Trớ trêu ốc bươu vàng giá trị hơn lúa: Khi chính sách vẫn "đi đường vòng”

(Dân trí) - Tình cảnh khốn khó vẫn hoàn khốn khó của nông dân cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, qua bài viết đầy sức thuyết phục của GS Nguyễn Văn Tuấn tạo nên cơn bão mới trong dư luận dù đó vẫn chỉ là một trong bao chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”

Trớ trêu ốc bươu vàng giá trị  hơn lúa: Khi chính sách vẫn đi đường vòng”
Nông dân vùng ĐBSCL vất vả làm ra hạt lúa nhưng luôn canh cánh trong lòng nỗi lo giá thấp, khó tiêu thụ (ảnh minh họa: Lê Như Giang, nguồn: Lao Động)

 

Đánh đu với giá

 

Dù có là nông dân hoặc con em nhà nông hay không, người dân cả nước ta cũng ít nhiều hiểu được nghịch lý rất lớn khi những người trực tiếp làm ra của cải vật chất cho XH lại vẫn luôn phải chịu nhiều thiệt thòi nhất, đúng như GS Tuấn nhận xét: Nông dân vốn nghèo nay càng nghèo hơn. Có người sau mùa vụ trắng tay vẫn hoàn trắng tay... Tình trạng đó nhất quán với con số rất đáng báo động - trong số những người nghèo nhất nước, có tới 83% là nông dân.

 

Rất nhiều ý kiến phản hồi nêu rõ sự trớ trêu khi nông dân luôn bị đẩy vào thế chẳng khác gì phải chơi canh bạc với giá cả sau mỗi mùa vụ, khi nghịch lý được mùa rớt giá cứ lặp đi lặp lại…Trong khi đó mọi chính sách để đến được với nông dân, thay vì trực tiếp lại trở thành gián tiếp (nói cách khác là đi đường vòng thay vì đường thẳng) như Minh Hiep  cmhiep@gmail.com vạch rõ:

 

“Đồng ý với những phân tích của GS Tuấn. Tôi cũng là 1 người con của ĐBSCL, cũng đang công tác trong ngành nghề có liên quan đến nông nghiệp. Qua theo dõi tình hình giá lúa và các biện pháp của Chính phủ, của Bộ NNPTNT, tôi nhận thấy vẫn chưa đặt người nông dân làm mục tiêu chính để phát triển. Hầu hết mọi chính sách vẫn chưa thiết thực, chưa giúp trực tiếp cho người nông dân, mà lại vẫn khiến người nông dân được hưởng ít nhất và sau cùng của chính sách. Ví dụ như chi 30.000 tỷ để cứu BĐS, còn giải cứu giá lúa cho nông dân thì chỉ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn, đó có phải là sự chênh lệch không?”

 

Sự chênh lệch đó tiếp tục được phân tích trong nhiều ý kiến phản hồi khác:

 

 “Thời hiện đại ngày nay rồi mà người nông dân vẫn thật khổ. Giá phân, giá thuốc… cái gì về nông nghiệp đều tăng, chỉ có giá lúa lúc nào cũng bèo. Mới tăng một ít thì báo chí đã đưa tin người dân trúng lớn, nhưng ai biết được đằng sau đó bao giọt mồ hôi nước mắt đổ ra mà có khi vẫn chưa đủ ăn, mà giá lúa nay thế này, mai thế khác. Đã vậy thời tiết mưa nắng thất thường, đã mất mùa còn bị ép giá (chê xấu lúa, không đủ nắng, lúa cho gạo không đẹp....) Đâu ai biết rõ được nỗi khổ người trồng lúa??? Tôi cũng mong sẽ có chính sách ổn định về giá phân, thuốc ....và cải thiện giá lúa. Còn tình cảnh hiện nay luôn khiến tôi nhớ lời khuyên của bố:  ‘Gia đình đã vất vả lắm rồi, không muốn tụi bây theo con đường làm nông nữa. Hy sinh đời bố củng cố đời con…" Vậy nên người nông dân dù chịu nắng mưa vất vả bao nhiêu cũng cố làm, để lo cho con cái học hành với hy vọng làm nghề khác khá hơn, chứ làm nghề nông biết bao giờ khá nổi” - Trần Hoài Phúc:  tranhoaiphuc91@gmail.com

 

