Những quan chức bị vạ miệng ...

(Dân trí) - Các cụ xưa đã dặn: “Một lời nói ra, trăm ngựa đuổi theo không kịp.” và “bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Đối với nhiều quan chức thời nay, lời dặn đó vẫn cấm sai tí nào!

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (Sở VHTTDL) tỉnh Đắk Nông (người đứng)
 

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (Sở VHTTDL) tỉnh Đắk Nông (người đứng)

 

Vừa qua, dư luận xôn xao về việc tại cuộc họp liên bộ kiểm tra về chương trình cấp báo, tạp chí cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 2472 của Thủ tướng Chính phủ diễn ra tại trụ sở Ban Dân tộc tỉnh Đắc Nông sáng ngày 23/8 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (Sở VHTTDL) tỉnh Đắk Nông phát biểu: “Ngày xưa, mỗi tháng tôi còn đọc vài tờ báo, vài quyển sách chứ những năm gần đây, nói thật tôi không đọc, sách khoa học cũng không chứ đừng nói gì đến báo chí, hoàn toàn không đọc đâu các đồng chí ạ!”.

 

Trước lời phát biểu trên, bạn đọc khen vị này dám công khai cái  dở của mình trong khi phần đông các quan chức khác thì lại cố “tốt phô ra, xấu xa đậy lại”:

 

“Ông phó giám đốc Lê Khắc Ghi dũng cảm và chân thành hiếm có trong thời buổi này...” Nguyễn Văn Đại nvdai.hvbctt@gmail.com

 

“Đây là lời nói rất thật, tôi biết nhiều cán bộ hiện nay cũng như vậy nhưng không nói ra.” - Tran Hoa vigecamdn@dng.vnn.vn

 

Dù sao, nói thế cũng đâm ra vạ miệng. Sao gần đây, vạ miệng lại hay xẩy ra  đối với nhiều quan chức đến thế. Trong khi cả nước đều biết Đồ Sơn là một chợ mãi đâm sầm uất nhộn nhịp từ lâu thì cách đây mấy tháng, tại buổi tọa đàm về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi tổ chức ngày 13/6, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm nhưng kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại hai địa điểm này. Phát ngôn này làm các bạn đọc sửng sốt và gửi nhiều comment về phê phán sự nhắm mắt trước thực tế của vị quan chức này:

 

“Các vị nói ở Đồ Sơn và Quất Lâm không có mại dâm, chắc là các ngồi trong phòng lạnh để nghe cấp dưới báo cáo rồi? Muốn biết thực hư, các vị hãy đóng vai giả làm...dân thường, sẽ thấy lời phát ngôn đó là thiếu trung thực và thiếu trách nhiệm với dân, với nước. Nếu các vị nói năm 60 của thế kỷ trước Đồ Sơn không có mại dâm thì dân ai cũng tin là thật. Còn ngày nay mà phát biểu như vậy thì có lẽ các vị là người... ngoài hành tinh đến Việt Nam rồi...” - pham thị thanh thanh_hoa1299@yahoo.com

 

Rồi ít lâu sau, một vị quan chức nữa lại vạ miệng khi báo Dân trí phát hiện và đăng tải trên báo việc gian lận khi đổ xăng cho khách hàng tại cây xăng ở 342 Phạm Văn Đồng (Hà Nội) thì Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội lại nhận định, hành vi gian lận của nhân viên cửa hàng xăng như Dân trí điều tra, phản ánh là hành vi gian lận mới, mang tính chủ quan và chỉ là cá biệt làm bạn đọc ở hầu hết các tỉnh đồng bằng  như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, ở các tỉnh miền trung du như Bắc Giang và cả ở các tỉnh miền núi như Daklak, GiaLai nổi giận, gửi phản hồi ra cho biết bản thân bạn đọc cũng là nạn nhân của tình trạng đổ xăng gian dối và gian lận khi bán xăng cho khách tại các cây xăng đã trở thành phổ biến ở khắp các địa phương trong cả nước:

 

“Giờ thì hầu như cây xăng nào cũng ăn cắp, không bằng cách nọ thì cách kia. Có lần mình đổ xăng ở gần cầu Noi. Mình bảo đổ đầy họ bơm vào tận hơn 3.8l. Mình nói là anh bơm xăng giỏi thật, anh ta giật mình vì xe mình dung tich 3.7l mà trong bình vẫn còn xăng. Hãi quá....” – Tuyênnguyenvantuyen.hp87@gmail.com

 

“Còn rất nhiều cây xăng như thế này nữa cần được báo Dân trí vạch mặt, đem lại công bằng cho người dân chúng tôi. Cảm ơn!” - Thanhtonydoan84@gmail.com

 

Lại tiếp đến luôn một trường hợp vạ miệng nữa xẩy ra, đó là từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, khoa xét nghiệm bệnh viện Hoài Đức liên tục cấp phát 2.237 phiếu xét nghiệm cho bệnh nhân, trong đó có 1.149 phiếu xét nghiệm huyết học trùng nhau, nhưng ông Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, các phòng ban của Sở vẫn kiểm tra thường kỳ đối với BV Hoài Đức mà chưa bao giờ phát hiện ra sai phạm. Ông Cường  lại còn khẳng định: “…Việc “nhân bản” xét nghiệm là có thật và cũng là lần đầu tiên xảy ra tại Hà Nội.”  

