Ông Lê Tấn Hùng, SAGRI từng mưu toan thoát án thế nào?
Một trong những sai phạm nghiêm trọng dẫn tới việc bị khởi tố bắt giam của ông Lê Tấn Hùng (cựu Tổng giám đốc Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI) cùng đồng phạm là việc “dâng” hơn 13,3 tỉ đồng cho công ty du lịch. Bên trong phi vụ này, khi thanh tra vào cuộc, SAGRI đã toan tính “chạy trời khỏi nắng” khi thỏa thuận để 2 công ty du lịch hoàn trả lại hơn 9 tỉ đồng.
Một trong những sai phạm nghiêm trọng dẫn tới việc bị khởi tố bắt giam của ông Lê Tấn Hùng (cựu Tổng giám đốc Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI) cùng đồng phạm là việc “dâng” hơn 13,3 tỉ đồng cho công ty du lịch. Bên trong phi vụ này, khi thanh tra vào cuộc, SAGRI đã toan tính “chạy trời khỏi nắng” khi thỏa thuận để 2 công ty du lịch hoàn trả lại hơn 9 tỉ đồng.
Chỉ mất gần 4 tỉ, nhưng…
Dư luận chỉ mới biết, trong năm 2016, ông Lê Tấn Hùng đã ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài với tổng giá trị hơn 13,3 tỉ đồng với Cty Thương mại Dịch vụ Hòa Bình Quốc tế và Cty CP Du lịch Thanh niên xung phong. Sau đó, theo xác minh của cơ quan chức năng, có đến 22 người không tham gia chuyến đi.
Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TPHCM cũng khẳng định, 40 trong 70 người tham gia chuyến đi nước ngoài không có trong danh sách, số còn lại không có thông tin trên hệ thống xuất nhập cảnh.
Từ đó,Thanh tra TPHCM kết luận, SAGRI không thực hiện các chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí cho 2 công ty với tổng số tiền hơn 13,3 tỉ đồng là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán.
Thực tế, trong hơn 13,3 tỉ đồng trên, dù đã ‘chui” vào tài khoản nhưng năm 2017, các công ty du lịch đã phải hoàn trả lại cho SAGRI tổng cộng hơn 9,7 tỉ đồng (Cty Thương mại Dịch vụ Hòa Bình Quốc tế hoàn trả hơn 6,3 tỉ, Cty CP Du lịch Thanh niên xung phong hoàn trả gần 3,4 tỉ). Như vậy SAGRI chỉ làm thất thoát gần 4 tỉ đồng trong phi vụ hơn 13 tỉ nêu trên.
…là toan tính “chạy trời cho khỏi nắng”?
Vụ hoàn trả trên thực chất cho mưu toan thoát án. Vào tháng 11.2016, giữa Thường trực Đảng ủy, Hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc SAGRI đã có buổi họp xác định chuyển chuyến đi du lịch sang năm 2017 với lý do một số CBCNV không thể tham gia do tập trung vào thời điểm triển khai dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập SAGRI.
2 công ty du lịch đã chấp thuận cho chuyển chuyến đi sang năm 2017 với điều kiện SAGRI phải chuyển khoản toàn bộ giá trị hợp đồng hơn 13,3 tỉ. Nếu năm 2017 vẫn không thực hiện hợp đồng, SAGRI sẽ mất trắng số tiền trên.
Sau đó, SAGRI đã chuyển khoản hơn 13,3 tỉ đồng cho 2 công ty du lịch. Tuy nhiên sang năm 2017, SAGRI lại không đi, đồng nghĩa chấp nhận “dâng” hơn 13,3 tỉ đồng của Nhà nước cho 2 công ty trên.
Điều bất ngờ, tới ngày 24.7.2017, 2 công ty trên lại ký biên bản chấp nhận hoàn trả tiền cho SAGRI tổng cộng hơn 9,7 tỉ, thay vì lấy trắng. Chỉ 1 ngày sau, ngày 25.7, cả 2 công ty đã hoàn trả “cấp tốc”.
Giải trình với thanh tra, SAGRI cho rằng do năm 2017 Cty khó khăn không thực hiện chuyến đi nên thỏa thuận được với 2 công ty du lịch hoàn trả tiền.
Thực tế, việc hoàn trả xảy ra (tháng 7.2017) khi Thanh tra TPHCM đã vào cuộc và chuẩn bị hoàn tất kết luận (cuộc thanh tra toàn diện bắt đầu từ ngày 28.3 đến 23.6.2017).
Thế nên, theo nhận định, việc hoàn trả khi vụ việc bị phát hiện là nhằm “chạy trời khỏi nắng”.
Vì vậy dù kết luận “nếu không phát hiện kịp thời, có khả năng ngân sách nhà nước sử dụng không đúng mục đích”, nhưng không phải bỗng nhiên Thanh tra TPHCM nhận định “Đoàn thanh tra nhận thấy Tổng Công ty có dấu hiệu câu kết với 2 công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ để hợp thức hóa vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định pháp luật”.
Từ đó, Thanh tra TPHCM mới kiến nghị giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nói trên của SAGRI và 2 đơn vị du lịch liên quan.
Theo Ngô Nguyên
Báo Lao động