Bạn đọc viết

Phai Khắt, Nà Ngần – Những trận thắng mở đầu truyền thống vẻ vang của quân đội ta

(Dân trí) - “Người lính già tóc bạc / Kể mãi chuyện Nguyên Phong” (Bạch đầu quân sĩ tại / Vãng vãng thuyết Nguyên Phong)

Phai Khắt, Nà Ngần – Những trận thắng mở đầu truyền thống vẻ vang của quân đội ta
Lễ thành lập Đội VNTTGPQ - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam - tại khu rừng Trần Hưng Đạo xã Tam Kim, huyên Nguyên Bình, Cao Bằng

Trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN 22/12 này, tôi nhớ đến câu thơ của Đức Vua Trần Nhân Tông được học trong sách vở thuở nào: “Người lính già tóc bạc / Kểmãi chuyện Nguyên Phong” (Bạch đầu quân sĩ tại / Vãng vãng thuyết Nguyên Phong)

Đấy là hào khí một thời của cha ông hơn 750 năm trước. Cái hào khí ấy vẫn được tiếp nối cho đến ngày nay và mãi mãi về sau.

Thời đại Hồ Chí Minh cũng có nhữngngười lính già kểmãi chuyệnNguyên Phongcủa thế kỉ hai mươi – Những người lính Cụ Hồ đã góp phần làm nên truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng trong suốt 70 năm lịch sử.

Ôn lại truyền thống hào hùng 70 năm qua của quân đội ta, tôi là lớp hậu sinh, không có được cái vinh dự là người lính già kể lại những chiến công hiển hách như Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa Xuân 1975… mà người Việt Nam nào cũng biết. Nhưng qua lịch sử, tôi rất ấn tượng về hai chiến công, nếu so với những trận thắng lẫy lừng kia thì thật là nhỏ bé, nhưng nó lại là bước khởi đầu vô cùng quan trọng, mở ra những trang sử vẻ vang của quân đội nhân dân anh hùng.

Đó là hai trận đánh đầu tiên của bộ đội ta: Phai Khắt và Nà Ngần. Hai trận đánh đều do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy, diễn ra chỉ ba ngày sau khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Lúc đó, Đội chỉ có 34 cán bộ và chiến sĩ, trang bị hết sức thô sơ: 2 súng thập (súng ngắn 10 viên), 17 súng trường, 14 mã tấu.

Trận đầu tiên là trận diệt đồn Phai Khắt của quân Pháp diễn ra vào lúc năm giờ chiều ngày 25 tháng 12 năm 1944. Đồn này có gần 20 binh lính do một đồn trưởng người Pháp chỉ huy. Sau khi biết đồn trưởng Simônô lên châu lỵ Nguyên Bình, các đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân đã đóng giả lính khố xanh, bất ngờ tập kích, bắt sống 17 lính và một viên cai. Viên đồn trưởng người Pháp từ Nguyên Bình bất ngờ trở về bị chiến sĩ ta tiêu diệt. Trận đánh chỉ diễn ra trong vòng mươi phút.

Trận Nà Ngần lại diễn ra lúc sáng sớm ngày 26-12. Đồn Nà Ngần cách Phai Khắt khoảng 25 km, địa thế hiểm trở, có 22 lính khố đỏ do hai sĩ quan Pháp chỉ huy. Bộ đội ta lấy trang phục của địch mới thu được từ trận Phai Khắt, cải trang làm lính dõng và lính tập áp giải ba cộng sản người Mán đến giao nộp cho quan đồn. Địch mắc mưu, ta nhanh chóng làm chủ đồn, tiêu diệt 5 tên, bắt sống số còn lại, thu nhiều chiến lợi phẩm. Hai sĩ quan Pháp không có mặt trong đồn vì đã đi lên tỉnh. Trận đánh cũng diễn ra nhanh chóng, hai mươi phút sau ta rút khỏi đồn địch.

Cả hai trận đánh, bộ đội ta đều sử dụng chiến thuật hoá trang tập kích, một cách đánh không đòi hỏi nhiều về lực lượng và vũ khí vốn là những điểm yếu của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vừa mới được thành lập, song hiệu quả chiến đấu lại rất cao. Chiến thuật đó kết hợp với yếu tố bí mật, bất ngờ, giải quyết trận đánh nhanh gọn khiến cho địch không kịp trở tay. Chiến thuật đó cũng cho thấy, những người chỉ huy đã vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đánh giặc của ông cha ta xưa: “Lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh.” Ở thời điểm đó, các chiến sĩ của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chưa qua trận mạc, huống chi là việc đánh địch trong căn cứ (đồn bốt) có công sự, lực lượng bố phòng vững chắc.

Với chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, bộ đội ta đã thực hiện đúng Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trận đầu nhất định phải thắng lợi”.

Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần có ý nghĩa đặc biệt, củng cố vững chắc niềm tin vào khát vọng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước vốn đã được nhen nhóm bởi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ những năm hai mươi của thế kỉ trước. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần là biểu tượng sinh động của ý chí quyết chiến quyết thắng, của nghệ thuật quân sự Việt Nam ngay từ buổi đầu còn non trẻ của quân đội cách mạng.

Người xưa nói: “Vạn sự khởi đầu nan”, nhưng với chiến công của lần đầu ra trận ở Phai Khắt, Nà Ngần - Một sự khởi đầu tốt đẹp cho truyền thống bách chiến bách thắng để rồi những năm tháng tiếp theo, quân đội ta lại viết tiếp những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Nguyễn Duy Xuân