Bạn đọc viết
Những “vết chân tròn”
Hai cuộc chiến đã đi qua, những cống hiến của thương binh trong thời bình đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Cho dù trong thơ ca âm nhạc hay ngoài đời, những “vết chân tròn” ấy sẽ mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ về một ý chí “tàn mà không phế”. Và bài thơ, khúc hát không lời ca ngợi họ vẫn còn mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Mỗi chúng ta hãy tự soi vào mình để cùng hoàn thiện bản thân hơn, cùng xây dựng đất nước, xứng đáng với những gì mà các anh đã dâng hiến, hy sinh.
Từ ngày còn nhỏ, tôi đã biết đến một hình ảnh “vết chân hình lỗ đáo” qua bài thơ xúc động của Trần Đăng Khoa nói về một người thầy giáo là thương binh. Bài thơ đó mang tên “Bàn chân thầy giáo” được sáng tác vào năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ của dân tộc ta đang ở thời kỳ khốc liệt nhất. Khi lớn lên, tôi gặp lại hình ảnh “Vết chân tròn trên cát” trong bài hát cùng tên của nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác năm 1981, lúc cả nước ta đã hoàn toàn độc lập.
Hai tác phẩm – một thơ, một nhạc - sáng tác cách nhau khá nhiều thời gian, hai tác giả cũng không cùng thế hệ (nhà thơ Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, lúc sáng tác bài thơ ấy mới là một cậu học sinh 12 tuổi; còn nhạc sĩ Trần Tiến sinh năm 1947, lúc sáng tác bài hát này (1981) đã gần 40 tuổi. Nhưng điều kỳ lạ là dù ở thời bình hay thời chiến, dù tác giả người lớn hay lứa tuổi thiếu nhi, dù là thơ ca hay âm nhạc… thì hai tác phẩm này vẫn có cùng một chủ đề, chung một hình ảnh đẹp mà xúc động: đó là vết chân hình lỗ đáo của người thầy giáo thương binh.
Người thầy giáo thương binh trong bài thơ của Trần Đăng Khoa đã theo tiếng gọi của Tổ Quốc “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Thầy lên đường khi “bài tập đọc còn dang dở”, trong cảnh “phượng đỏ ngổn ngang, mái trường tốc ngói, bảng đen lỗ chỗ bom bi”. Hôm nay, thầy trở về sau chiến tranh, không còn nguyên vẹn, một chân đã gửi lại chiến trường… Vẫn là những cô cậu học trò năm xưa, mái trường nay đã được sửa sang lại, nhưng…bàn chân thầy đã gửi lại nơi nào: Tây Ninh hay Đồng Tháp, Khe Sanh? Bàn chân ấy đã “vượt Trường Sơn, đạp lên đầu giặc”… Bàn chân đã mất nhưng vẫn đi theo học trò đến suốt cuộc đời. Sẽ rất khó khăn khi trở về với thương tật trên mình, người lính lại tiếp tục sự nghiệp trồng người còn dang dở. Cho dù bàn chân bây giờ “in hình lỗ đáo”, nhưng thầy lại tiếp tục dẫn dắt các em học trò “đi suốt cuộc đời” từ bàn chân tròn đặc biệt ấy. Và từ sự trở về không còn vẹn nguyên của thầy giáo, học trò đã “nhận ra cái chưa hoàn hảo trong cuộc đời mình”, để rồi thế hệ học trò của thầy sẽ “đi suốt chiều dài yêu thương, chiều sâu đất nước”. Chính thầy giáo đã truyền lửa cho các em học trò, hun đúc thêm tình yêu quê hương đất nước, bước tiếp con đường cách mạng của cha ông. Và hình ảnh “thầy ngồi ghế giảng bài, xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ” đã khiến cậu học trò day dứt không nguôi. Lẽ thông thường, giáo viên lên lớp được gọi là “đứng lớp” nhưng người thầy ở đây chỉ “ngồi giảng bài”, bởi thầy không thể “đứng lớp” đều đặn như bao đồng nghiệp khác. Nhưng chính hình ảnh “thầy ngồi ghế giảng bài, xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ” đã giúp cho học trò nhận ra “cái chưa hoàn hảo của mình” để cố gắng phấn đấu vượt lên, để tiếp bước chặng đường Cách mạng không mệt mỏi của cha ông.