“Đây là một trực trạng khiến nhiều năm qua ĐBSCL vẫn chưa thoát khỏi nghèo đói. Đó cũng chính là những nguyên nhân và hệ lụy khi chưa có chính sách thật bền vững để nông dân thoát nghèo, thì làm sao nâng cao đời sống và dân trí được? Theo tôi, muốn giải quyết được những vấn đề nan giải trên đòi hỏi phải có một chính sách tổng thể minh bạch, giải quyết dứt điểm rõ ràng những nghịch lý vẫn tồn tại, để người nông dân trực tiếp hưởng lợi từ chính sách nhà nước. Cần có những người đứng đầu có TÂM đưa ra những chính sách kịp thời thì mới hy vọng giải quyết được tình trạng như bài báo đã viết, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung” - Giang:  nguyenhoanggianghello@gmail.com

 
Trớ trêu ốc bươu vàng giá trị  hơn lúa: Khi chính sách vẫn đi đường vòng”
Giá lúa bấp bênh khiên nông dân luôn trong thế "nắm dao đằng lưỡi" (ảnh minh họa: Nguyễn Hành)
 

Từ chính sách tới thực tế

 

Nghịch lý thì bao năm qua ai cũng biết nhưng tình hình vẫn gần như dậm chân tại chỗ, song điều trớ trêu  nhất đúng như SG Tuấn nhấn mạnh: Lần đầu tiên trong lịch sử, giá lúa rẻ hơn giá ốc bươu vàng quả thật khiến ai cũng phải giật mình, từ không thể tin tới… sốc… trước sự thực quá đau lòng này. Tựu trung lại, dư luận chung quan điểm rằng vẫn còn khoảng cách còn quá lớn giữa chính sách với thực tế.

 
“Tôi nghĩ bài báo trên đây cần được đưa vào tư liệu cho việc hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước vì bài viết mang tính thực tiến rất cao, có lẽ giá  trị của bài báo có tầm nhìn cho các nhà quy hoạch chiến lược của quốc gia suy nghĩ. Tôi nhận thấy trong khi nước ta vẫn hô hào nông dân sản xuất thì đồng thời các chính sách và giải pháp đề ra vẫn như lại khiến họ đưa nền nông nghiệp nước nhà vào ngõ cụt vì:

 

 + Chưa tạo được thị trường thực sự về nông sản, lúa gạo cho VN và đưa ra thị trường thế giới, khi giá trị lúa gạo còn thấp hơn giá “rác thải nông nghiệp” là con ốc bươu vàng (!!??)

 

+ Chưa có một chính sách phù hợp về chế biến nông sản, về tỷ lệ trồng lúa hợp lý so với chăn nuôi, về các cây nông nghiệp có giá trị thương phẩm cao.

 

+ Nhà nước chưa đầu tư nhiều vào nông nghiệp, vẫn như ăn xổi vào sản lượng các vụ lúa?  Chưa sử dụng được các viện nghiên cứu vào mục tiêu tìm ra lối thoát cho sản phẩm nông nghiệp lâu dài. Vì vậy, riêng về mảng nông nghiệp chúng ta tự đánh mất thế mạnh và đánh cả mất tính nhân văn khi vẫn để cho nông dân nghèo khổ???” - Trần Ngọc Hiệp: Hiepkq@gmail.com

 

“Một bài viết tuyệt vời! GS Tuấn phải là 1 người yêu quê lắm, yêu nông dân lắm và yêu cái vùng đất "xa mặt trời" lắm thì mới viết được một bài sâu sắc, thắm đượm tình người, tình đất, tình quê hương thế này! Ước gì các vị giới chức hữu quan cũng có được cái tâm, cái tầm và cái lòng nhiệt huyệt vì nông dân như GS Tuấn thì VN ta đã thực sự sánh vai với các cường quốc năm châu từ lâu rồi. Chứ đâu có năm này qua tháng nọ chỉ thấy toàn so với Lào, Campuchia, Myanmar... Ôi....!”- Hoàng Anh:  truonghoanganh84@yahoo.com.vn

  

“Cảm ơn bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn. Đúng là nhìn chính sách của Thái Lan mà nông dân VN phát  thèm luôn. Nhưng điều cơ bản là người dân VN (đặc biệt là người nông dân) đâu có quyền chọn người làm chính sách???” -  Huỳnh Văn Sắc:  sachuynh@yahoo.com
 
Và mấu chốt vấn đề có lẽ là ở chỗ, chính sách của họ đi đường thẳng chứ không chọn đường vòng như của chúng ta chăng???

 

Khánh Tùng