Nỗi lo ngày Tết mang tên “lì xì”

“Năm nay Dì chỉ lì xì cho cháu có năm chục ngàn thôi á, thua cả dì An!”.

Vừa nhận bao lì xì từ tay tôi, đứa cháu gái 8 tuổi liền buộc miệng nói như thế khi vội đưa tay rút tiền từ bên trong phong bao ra. Chiếc vỏ bao lì xì cũng lập tức bị bé vo tròn trong tay rồi ném qua cửa sổ gần đó. Xong, bé quay qua những đứa trẻ có mặt trong buổi đi chúc tết hồ hởi so sánh số tiền lì xì cũng vừa được nhận từ người lớn.

Hành động và lời nói của bé thực sự khiến tôi ngỡ ngàng và lúng túng trước mọi người. Tôi cũng không hình dung được những chiếc bao lì xì đã được tôi lựa chọn rất cẩn thận, có hình ảnh những con thú in nổi rất dễ thương lại không hề gây chú ý cho chúng trong ngày tết. Ngược lại, nó lập tức trở thành mảnh giấy vụn nhăn nhúm trong đống rác.

Tình huống tôi gặp phải này xảy ra trong dịp tết năm ngoái thôi nhưng đến nay tôi vẫn không thôi ám ảnh và suy nghĩ về cách hành xử của những đứa trẻ ngày nay. Tết năm nay lại rất cận kề rồi, nghĩ đến việc phải lì xì cho mấy đứa cháu mà băn khoăn khó tả. Tôi có rất nhiều cháu nhỏ, hầu như năm nào tôi cũng phải chuẩn bị vài chục phong bao để lì xì tết nhưng vì gặp những tình huống như thế khiến tôi rất ngại khi lì xì.

Tôi nhớ ngày chúng tôi còn nhỏ, cách đây mười mấy năm, niềm vui lớn nhất mỗi dịp tết đến là được người lớn mừng tuổi từ ông bà, cha mẹ, cô chú, anh chị… Quà mừng mừng tuổi có khi là tiền, có lúc chỉ đơn giản là cái bánh, bịch kẹo hay quần áo… Ngày đó cũng chưa có bao lì xì, tiền mừng tuổi cũng chỉ là những đồng tiền lẻ như 5.000 đồng, 2.000 đồng, rồi 1.000 đồng, cao lắm cũng chỉ lên 10.000 đồng thôi. Ai chu đáo thì đi đổi những tờ tiền lẻ mới tinh để lì xì nhìn cho sang hơn. Có thể vật giá ngày đó còn thấp nhưng đáng nói, chúng tôi luôn nhận tiền mừng tuổi một cách lễ phép, rồi lẳng lặng đưa cho mẹ giữ giùm hoặc cất cẩn thận đề mang về bỏ vào những con heo đất chứ không hề so bì ai ít ai nhiều. Chúng tôi luôn được nhắc rằng, quà mừng tuổi nào cũng đáng quý, nhận phải biết nói cảm ơn, cất giữ cẩn thận, dù ít hay nhiều đều là tình cảm của người lớn dành cho mình.

Thế nhưng, tại sao lì xì cho trẻ con ngày nay lại khác thế? Nói thật, khi đi lựa những phong bao lì xì tôi thấy rất lo lắng. Tôi không biết tôi đang đi chọn những phong bao đẹp để làm gì, tôi phải chuẩn bị bao nhiêu tiền cho từng đó cháu, tôi phải lì xì bao nhiêu tiền thì chấp nhận được, nhóm cháu này lì xì bao nhiêu, nhóm cháu khác lì xì như thế nào, bỏ tiền nhiều hay ít có bị nói gì không….

Quả thực, tết thì vui đó nhưng lì xì tết bây giờ không phải là điều dễ dàng. Lẽ nào xã hội hiện đại lên, kinh tế khá giả hơn thì phong tục lì xì cũng bị phân cấp theo? Phải chăng ý nghĩa của hai chữ “lì xì” đã không còn như xưa nữa!

HÀ AN

(Theo báo Pháp luật)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm