Chuyện đùa như thật
Ông Chấn sướng thật
(Dân trí) - Ối trời ơi, cổ nhân vẫn bảo: "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại." Bị tù, lại là tù oan, đằng đẵng một thập niên mới được minh oan, vậy sướng cái nỗi gì?
Ông Nguyễn Thanh Chấn nhận quyết định đình chỉ điều tra của Bộ Công an.
Bạn tôi bảo:
- Hê hê … ông Chấn sướng thật.
Tôi thận trọng hỏi:
- Có phải ông Chấn mà ông vừa nói là ông Chấn ở Bắc Giang bị tù 10 năm, trước tết mấy hôm thì được Bộ Công an trao quyết định minh oan cho không?
- Đích thị.
- Ối trời ơi, cổ nhân vẫn bảo: Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại. Bị tù, lại là tù oan đằng đẵng một thập niên mới được minh oan, vậy sướng cái nỗi gì?
-Sướng chứ.Cầm chắc là sướng hơn Thị Kính.
Tôi lại thận trọng hỏi:
- Có phải ông nói đến Thị Kính là Thị Kính trong truyện dân gian không?
Bạn tôi bảo:
- Đích thị. Đó là cái bà mà có thằng chồng đa nghi, một lần đọc sách mệt, ngủ thiếp đi. Thấy trên cằm chồng có sợi râu mọc ngược, Thị Kính dùng dao cắt sợi râu đó đi. Giật mình thức giấc, chồng lu loa rằng vợ dùng dao định giết mình. Thế là nàng bị chồng ruồng bỏ, xã hội lên án. Oan ức, đau khổ quá, nàng cắt tóc giả trai đi tu. Với vai chú tiểu, Thị Kính đã làm say lòng Thị Mầu lẳng lơ. Bao lần tán tỉnh, nhưng Thị Mầu không sao làm siêu lòng “chú tiểu”. Bỗng nhiên, Thị Mầu bụng mang dạ chửa, vu vạ cho “chú tiểu” ăn nằm với chị. Một lần nữa, Thị Kính mang tội, bị đuổi ra khỏi chùa. Suốt mấy năm ròng, Thị Kính bồng bế đứa con Thị Mầu đi xin từng giọt sữa và chịu bao tai tiếng nhục nhã. Cho đến khi nàng chết, sự thật mới sáng rõ. Tưởng rằng nỗi oan của nàng là một cái gì đó quá nặng nề với người đời nên người xưa nói “Oan Thị Kính” là để so sánh với những nỗi oan khuất cùng cực mà không giãy bày được.
Tôi lườm:
- Ông so sánh vớ vẩn. Tôi thấy Thị Kính còn sướng hơn ông Chấn chứ vì Thị Kính bị nghi oan nên chán, bỏ đi, vậy là dù sao Thị Kính vẫn còn tự do. Còn ông Chấn bị họ bắt rồi lôi ra bức cung, không có tội họ cũng bắt phải nhận tội, đã vậy ra Tòa lại suýt bị tuyên án tử hình, may mà có bố là liệt sỹ nên họ kết án chúng thân, tức là tù suốt đời. Thế là Thị Kính còn sướng hơn ông Chấn vì không bị bức cung và bị ngồi tù như ông Chấn. Hơn nữa, trong những năm ngồi tù đó, gia đình ông ô nhục vì bị cộng đồng xã hội khinh bỉ là thân nhân của kẻ hãm hiếp và giết người, con ông Chấn xấu hổ phải bỏ học, con gái ông Chấn chẳng ai hỏi lấy, vợ ông Chấn suy sụp sức khỏe, cả gia đình ở bờ vực thẳm của sự tan vỡ. May mà mười năm sau, khi ông Chấn đang trong tù, kẻ giết người trời sui đất khiến đã ra đầu thú nhận tội hãm hiếp và giết người nên ông Chấn mới được minh oan. Vì vậy so với nỗi oan của Thị Kính, nỗi oan của ông Chấn thống khổ hơn nhiều. Tôi nói thế có đúng không?
Bạn tôi cãi:
- Ông so sánh thế chứng tỏ văn hóa của ông còn nông cạn lắm. Nghe đây, tôi cho rằng đâu phải ông Chấn chỉ có khổ mà cũng có cái sướng, mà lại sướng vô cùng lớn, tôi có mơ cũng chẳng được mà ông có mơ cũng chẳng được, vì sau vụ việc này, từ nay tên ông Chấn sẽ được đi vào thành ngữ. "Oan như Nguyễn Thanh Chấn" trong kho tàng văn hóa dân gian Việt nam để thay thế câu: "Oan như Thị Kính" mang tính điển tích ít người hiểu rõ. Chỉ bị oan mà được đi vào thành ngữ, tên tuổi sống mãi với đời, nên sướng quá đi chứ. Tôi nói có đúng không? He he …
Nguyễn Đoàn