 

Nghe lời phát biểu trên của ông Chánh Thanh tra, bạn đọc bất bình:
 
"Ông Cường cũng cho biết, các phòng ban của Sở vẫn kiểm tra thường kỳ đối với BV Hoài Đức nhưng chưa bao giờ phát hiện ra sai phạm." Ông này nói vậy thì  nhân viên của ông thuộc loại "sáng cáp ô đi tối vác về"...” Thao huynh@yahoo.com

 “Ai dám khẳng định đây là lần đầu tiên. Chỉ nói liều. Thực chất đây là lần đầu tiên sự thật được phanh phui thì có. Cám ơn người anh dũng dám đứng lên tố cáo. Đề nghị các ngành chức năng có thẩm quyền bảo vệ an toàn cho cuộc sống của gia đình họ.” - Ha Mai Trang hanhtrang99@gmail.com

 Bạn đọc so sánh phát ngôn của Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội rất giống với phát ngôn của ông  Chánh Thanh tra Sở y tế Hà Nội:

 

 "…. Bác này lại giống bác Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội rồi. Cán bộ Hà Nội là vậy cả sao?” – HongHa hongha381970@gmail.com

 

Tuy nhiên, phát ngôn vạ miệng của của các quan chức trên mỗi người xuất phát từ một động cơ khác nhau. Của ông  Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) có thể là do bệnh thành tích, sợ sai, sợ khuyết điểm:

 

“Quất Lâm và Đồ Sơn đúng là nơi tệ nạn mại dâm hoành hành... Du khách đến đây chẳng cần hỏi cũng có người đến chào mời... Chính quyền bảo không biết, không có thì do dấu diếm khuyết điểm mà thôi...” - phạm hải ninh ph.ninh@gmail.com

 

Còn ông Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội ông Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội có thể là do sự quan liêu:

 

“Thanh tra kiểu cưỡi ngựa xem hoa ...”  Nguyễn Văn Tuyến tuyen032000@yahoo.com

 

Những công chức bị vạ miệng như vậy không phải là hiếm. Ví dụ ông Trưởng phòng Quản lý  báo chí xuất bản Hà Nội giải thích: Một số cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội kê khai gia tăng tài sản là do nhầm; ông Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng khi bị thu phí rút tiền bằng máy ATM, người dân sẽ tỉnh ngộ ra; Ông Chủ tịch HĐQT Petrolimex khẳng định: Giá xăng dầu là minh bạch nhất trong các loại hàng hóa hiện nay v.v...

 

Riêng trường hợp phát ngôn của ông Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đắk Nông thì bạn đọc phần đông thông cảm, cho rằng do diễn đạt không đầy đủ ý muốn nói trước hội nghị:

 

 “Tôi nghĩ ông phó giám đốc này nói không đọc báo ở đây là về báo giấy, nói thật tôi cũng là cán bộ công chức, nhưng thật sự mà nói đã lâu lắm không đọc báo giấy rồi, thông tin không thể cập nhật kịp thời hàng giờ hàng phút như báo mạng, Ngày nay dùng máy tính kết nối internet ADSL hoặc điện thoại kết nối 3G để đọc báo mạng là thường xuyên, muốn tìm thông tin gì thì cứ lên mạng, hỏi thử báo giấy có nhanh chóng cập nhật như báo mạng không?” - Trung Hiếu trunghieu412@yahoo.com

 

Tuy nhiên, đối với một lãnh đạo chuyên ngành văn hóa thông tin  của một tỉnh, lời phát biểu đó cũng khiến nhiều bạn  đọc không đồng tình vì làm công tác lãnh đạo văn hóa mà chối bỏ văn hóa đọc là điều không thể chấp nhận được.

 

Vì vậy, có bạn đọc đã viết comment gửi về Dân trí, cho rằng:

 

 “Theo tôi đây là một câu nói rất thật đồng thời  biết đâu câu nói này khiến Nhà nước thấy mặt khiếm khuyết của quan chức hiện nay để suy nghĩ những  giải pháp trau dồi tri thức và văn hóa giao tiếp cho quan chức?” Nguyen Phuong Duyen duyendung1981@gmail.com

 

Các cụ xưa đã dặn: “Một lời nói ra, trăm ngựa đuổi theo không kịp.” và “bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Đối với những quan chức này, lời dặn đó vẫn cấm sai tí nào!

 

Nguyễn Đoàn (tổng hợp)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm