Bạn đọc viết:
Những vần thơ tiễn Người vào Bất tử
(Dân trí) - Trong hàng trăm, hàng ngàn bài viết bày tỏ lòng xúc động, tiếc thương, ngưỡng mộ đối với vị Đại tướng của Nhân Dân, có lẽ lay động hồn người nhất vẫn là những bài thơ như những khúc ca tiễn Người vào Bất tử.
Tối mồng 4/10, đọc dòng tin Đại tướng từ trần trên “phây búc” của nhà văn Nguyễn Quang Vinh, mặc dù đã tiên liệu trước điều này nhưng tâm trạng tôi lúc ấy vẫn không khỏi bàng hoàng. Thế rồi sáng hôm sau và những ngày tiếp theo, trên các báo và các trang mạng xã hội, tràn ngập những tin bài và hình ảnh về Đại tướng.
Với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, sự ra đi của Người như là một sự hóa thân cho Nhân Dân, Đất Nước:
Vì Dân - Nước, Người trở thành bất tử
Thành núi, thành mây thành ruộng, đồng, sông, bể…
Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông
Thành đền thờ trong mỗi tấm lòng Dân
Thành ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối
Thành mặt trời cho trần gian nắng mới
Thành mặt trăng vành vạnh tấm gương vàng...
Để rồi:
Cả non sông thành rồng chầu, hổ phục
Tôn vinh Người vị Thánh của lòng Dân
(Bất tử, Nguyễn Trọng Tạo)
Bởi vì “Nhân dân mỗi người có một Võ Nguyên Giáp” – một Võ Nguyên Giáp cho đến phút cuối cùng của cuộc đời hơn một thế kỉ “vẫn nặng lòng vì nước / Trái tim già cùng nhịp đập nhân dân” (Người bất diệt trong lòng dân nước Việt! Trần Nhương).
Diễn đạt tình cảm của người dân đối với Đại tướng trước sự ra đi của ông, với tôi có lẽ không ngôn từ nào xác đáng hơn những vần thơ trên. Ở một góc nhìn khác, nhà thơ Anh Ngọc phác họa hình ảnh giữa đời thường của vị tướng lừng danh “Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù”:
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình
Trong góc vườn mùa thu
Cây lá cũng như ông lặng lẽ
Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ
Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây
...
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu
(Vị Tướng già, Anh Ngọc)
Cuộc đời của Đại tướng gắn liền với những năm tháng lịch sử hào hùng của Đất nước, với những chiến công hiển hách, lưu danh muôn đời. Đó là sự thật hiển nhiên. Nhiều tác giả đã khẳng định điều đó bằng những vần thơ hùng tráng:
Chiến thắng Điện Biên năm châu lừng lẫy
Đại thắng Mùa Xuân, thế giới nghiêng mình
Với xẻng đào hào đánh lấn ở Điện Biên
Người dẫn dắt cha anh ta đào mồ chôn giặc Pháp
Với rồng lửa Thăng Long thiêu B52
Và chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc
Khải hoàn ca, Mỹ cút, Ngụy nhào.
(Tưởng niệm Đại tướng của nhân dân, Phạm Quốc Ca)
Nhật lệnh tuyệt vời, dân tộc chờ mong
Thần tốc nữa lên! Vang trong quân ngũ!
Táo bạo nữa lên! Từng giây tranh thủ…
Giải phóng miền Nam! Một nửa cõi bờ…
Khúc khải hoàn rộn rã nhạc và thơ
(Hàng triệu người tự cài lấy băng tang, Lê Thống Nhất)
Nhưng, cảm hứng chung của các tác giả là lòng ngưỡng mộ đối với một vị tướng mà chiến công lẫy lừng càng tô thắm thêm phẩm chất và đức độ của một con người suốt đời vì dân vì nước:
Quá đau đớn để nói lời vĩnh biệt
Vị tướng toàn tài, đức độ một ông Tiên
…
Tài đức của Người đã lừng danh thế giới
Trái tim Người đập từng phút vì dân.
