Nước mắt Phong bì và nỗi oan Thị Màu

(Dân trí) - Theo cách nghĩ khá truyền thống của dân ta thì có lẽ chẳng ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng khi bản thân cũng không chịu đựng nổi “cái lưng xấu xí” của mình, thì việc được người khác “vén hộ áo” lại đem tới hiệu quả khá bất ngờ.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Thuốc đắng dã tật

 

Trước hết, khi vấn nạn phong bì của chính người Việt ta "lên báo Anh" (BBC), xu hướng “tự trào” như kiểu thơ Tú Xương càng có dịp tung hứng. Để càng cười càng đau buốt nơi sâu thẳm trái tim, càng thấm những nỗi niềm “chỉ ở VN mới có”…Bởi vậy, khác với phản ứng thường trực trước điệp khúc THUẾ – PHÍ – PHẠT, chính người dân lại đề xuất và ủng hộ mạnh mẽ “chiếc roi công lý” đánh  mạnh vào cái gọi là “văn hóa phong bì” - một loại "đặc sản" quá cay đắng ai chỉ cần nếm thử một lần là... nhớ để đời.

 

“Tôi thấy vấn nạn phong bì quả thật đáng xấu hổ, đầy bức xúc và ức chế. Nguyên nhân thì đúng là có nhiều, mà cái chính cũng là do đồng lương ít ỏi. Song tại thời điểm này, tôi thấy muốn chống lại nạn phong bì cần phải dùng biện pháp phạt thật nặng. Chứ trông chờ  những con người mà đạo đức nghề y đã xuống cấp trầm trọng và lòng tham vô lối thì chắc chắn không khả thi. Họ đâu có biết bằng lòng với mức thu nhập khi cứ mãi so sánh với công sức của mình...  Đúng là lòng tham quá đáng, họ không bao giờ chịu bằng lòng với nghề mình đã chọn và mặt bằng thu nhập của xã hội. Đáng buồn và đầy thất vọng với 1 xã hội mà không hiểu sao những người xấu và mất lương tâm lại có thể lấn át người tốt như ở VN hiện nay??? Trách nhiệm này thuộc về cách quản lý và giáo dục của các cơ quan chức năng nói chung là rất yếu kém, nên trên bảo dưới mới không nghe...” – Mr. Tăngpve:  mrtangpve_nguyenchi@yahoo.com.vn

 

“Nhiều khi cứ đổ lỗi cho người dân tự nguyện đưa phong bì, nhưng nếu vào viện mà không xem thái độ y bác sĩ, cứ vô tư không đưa phong bì thì chỉ có nước… sống dở chết dở thôi. Nào là dọa bệnh này nặng lắm, nào là thờ ơ, nào là tiêm cho đau thêm mà… tòi phong bì ra. Giờ thì không biết tin ai, vẫn chỉ khổ dân thôi. Mấy bác to to ở cấp trên thử đóng vai người dân đi chữa bệnh xem nhé, nhưng mấy bác vẫn để lộ mình thì họ không dám lấy… ruột  phong bì của các bác đâu” - Hoàng Long:  long@gmail.com

 

“Buồn quá! Đau lòng lắm! Nhưng đến bệnh viện mà  không đưa phong bì thì cứ chờ đấy, đa phần họ không những nhận mà còn đòi hỏi, nêu giá cả hắn hoi chứ không cần phải dấu giếm đâu. Đưa tiền mặt luôn, không cần phải phong bì. Còn biện pháp nào để chấm dứt ư? Nào là nói phải tăng lương, nào là.... Nhưng cần gì chứ? Cứ phạt nặng nếu nhận phong bì hay tiền bồi dưỡng thì ai dám làm? Nhưng đằng này nhận một cách công khai cơ mà, quà cho cả khoa không cần phải cá nhân đâu, giờ chuyển sang nhận tập thể rồi. Nói chung là họ không làm việc bằng trách nhiệm mấy đâu, mà vì tiền là chính!” - Bất Bình:  nguyenbinh@gmail.com

 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 
Lời thật mất lòng

 

