Bạn đọc viết:

"Ông bác" bí ẩn

(Dân trí) - Ngày nảy ngày nay, trong XH nọ có một gia đình mà bọn trẻ là các em học sinh THPT luôn được sự yêu thương chăm sóc và dạy bảo của người Cha là kỳ thì đại học và người Mẹ là kỳ thi tốt nghiệp THPT.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Người cha tính tình nghiêm khắc luôn dành cho con cái mình những bài học nhớ đời, đôi khi là cả những trận đòn roi đau đớn. Thậm chí sẵn sàng cấm, không cho chúng đi chơi, không cho chúng ra khỏi nhà khi chúng chưa đạt được những yêu cầu đặt ra. Hơn ai hết người cha hiểu rằng “ yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.

 

Trái ngược với cha là người mẹ với bản tính hiền từ, dịu dàng luôn vỗ về, che chở động viên khích lệ khi những đứa con bé nhỏ mắc sai lầm hoặc khi chúng không hoàn thành nhiệm vụ (học). Người mẹ này luôn muốn những đứa con của mình là nhất, tất cả chúng đều giỏi, tỷ lệ trưởng thành, khôn lớn đều trên 99% trong khi thực tế lại không phải là như thế. Chính vì vậy người mẹ sẵn sàng đứng đằng sau hậu thuẫn, nào là nói tốt cho con, nào là dạy trước cho chúng những kỹ năng… nói dối hòng qua mặt mọi người, thậm chí là cả với người cha của chúng nữa.

 

Trong gia đình đó, mỗi khi bọn trẻ đòi đi chơi, đòi đi ra XH để lập nghiệp thì đều phải trải qua 2 cửa ải là được cha cho phép và mẹ cho phép. Với người mẹ thì quá dễ rồi, chỉ cần… nói dối là đi học thêm, đến thư viện, tới nhà bạn học nhóm … là mẹ đồng ý liền. Nhưng còn người cha thì… ôi thôi khó quá! Ông không tin ngay mà còn gọi điện kiểm tra cẩn thận, thậm chí là đi theo giám sát…. và kết quả là đa phần bọn trẻ không được ra khỏi nhà.

 

Cuộc sống cứ thế tiếp tục trôi đi, nhiều đứa trẻ khôn lớn trưởng thành nhờ sự bao dung che chở của mẹ và sự nghiêm khắc, kỷ luật của cha. Nhưng cũng có những đứa không thể vượt qua nổi các yêu cầu khắt khe của cha, chúng đành làm việc quanh quẩn gần nhà mà không được đi xa.

 

Chuyện đã chẳng có gì nếu không có một ngày cả người cha và mẹ đều qua đời trong một vụ… tai nạn giao thông. Không thể để bọn trẻ bơ vơ, người bác họ về đằng ngoại (kỳ thi quốc gia mới) đã đến và nhận nuôi dưỡng dạy dỗ bọn trẻ.  

 

Bọn trẻ vốn đã quen được sự yêu thương dạy dỗ của cả cha lẫn mẹ, giờ lại chịu sự quản lý của ông bác xa lạ làm chúng rất hoang mang, lo sợ. Nhưng biết làm thế nào được, số phận đã định như vậy, chúng chỉ còn biết cúi đầu và tuân theo những yêu cầu của ông bác.

 

Tối đến chúng bàn bạc với nhau xem phải làm sao cư xử với ông bác cho dễ sống, vì chúng vẫn chưa biết gì về ông bác này ngoài  qua lời kể của hàng xóm láng giềng.

 

-  Không biết ông bác này khó tính như cha hay dễ tính như mẹ nhỉ ? - Một đứa cất câu hỏi vu vơ.

 

- Bác ấy là họ bên đằng ngoại chắc giống mẹ nhiều hơn, lo gì !

 

- Cũng chưa chắc, nếu bác ấy mà nghiêm khắc như cha thì sao nhỉ ? Thế thì chắc anh em mình suốt ngày phải ở trong phòng kín chứ chả nói đến bước ra được khỏi cửa.

 

Thằng em út khóc thút thít – Em ứ chịu đâu, ngày trước cha khó tính mấy còn có mẹ nói đỡ, không được đi chơi xa nhưng vẫn được chơi quanh quẩn sau nhà. Giờ mà bác ấy bắt nhốt trong phòng thì em chết mất.

 

– Các em cứ yên tâm, anh nghĩ là bác ấy không quá khắt khe đâu, sẽ lại như mẹ thôi. Cái chính là chúng ta phải biết… nịnh bác ấy, mẹ đã dạy chúng ta rất nhiều bài, anh tin là tất cả 100% anh em chúng ta sẽ... qua mặt được bác ấy và lại được đi chơi thỏa thích.

 

Người anh cả từ nãy vẫn trầm ngâm im lặng, giờ mới cất lời:

 

- Như vậy không hẳn là tốt đâu, nó sẽ làm chúng ta ngày càng kém cỏi, ngày càng hư hỏng và không ai thèm chơi với chúng ta. Rồi bạn bè, XH sẽ không còn tin tưởng chúng ta nữa. Kết quả là chúng ta đi đâu người ta cũng phải kiểm tra lại, xem xét lại chứ không nhìn nhận chúng ta như trước đây khi còn sự dạy bảo của cha. Việc xem xét, kiểm tra lại đó sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức thậm chí còn khó khăn hơn cả các cuộc kiểm tra của cha ấy chứ.

 

- Ước gì vẫn còn đủ cả cha lẫn mẹ. Chỉ cần mẹ không quá nuông chiều anh em mình, không kết luận chỉ bằng một lần kiểm tra mà cần nhìn nhận anh em mình qua từng cử chỉ, việc làm từ khi tấm bé đến khi trưởng thành (cộng điểm trung bình tất cả các môn thành phần trong cả 3 năm học có xét đến điều quan trọng số là số tiết của các môn đó). Còn cha thì chẳng có gì phải phàn nàn, mỗi lần bị đánh đau anh em mình đều nhận được 1 bài học, biết việc mình làm là đúng hay sai, biết việc gì mình được làm, việc gì không được làm.

 

- Thôi ước mà làm gì, nó có bao giờ trở thành sự thật đâu. Chỉ mong bác ấy vẫn nghiêm khắc như cha nhưng lại dịu dàng ân cần che chở anh em mình như mẹ thôi. Nhưng biết sao được, dù bao bác ấy cũng... đâu có sinh ra anh em mình !!!

 

Mai Văn Chiến