(Nỗi đau ngàn lần, Nguyệt Vũ)
Người là bậc đại công thần
vẫn khiêm cung vẫn trong ngần lòng son
hai vai là Nước là Non
chữ tình soi sáng trong con tim mình
(Tấm lòng son, Từ Quốc Hoài)
Dũng và Nhân, Tài và Đức hội tụ ở ông, làm nên điều mà rất ít vĩ nhân có được: trở thành huyền thoại ngay cả khi đang còn tại thế. Nhà báo – nhà sử học Bernard Fall trong cuốn sách “Võ Nguyên Giáp – Con người và huyền thoại” đã đánh giá rất xác đáng: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp Võ Nguyên Giáp”. (Võ Nguyên Giáp – Man và Myth, New York, F. P. Publishers, 1962).
Đại tướng quân
Chí trung kiên
Lòng trong sáng
Trí mẫn cảm
Mưu lược vô song
Văn võ toàn tài
Tim vẫn hồng giữa thói đời đen bạc
Lòng vẫn trong giữa ngầu đục gian tham
(Ngọc đức Đại tướng quân, Bùi Văn Bồng)
Vâng! “Tim vẫn hồng giữa thói đời đen bạc / Lòng vẫn trong giữa ngầu đục gian tham”, bởi vì:
Người là Văn, là Võ – Đức hy sinh
“Như núi lửa phủ đầy tuyết trắng”
Người làm nên rạng rỡ non sông
Không nao núng trước bạo tàn, ngang trái
(Đại tướng của lòng dân, Đặng Quốc Vinh)
Đại tướng là một con người như thế. Trí, Dũng, Nhân, Nghĩa làm nên huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Và “nhẫn” để cho huyền thoại ấy tỏa sáng lung linh:
Người đã đi qua những cuộc trường chinh
Bước lên đỉnh vinh quang chói lọi
Trải đời bao nỗi đau nhức nhối
Bởi hư danh, ghen ghét, tị hiềm
Cái tâm vượt lên tầm thời đại
Tỏa cho đời ánh sáng lung linh
(Người bất tử trong lòng dân, Nguyễn Duy Xuân)
Lung linh nhưng không chói lòa, bởi vì Người “Là vị tướng của lòng dân / Trọn đời ông sống nghĩa nhân, ân tình” (Tiễn biệt vĩ nhân, Nguyễn Thị Kim Dung).
Cho nên:
Với nhân dân, Người là mãi mãi
không cần chỉ thị
chẳng phải tuyên truyền
Người đi vào lòng dân
như lúa đồng thơm mát
như dòng sông, cát trắng quê hương
(Mãi mãi niềm tin yêu, Lam Giang)
Con người vĩ đại ấy, sống vì dân vì nước, chết cũng vì nước vì dân:
Vị tướng của lòng dân phút giây thiêng nhắm mắt
Thức tỉnh triệu lương tâm xích lại gần nhau
(Cây đại thụ của lòng dân, Lê Cảnh Nhạc)
Những ngày này tháng Mười năm ngoái, “Hàng triệu người… tự cài lấy băng tang…” (Lê Thống Nhất) bởi trong mỗi người dân có một Võ Nguyên Giáp: “Chúng con làm Quốc tang Người trên từng trang viết” (Nguyệt Vũ), để rồi “Mỗi lòng dân – một tượng đài / Tâm hương thắp sáng dặm dài tiễn đưa… (Tâm hương, Hạnh Ly). Tiễn đưa Người về nơi yên nghỉ cuối cùng “Giữa lòng đất mẹ một miền yêu thương” (Lời ru Vĩ nhân!, Nguyễn Minh Tâm). Đó là nơi “lời ru của biển / thật thà lời ru không xu nịnh bãi bờ”; là nơi “bốn phương tám hướng / lòng dân hội tụ ở quanh Người / chẳng còn nữa những muộn phiền thế sự” (Nơi Đại tướng trở về, Đặng Bá Tiến).
Người Lính – người Anh Cả - vị Đại tướng của quân đội nhân dân anh hùng, sau ba vạn sáu ngàn ngày chinh chiến, xếp khiên, gác kiếm, ngả mình trên thảm cỏ quê hương.
Tôi muốn mượn mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong bài thơ Bất tử của ông để khép lại bài viết này, như một nén tâm nhang thành kính dâng Người:
Cả non sông thành rồng chầu, hổ phục
Tôn vinh Người vị Thánh của lòng Dân
Bắn lên trời cao những tiếng sấm vang rền
Tiễn Người vào BẤT TỬ!
(Buôn Ma Thuột, nhân giỗ đầu Đại tướng)
Nguyễn Duy Xuân