Ô nhiễm vô địch: sông Nhuệ, sông Đáy độc đến độ không thể tưới rau

Dư luận từng nổi sóng trước câu chuyện “tưới rau muống bằng nhớt thải”, trong khi không hề biết rằng rau mà tưới bằng nước sông Nhuệ, sông Đáy, còn độc hơn rất nhiều.

Ô nhiễm vô địch: sông Nhuệ, sông Đáy độc đến độ không thể tưới rau - 1

Sông Nhuệ đen kịt, hôi thối, độc hại vì phải gánh lượng nước thải ô nhiễm do mật độ dân cư tăng cao và ảnh hưởng bởi việc xả thải từ các làng nghề. Ảnh: C.N/LĐO

Lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy có chất lượng môi trường nước kém nhất trong năm lưu vực sông ở miền Bắc với 13 điểm ô nhiễm - Kết luận của Tổng cục Môi trường.

Cụ thể, 62% số điểm quan trắc ở lưu vực sông Nhuệ - Đáy cho kết quả WQI dưới 50, tương đương mức xấu đến rất xấu, trong đó một nửa chỉ số này dưới 25.

Trên sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội có bảy điểm quan trắc cho chỉ số WQI ở mức 10-25. 2 điểm cầu Tó (Thanh Trì) và Cự Đà (Tả Thanh Oai) ô nhiễm nặng nhất với chỉ số là 10,

Chỉ số WQI, dựa trên tổng hòa các yếu tố nhiệt độ và kim loại, quy đổi từ 100 xuống 0.

Mức dưới 25, là ô nhiễm rất nặng. Còn mức 10, có nghĩa là nước đã nhiễm độc rồi.

Nguyên nhân của ô nhiễm, thuộc vào dạng nguyên nhân “thừa biết”. Đó là nước thải không qua xử lý được xả thẳng xuống sông. Nước thải ở đây bao gồm cả nước thải sinh hoạt, nhưng thứ tạo ra ô nhiễm trầm trọng, tạo ra sự nhiễm độc là nước thải của các làng nghề, “đặc biệt là nước thải hoá chất từ làng lụa”- đánh giá của Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Nguyệt, (Đại học Tài nguyên và Môi trường).

Thật ra, tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy đã trầm kha từ rất lâu. Thậm chí, đã từng được đưa ra Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà từng thẳng thắn nêu quan điểm là phải xử lý tại nguồn, xử lý bắt đầu từ người gây ô nhiễm, và cả trách nhiệm của các địa phương.

“Trên các dòng sông này đã có những thống kê liên quan đến các địa phương, đặc biệt là các địa phương như Hà Nội thi nguồn nước chưa xử lý; rồi từ Hòa Bình chảy về Hà Nam, cho thấy trách nhiệm cũng thuộc về địa phương có dòng nước chảy qua”.

Đúng như thế, chúng ta không thể miệng kêu ô nhiễm, tay vẫn xả nước ra sông. Chúng ta không thể khiến dòng sông xanh trở lại khi coi đó là chuyện của... trung ương, như thể đó là việc của hàng xóm.

Bộ Xây dựng, trong phiên giải trình về an ninh nguồn nước hôm qua cũng chung nhận định. Rằng việc liên kết giữa các địa phương trong quản lý lưu vực sông còn yếu, địa phương ở hạ lưu phải gánh chịu ô nhiễm nguồn nước do các địa phương ở thượng lưu chưa kiểm soát được tình trạng xả thải ra sông.

Có một con số thảm hoạ thế này: Việt Nam sẽ tiêu tốn từ 12,4 cho tới 18,6 triệu USD mỗi ngày cho việc xử lý ô nhiễm nếu không có biện pháp kịp thời.

18,6 triệu USD mỗi ngày. Quá khủng khiếp. Nhưng thảm hoạ ấy sẽ đến nhanh thôi nếu hôm nay chúng ta vừa kêu ô nhiễm vừa xả nước thải ra sông ngòi.