Tiền lót đường, tiền khiến người ta nghiện. Dù vì nó mà xảy ra bao nỗi trái ngang, đau xót... thì đã nghiện rồi, sao cai được? Trách ai, ai trách, bây giờ trách ai đây??? Mà cũng đâu chỉ riêng ngành Y, các ngành khác tỉ lệ nghiện tiền có khi còn kinh khủng hơn! Vậy muốn cai còn cách nào khác là chấp nhận thuốc đắng dã tật…

 

“Cần gì nghiên cứu qua báo Anh, ở VN ta ngày nay không những phong bì mà các hình thức hối lộ rất đa dạng và người ta coi việc đó là đương nhiên. Một người muốn thi vào công chức (với đồng lương ít ỏi) điều đầu tiên phải nghĩ đến là tiền và hối lộ những ai? Không có tiền đút lót cao thì chớ nói đến thi thố mà làm gì, vì có giỏi giang đến đâu cũng thường là không đỗ được. Kết quả là cán bộ công chức phần đông trình độ rất thấp, thậm chí không làm việc được. Nhưng điều đó không hề ảnh hưởng gì đến vị thế của người tuyển công chức!!!” - Nguyễn Đình Dinh:  ngdinhhbn@gmail.com

 

“Không có phong bì thì không được đối xử tử tế. Ở đây mới nói tới việc đối xử giữa con người với con người, chứ chưa nói đến việc phải nhờ cậy tới tất cả các loại nhân viên trong các khoa,  phòng khi có người nhà nằm viện, từ hộ lý trở lên... Thế tại sao cứ phải nói tới việc tăng lương cho nhân viên y tế? Vì lương thấp thì nhân viên y tế chỉ phục vụ bệnh nhân có thế thôi ư? Thế còn các ngành nghề khác thì sao? Thế nhân viên y tế chỉ phục vụ bệnh nhân vì tiền thôi ư? Thật quá ư là dễ dàng để nhân viên y tế "hành nghề" - họ có tất cả các phương tiện để hành nghề, mà những phương tiện này cũng là từ tiền của toàn dân đóng thuế cho nhà nước, trong đó có người bệnh mà. Vậy lẽ ra họ nên phục vụ cho đúng với phương châm Thầy thuốc như mẹ hiền chứ. Không thể hiểu nổi nữa???” - Mai Lien:  mai.lien@gmail.com

 

“Mọi người thử nghĩ xem có ai muốn mình mất tiền không? Sẽ là không ai cả. Nhưng nếu mất tiền mang lại cái tốt hơn thì mọi người đều tự nguyện mất. Và nếu y bác sĩ không nhận tiền mà bệnh nhân được thăm khám chu đáo thì còn gì bằng. Vậy thì tại bác sĩ hay tại người dân thích mất tiền?” - Lamle:  lamlapquoc60@yahoo.com

 

Rất nhiều người VN chắc cũng ủng hộ quan điểm của ông Soren Davidsen, chuyên gia cấp cao tại WB ở Hà Nội, rằng “Văn hóa có thể là lý do để thanh minh cho các khoản chi không thích thức, nhưng văn hóa cũng phải thay đổi, nhận định”. Được vậy thì ước muốn của mọi người dân bình thường nhưng rất chính đáng như Bùi Văn Dũng  dungkt40g@gmail.com bày tỏ mới có thể thành hiện thực…trở lại như trước đây được:

 

“Tôi có một mong muốn mong muốn đến tột cùng rằng: tất cả những bệnh nhân đến bệnh viện khám bệnh được các y bác sỹ đối xử giống con người với con người. Tại sao các quốc gia khác người ta lại làm được triệt để vấn đề này, còn ta thì không? Những người có trách nhiệm điều hành, quản lý hãy hiểu cho nỗi trăn trở này của người dân nghèo chúng tôi”.

 

Quả là quá oan uổng cho Phong bì vốn chỉ mang những cánh thư kết nối nhịp cầu tình cảm, nay bỗng nhiên phải gánh nghiệp chướng bởi cái ruột "chẳng giống ai" để bị mang tiếng "oan… Thị Màu"!!!

 

Kiều Anh