Nỗi buồn về một sự... chuẩn mực?

Mấy hôm nay dư luận đang xôn xao về việc ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 13 và một số đại biểu chuyên trách khác đã chủ động trả lại xe công vụ và phòng làm việc, mặc dù theo quy định thì còn 2 tháng nữa mới phải bàn giao.

Lý do mà các vị nguyên ĐBQH này đưa ra rất đơn giản, mình đã hết nhiệm vụ rồi thì phải trả lại những gì mà Quốc hội đã trang bị cho trong thời gian làm việc.

Đây là một việc lẽ ra rất là bình thường và đó là cách hành xử chuẩn mực của một công chức, hoàn toàn không có gì đáng nói. Bởi lẽ, khi đang làm việc, được trang bị xe ôtô và các phương tiện khác là để phục vụ công tác. Bây giờ thôi không làm nữa thì trả lại, đó là đương nhiên, chẳng có gì đáng nói cả.

Ấy vậy mà báo chí đưa tin, bàn luận, thậm chí người ta coi đó là chuyện hiếm trong thời buổi bây giờ.

Nỗi buồn về một sự... chuẩn mực? - 1

Ông Lê Như Tiến.

Trời ạ! Một việc như thế này mà cũng được “biểu dương”, coi như một “điển hình” thì quả thật “quan trí”, “quan đức” nước ta đang có vấn đề!

Hóa ra, cái sự bình thường này lại đang là chuyện rất không bình thường, bởi vì người ta thấy rất nhiều những quan chức khi hết thời gian làm việc, được nghỉ hưu hoặc không làm nhiệm vụ đó nữa thì cố tình dây dưa, níu kéo. Nào là giữ lại phòng làm việc không chịu bàn giao, nào là giữ lại ôtô và cả người lái xe…

Rồi không ít những người trước khi về thì tranh thủ vơ vét, thậm chí những đồ dùng trong phòng làm việc ở cơ quan cũng nhặt nhạnh mang hết về nhà. Ấy là chưa kể đến chuyện, để “đối phó” với việc về hưu theo quy định người ta còn tìm cách khai gian tuổi.

Từ trước đến nay có vô vàn những chuyện cười ra nước mắt về ứng xử của quan chức khi phải về hưu.

Không ít người khi đang đương chức đương quyền thì tỏ ra cao đạo: “Đến đúng hạn nghỉ là tớ về, không xin thêm nửa câu”. Nhưng nói vậy mà không phải vậy.

Thường là vào khoảng thời gian trước khi nghỉ hơn một năm thì họ đã nghĩ trăm mưu ngàn kế để có thể kéo dài thời gian làm việc, từ khai gian tuổi, làm lại giấy khai sinh, rồi đến chuyện gửi đơn lên cấp nọ, cấp kia xin rằng tôi vẫn còn sức khỏe, còn minh mẫn, còn được tín nhiệm để tiếp tục làm việc.

Rồi họ lại đổ tại đơn vị đang có vấn đề này, vấn đề khác, mà nếu rời họ ra thì đơn vị sẽ “nát”. Rồi họ tìm cách kéo bè kéo cánh, vận động để mọi người ủng hộ mình ở lại.

Đó là chưa kể có những người vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” họ tranh thủ ban phát, bổ nhiệm cán bộ, mở rộng tuyển dụng, hoặc tranh thủ mua sắm, đầu tư… tất cả những điều đó đều không ngoài mục đích kiếm thêm chút bổng lộc cho mình.

Người ta có câu “về hưu là chết chưa chôn…”, câu này xem ra cũng có phần đúng. Bởi lẽ khi về hưu là người ta phải từ bỏ một công việc mà cả đời họ đã làm, đã phục vụ, đã cống hiến. Họ phải rời bỏ rất nhiều mối quan hệ đã có được từ bao nhiêu năm nay, mất đi những bổng lộc mà khi đương chức họ có, rồi họ sẽ bị lãng quên và chỉ được đơn vị cũ nhớ đến mỗi khi có dịp lễ lạt, năm hết tết đến hoặc lúc ốm đau. Họ phải trở về với một cuộc sống thực tại mà có khi bao nhiêu năm trước họ không bao giờ nghĩ đến.

Thế mới có chuyện tiếu lâm rằng, có một ông cán bộ về hưu nhưng vẫn giữ một thói quen sáng sáng áo mũ chỉnh tề đặt chiếc cặp rỗng bên cạnh và ngồi chờ xe đến đón.

Nỗi buồn về một sự... chuẩn mực? - 2

Hình ảnh cựu Thủ tướng Anh David Cameron dọn ra khỏi số nhà 10, phố Downing, London ngay sau khi từ chức

Đối mặt với quãng thời gian dài dằng dặc từ lúc nghỉ hưu đến khi nhắm mắt xuôi tay là không dễ. Những người nào có kinh tế ổn định, có nhà cửa êm ấm, có con cháu hiếu thảo và được cư dân, cộng đồng quý mến thì họ sẽ được hưởng cái phúc tuổi già đúng nghĩa. Nhưng với nhiều người, suốt một quãng đời trước đó họ chỉ biết lo cho việc công mà không nghĩ đến gia đình, thậm chí nếu như gia cảnh khó khăn, con cái hư hỏng, cộng vào đó là sức khỏe không tốt thì quả thật những năm tháng về sau đó đúng là “hưu hắt”.

Người ta bảo, con người có kiếp sau, kiếp này anh sống tốt, anh làm việc thiện thì kiếp sau cũng sẽ được làm người tử tế. Thôi thì cái chuyện kiếp sau đấy có hay không thì chỉ có ai đã từ bỏ kiếp trước mới biết được. Nhưng còn cái kiếp sau, ngay trong đời thực này, nghĩa là quãng đời còn lại từ khi về hưu thì đúng là cũng đang thể hiện cái quãng thời gian anh làm việc trước đó như thế nào.

Nếu anh là người được đồng đội quý mến, cấp trên tin cậy, sống trong sạch, giản dị thì dù anh có về hưu người ta vẫn đến với anh, người ta vẫn yêu quý anh. Còn nếu như trong quãng đời làm việc, anh làm ăn thất đức, bạc ác, anh dùng mưu mẹo để chiếm chức chiếm quyền, anh nịnh trên nạt dưới, anh tham lam, chỉ biết vun vén cá nhân thì đến lúc về hưu có khi chính vợ con, người thân cũng đã xa lánh anh rồi, hoặc chẳng coi anh ra gì.

Thực tế xã hội ta hiện nay đang có rất nhiều quan chức mà cái chữ “liêm sỉ” đang thực sự là rất hiếm hoi hoặc không tồn tại trong họ. Vì thế, họ mới phải nghĩ mưu nghĩ mẹo để kéo dài tuổi hưu, họ mới phải tìm cách nhặt nhạnh, tìm cách vơ vét…

Cho nên, những người như ông Lê Như Tiến và một số ĐBQH trả lại xe và các thứ khác để về nhà đã được coi như “của hiếm”.

Đây mới là điều thực sự đáng buồn và cũng thấy đáng lo cho nhân cách của không ít quan chức hiện nay. Và có lẽ bản chất con người tốt hay xấu, cao cả hay thấp hèn sẽ được thể hiện một cách chính xác khi anh đến lúc phải rời nhiệm sở.

Nguồn:PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm