Bạn đọc viết:
Nông dân khổ, do đâu???
(Dân trí) - Giá lúa giảm hơn ốc bươu vàng là sự thật quá đau lòng! Nhiều hộ nông dân trồng lúa đang rất khó khăn và KHÓ KIẾM TIỀN cho con đi học ....Khổ là do đâu, do đâu? Chính sách tạm trữ lúa gạo ư, theo tôi là đúng đó!
Nhưng xin thưa chỉ một phần nhỏ thôi các vị à. Với kinh nghiệm hơn 6 năm làm việc trong ngành dịch vụ xuất nhập khẩu, tôi xin chia sẻ ý kiến của mình (mong báo Dân trí đăng lên cho mọi người cùng chia sẻ). Đầu tiên tôi xin chia buồn cùng toàn thể nông dân VN. Và theo tôi, nguyên nhân chính của giá lúa gạo giảm chính tại chính sách xuất khẩu, vì những nghịch lý sau:
Doanh nghiệp VN muốn xuất khẩu thì phải đáp ứng các điều kiện: kho bãi, nhà máy… theo quy định do Bộ Công Thương ban hành. Và phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu lên Hiệp hội Lương thực VN.
Ban đầu việc xuất khẩu gạo tự do tạo ra sự cạnh tranh về giá, giúp nông dân sống ổn định. Sau này các công ty lớn tập trung lại, xin ý kiến thành lập Hiệp hội Lương thực VN (HHLTVN), ban hành các qui định về xuất khẩu gạo rồi tìm cách độc quyền là muốn xuất khẩu gạo phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu lên hiệp hội. Mà các quan chức hiệp hội là ai? Là từ các doanh nghiệp XK gạo bầu ra, hợp đồng đăng ký lên HHLTVN thì bí mật kinh doanh của doanh nghiệp bị lộ, giá cũng lộ... cái gì cũng lộ thông tin hết. Đó là vấn đề thứ nhất.
Thứ hai: các doanh nghiệp lên đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo phải được HHLTVN đồng ý. Mà quý vị biết rồi đó, cơ chế XIN - CHO chỉ là lý thuyết thôi, còn muốn nhanh thì phải có… a,b,c,d.
Theo tôi, điểm nguy hiểm trong việc thành lập HHLTVN là sự cạnh tranh không công bằng giữa các công ty có chân trong HHLTVN với các doanh nghiệp khác và tất nhiên các doanh nghiệp khác bị loại dần. Từ đó biến thành sân chơi độc quyền cho các doanh nghiệp trong hiệp hội. Và thời gian kéo dài đến nay thì hậu quả xảy ra là tất yếu.
Tôi nghĩ, nếu như không có hiệp hội thì giá gạo sẽ cạnh tranh theo thị trường, không bị khống chế bởi cái có thể gọi là "những thế lực độc quyền". Các doanh nghiệp được bảo đảm bí mật thông tin (chỉ có Nhà nước nắm thông tin qua Hải quan), thì giá chắc chắn tăng.
Về lý do thứ hai đó là điều kiện nhà máy, kho bãi để đáp ứng tiêu chuẩn doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Theo tôi, đây chính là công cụ của Bộ Công Thương đẩy các doanh nghiệp nhỏ vào ngõ hẹp và tăng độc quyền của các doanh nghiệp lớn... Chính sách này đưa ra đã loại bỏ hàng ngàn doanh nghiệp khác và hậu quả tất yếu xảy ra là giá giảm do CẦU thị trường giảm. Các doanh nghiệp không có đủ điều kiện xuất khẩu, muốn xuất khẩu phải nhờ ủy thác làm tăng chi phí thì sao mà cạnh tranh công bằng được?
Từ hai ý kiến trên, tôi nhận thấy thực tế chính sách xuất khẩu GẠO của nước ta là thất bại do độc quyền và cụ thể là do thành lập HHLTVN. Tôn chỉ đưa ra mục đích là phát triển XK, nhưng thực tế là tạo độc quyền làm lũng đoạn thị trường và loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ. (Qua cách nhìn nhận của tôi là như vậy).
Thời gian gần đây dư luận cũng phản ánh về việc thành lập các hiệp hội khác và cũng cho rằng hiệp hội lập ra thực chất chỉ nhằm lấy thông tin và tạo thế độc quyền. Tôi khẳng định, khi nào xuất khẩu còn đăng ký hợp đồng lên VFA thì 100% xuất khẩu VN thất bại và nông dân sẽ còn khổ dài dài.
Nếu quý báo cũng thật sự quan tâm đến những gì tôi nêu và lo lắng cho số phận hàng triệu nông dân trồng lúa VN, mong hãy cùng dư luận làm rõ những vấn đề trong chính sách tạm trữ mà tôi cho là nỗ lực vẫn chưa đúng chỗ. Và cùng nhấn mạnh rằng: Kẻ thù nguy hiểm nhất chính là sự độc quyền!
Nguyễn Minh Luân