Phải thấy có lỗi khi cứ nói đến “nền bóng đá Việt Nam” mà không có bóng dáng phụ nữ!
Cứ ngẫm mà xem, tình trạng truyền thông hay “chém gió”, “ném đá” trên mạng đang là như thế đấy. Ngay ở SEA Games 29 này chứ đâu
.Khi đội U22 nam Việt Nam thắng 3 trận đầu như chẻ tre thì không ít lời ca tụng như sắp làm nên kì tích của nền bóng đá Việt Nam, cứ như chỉ có bóng đá nam mới làm nên kì tích và kì tích của bóng đá nam mới có thể xem là thành tích, thành tựu của nền bóng đá.
Và ngược lại thì cũng đã quá rõ, khi thua trận trước U22 nam Thái Lan thì coi như là “thất bại của một nền bóng đá”. Bóng đá nam thất bại đồng nghĩa với việc nền bóng đá thất bại, còn những thành tích của các đội khác, nhánh khác, không phải thuộc về nền bóng đá Việt Nam sao?...
Chính vì tư duy vẫn còn nặng “trọng nam khinh nữ” ngay trong việc nhìn nhận, đánh giá về nền bóng đá Việt Nam mà bao năm nay, các cô gái của chúng ta, dù vừa mới đây đã lập nên kì tích – 5 lần vô dịch SEA Games, đứng đầu khu vực Đông Nam Á ngang với nữ Thái Lan - nhưng được đối xử không chút công bằng suốt bao năm qua. Tiền tài trợ ít hơn, sự ủng hộ của truyền thông và dư luận cũng nhạt hơn, giá trị chuyển nhượng gần như… không có gì và chẳng được nói đến. Các cô đá thì cứ đá, rảnh thì chúng tôi xem, được thành tích thì tốt không thì cũng chẳng sao…, một kiểu thờ ơ như vậy đã suốt bao năm rồi…
Bóng đá nữ được đầu tư ít hơn nhưng mang lại kì tích. Bóng đá nam được đầu tư nhiều hơn cả từ ngân sách và xã hội hóa, nhưng nhìn chung là thành tích không tương xứng, không như mong đợi, nếu không muốn nói là thất bại.
Nền bóng đá Việt Nam chắc chắn không chỉ có bóng đá nam (ảnh: D.P).
Nhưng xin thưa quí vị, nếu quí vị có viết, hay nói, thì hãy xem đó là thất bại của bóng đá nam mà thôi, chứ sao gọi là thất bại của một nền bóng đá. Đơn cử như trong SEA Games này. HLV Mai Đức Chung nói một câu bình thường nhưng suy cho cùng rất có ý nghĩa: “Tấm huy chương này (ý nói HCV của bóng đá nữ tại SEA Games 29) “rửa hận” cho bóng đá nam”. Theo logic này, đương nhiên nền bóng đá Việt Nam được xây dựng nên không chỉ có bóng đá nam, bóng đá nữ là một phần, thậm chí là một phần quan trọng, một nửa…
Và nếu chúng ta biết định hướng chiến lược theo mục tiêu rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có thể đầu tư theo hướng xây dựng thương hiệu cường quốc bóng đá nữ (như đội tuyển nữ Trung Quốc, Triều Tiên… một thời) trong khu vực, và khi người ta nói đến bóng đá nữ ở khu vực thì nghĩ ngay đến Việt Nam, biết đến Việt Nam nhiều hơn.
Tại sao không? Tại sao cứ lao vào một mục tiêu mà không thể định được mức độ hiện thực hóa, để rồi sau mỗi thất bại lại bức xúc, thậm chí chửi vung như tình trạng trên mạng, trong khi những người tạo nên kì tích thì lại không được quan tâm đúng mức? Chính vì thế mới có những “tấm gương” nữ tuyển thủ thành tích đầy đặn phải đi bán bánh mì, làm thuê… với cuộc sống chật vật, thậm chí bất hạnh.
Tất nhiên, trên thị trường, bóng đá nam vốn dĩ thu hút sự quan tâm hơn. Nhưng thị trường nhiều lúc cũng vô định, đặc biệt đối với bộ môn bóng đá tại Việt Nam. Sự xác định vấn đề hay mục tiêu, hướng sự chú ý dư luận, suy cho cùng đều thuộc về con người và đường hướng chiến lược.
Tôi đề nghị các vị quan chức, chức sắc thể thao, những người chuyên viết bình luận về thể thao trong đó có bộ môn bóng đá, khi đề cập đến “nền bóng đá Việt Nam” các vị cần nghĩ đến bóng dáng những tuyển thủ nữ. Nếu không, các vị phải tự thấy có lỗi!
Theo Thẩm Hồng Thụy
Báo Lao động
https://laodong.vn/dien-dan/phai-thay-co-loi-khi-cu-noi-den-nen-bong-da-viet-nam-ma-khong-co-bong-dang-phu-nu-551521.ldo