Người thầy giáo trong âm nhạc của Trần Tiến lại có một hình ảnh đẹp qua việc “ôm đàn dạy các em thơ”. Thầy dạy chữ, dạy hát, dạy những giá trị nhân văn của con người, dạy các em tình yêu quê hương đất nước, dạy các em lẽ sống làm người. Dấu chân của thầy trong “Vết chân tròn trên cát” là một dấu chân đặc biệt. Người thầy ở đây tất nhiên đã dạy chữ cho học sinh, nhưng nhạc sĩ Trần Tiến lại không nhắc một chút nào đến những buổi lên lớp dạy chữ của thầy, mà khai thác khía cạnh thầy giáo “ôm đàn dạy các em thơ”. Thầy đã dạy bài hát nào vậy? Bài hát đó có cánh cò mênh mang trên đồng lúa, có mẹ em tảo tần một nắng hai sương, là câu ca dao “con cò bay lả bay la” bà vẫn thường hát ru em thuở nhỏ. Bài hát đó có những người đồng đội của thầy hy sinh âm thầm. Qua bài hát của thầy, những chiến công của thầy và đồng đội lại hiển hiện ra trước mắt. Những lúc cùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chia nhau từng giây sống khi đánh giặc trên chiến hào, cùng nhau đọc những lá thư gia đình bên cạnh hố bom. Và cả khi vuốt mắt cho đồng đội hy sinh, gói ghém những gì còn lại trong một tấm dù để gửi những kỷ vật chiến trường ấy cho gia đình họ… Bài hát đó “có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn” và đã để lại trên cát không phải là hình ảnh “in hình lỗ đáo” nữa mà là “một bài ca trên cát trắng bao la”. Đó là bài hát không lời mà sao cứ day dứt người nghe, day dứt những ai chứng kiến “vết chân tròn trên cát” ấy. Bài ca không lời đó được “viết trong thầm lặng, trên bờ cát không lời” mà sao nhức nhối, nhói đau, mà sao rất đỗi tự hào.
Trong thực tế cuộc sống, có nhiều thương binh trở về sau cuộc chiến. Đất nước Việt Nam ta trải qua nhiều cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, những liệt sĩ nằm lại chiến trường không ít, những người lính trở về sau chiến tranh không còn lành lặn cũng chẳng phải là hiếm, nhưng họ đều đã biết tự đứng lên trên đôi chân không còn nguyên vẹn của mình để làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc sống. Họ vẫn tiếp tục đóng góp cho xã hội, không hề trở thành “gánh nặng” cho người thân, mà còn là trụ cột vững vàng trong gia đình theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Họ là những người “tàn nhưng không phế”. Quanh ta, có biết bao nhà báo, nhà văn, thầy giáo, nhạc sĩ, nhà thơ, bác sĩ… là những nhà khoa học tiếp tục phát minh sáng chế cống hiến chất xám của mình cho công cuộc xây dựng đất nước.
Những “vết chân tròn” ấy không chỉ in “trên cát” mà còn in dấu trên khắp các công trường nhà máy xí nghiệp. Những “vết chân tròn” ấy là 2 vợ chồng thương binh (ông Lê Tự Hành và bà Nguyễn Thị Hương) ở thôn 1 xã Rô Men huyện Đam Rông tỉnh Lâm Đồng đã vượt khó vươn lên làm giàu trở thành những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Là thương binh Nguyễn Văn Thoãng (ấp Hòa An xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) trở thành “tỉ phú nuôi ếch”. Đó là thầy giáo thương binh Đặng Vương Phiếm (hiệu trưởng trường THPT Đông Quan, Đông Hưng, Thái Bình - một ngôi trường có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia). Là thầy giáo Đỗ Quốc Vinh, giáo viên trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ, thương binh hạng 2/4. Sau khi về hưu, thầy đã tiếp tục trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc vùng quê mình. Là thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Thái Bình, nhiều năm liền đưa trường trở thành đơn vị tiên tiến. Là người thương binh hạng 4/4 Võ Văn Tâm (Ấp Trung Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) 30 năm chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông Tâm cũng vừa được UBND Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu 114 Tấm gương thầm lặng mà cao cả. Là thương binh trở về từ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 Chu Thế Phong (thôn 10 xã Hào Lễ, huyện CRoong Bông, Đắk Lak) là giàu bằng nghề trồng rừng…cùng biết bao thương binh khác tuy “tàn mà không phế” rất đáng để chúng ta học tập, noi theo. Trở về sau cuộc chiến, cho dù họ là ai trong cuộc sống, họ vẫn giữ vững những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, như con ong góp thêm chút mật ngọt cho đời. Có thể họ còn lành lặn chân tay, nhưng đâu đó trong cơ thể họ vẫn còn vài mảnh đạn, khi trái gió trở trời lại đau nhức, tê buốt. Những “vết chân tròn” ấy đáng để chúng ta nghiêng mình kính phục, ngả mũ cúi chào họ bởi dù trên mặt trận làm kinh tế hay là nhà khoa học, giáo viên, nhà báo… họ vẫn mãi là những người lính xung trận, đem lại thắng lợi thành công.
Hai cuộc chiến đã đi qua, những cống hiến của họ trong thời bình đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Cho dù trong thơ ca âm nhạc hay ngoài đời, những “vết chân tròn” ấy sẽ mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ về một ý chí “tàn mà không phế”. Và bài thơ, khúc hát không lời ca ngợi họ vẫn còn mãi trong lòng mỗi người dân Việt nam. Mỗi khi đến dịp 27/7, chúng ta không khỏi ngậm ngùi tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, và càng tự hào với việc làm của những người trở về sau cuộc chiến. Mỗi chúng ta hãy tự soi vào mình để cùng hoàn thiện bản thân hơn, cùng xây dựng đất nước, xứng đáng với những gì mà các anh đã dâng hiến, hy sinh.
Nguyễn Thị Diệp