Phải biết day dứt với lương tâm!

Biết day dứt lương tâm có lẽ sẽ giúp người ta tiết chế bản thân để không bị cuốn vào vòng xoáy suy thoái về đạo đức, lối sống.


Ảnh minh họa (Nguồn: dantri.com.vn)

Ảnh minh họa (Nguồn: dantri.com.vn)

Mấy cụ hưu trí đi tập thể dục ở công viên, vừa đi vừa nói chuyện, vô tình nghe được, khiến tôi suy ngẫm: “… bây giờ, nhiều người không biết xấu hổ, không biết day dứt lương tâm, ngay cả với chính mình...”.

Câu chuyện của các cụ có vẻ rôm rả hơn khi được dẫn chứng bằng các vụ việc cụ thể: Nào là việc ông cán bộ nọ, khi đương chức phát biểu hùng hồn khẳng định sự trong sạch của mình, chỉ khi thanh tra, kiểm tra vào cuộc, mới phơi bày hết mặt tối của sự "trong sạch" kia...

Tiếp mạch chuyện, vẫn là chuyện lùm xùm đâu đó ở ở cơ quan nọ, địa phương kia. Nào là cán bộ dùng bằng cấp giả, bằng cấp không phù hợp; nào là ngoài đa số những cán bộ chân chính, tâm huyết, trung thực, gần dân, thì cũng còn không ít cán bộ chỉ nói hay nhưng làm thì dở... Một giọng nói cảm thán: Cứ bảo sao lâu nay dư luận hay đề cập về sự "trung thực” của một bộ phận cán bộ, đảng viên có lời nói và việc làm không đi đôi với nhau, không trung thực trong việc kê khai tài sản, nguồn gốc tài sản…

Câu chuyện vô tình nghe được thật đáng suy ngẫm. Việc các cụ luận bàn thật chí lý. Những hiện tượng trên đây không còn là chuyện hiếm, và đây chính là một trong những nguyên nhân làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Hy vọng những "con sâu" có lối sống không trung thực ấy biết day dứt lương tâm khi đối diện với gia đình họ hàng, bạn bè... Mong họ dần thức tỉnh để chọn cho mình một lối về. Biết day dứt lương tâm có lẽ sẽ giúp người ta tiết chế bản thân để không bị cuốn vào vòng xoáy suy thoái về đạo đức, lối sống…, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Ai trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa”./.

Theo Khắc Trường

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam