơi tập kết của bộ đội miền Bắc nên rất nhộn nhịp. Tôi phải “ba cùng” với dân, do đã thoát ly từ nhỏ nên chuyện “ba cùng” với dân với tôi cũng rất tự nhiên.

 

Tôi ở cùng với một anh giáo viên người Kiến Tường, ở nhà của anh chị Hai. Chị rất mập còn anh lại rất gầy, nhưng cả hai đều tốt bụng, rất thương yêu chúng tôi. Những ngày đi “phòng động” (chống giặc càn quét) anh giáo viên này thường dậy rất sớm  nấu cơm trộn một ít nếp, cơm nắm rất dẻo và ngon. Đi “phòng động” núp dưới những tán dừa nước, cùng nhau ăn cơm nắm… làm tôi liên tưởng đến phim vợ chồng A Phủ. Anh  nói: “Má anh ấy rất thích con dâu miền Bắc”, làm tôi sợ quá… Còn nhớ anh ca sáu câu vọng cổ rất hay. Sau này hay tin anh đã hy sinh khi vượt lộ…

 

Tôi cùng cô giáo Ba Ánh dạy các em học. Có buổi dạy học mà bộ đội đứng xem đông như xem biểu diễn văn công. Có những lớp cô giáo cũng phải phì cười khi nghe đọc tên học sinh mà giống như đang nghe rao bán thuốc lá... nào Cáp Tăng, nào Rô Bi… thật ngộ!

 

Ở Tân Lèo cũng có nhiều kỷ niệm. Một lần ở nhà một nam giáo viên là anh Hải, thấy tôi không biết làm cá, má anh ấy cười mãi rồi dạy tôi làm. Nghe tôi gọi anh Hải là “ông”, má nhắc: “Đừng gọi như thế, chỉ có vợ chồng mới gọi là “ông”... Thấm thoát bao năm đã trôi qua, giờ anh Hải là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Hồng, Đồng Tháp.

 

Những kỷ niệm nho nhỏ thời đạn bom ấy, tôi không bao giờ quên được.

 

Cuối đợt công tác tôi được về khu A - khu Láng Nghể, nơi trung tâm đầu não của khu 8. Lần đó được cháu Quyền đi đón. Tới lần chia tay đi địa phương công tác với anh Hứa, tôi hay tin anh Bảy Mai đã bị địch bắt, bị đày đi Côn Đảo. Về đến nơi các anh hỏi thăm, tôi không cầm được nước mắt, nghẹn ngào mãi không nói nên lời...
 
(còn tiếp)
 
Phạm Thị Hải Ấm (Giáo viên khu Trung Nam Bộ 1969-1975)