Phiếm đàm
Những người hay cãi
(Dân trí) - Cãi như kiểu PVN là thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ có “chết” công ty và gây họa cho Nhà nước và nhân dân. Phải dạy con ngay từ nhỏ bỏ cái thói xấu hay cãi đi, biết lắng nghe và phục thiện, sau này lớn mới nên người, anh ạ.
Họp phụ huynh học sinh về, vợ bảo chồng:
- Thật xấu hổ, cô giáo phàn nàn là con mình hay cãi lắm, phản biện là tốt nhưng chết nỗi bạn bè nói đúng, nó vẫn cãi, cô giáo khuyên bảo đúng, nó cũng cố cãi, cãi lấy được.
Chồng bảo:
- Ô hay, thế là mừng cho con chứ sao lại phải xấu hổ.
Vợ ngạc nhiên:
- Dở hơi, sao lại mừng? mừng là mừng cái gì?
Chồng giải thích:
- Thế là ngay từ nhỏ, nó đã sớm bộc lộ năng khiếu để sau này làm cán bộ đấy. Em không thấy sao, gần đây chỗ này chỗ kia xuất hiện ngày càng nhiều cán bộ thể hiện trình độ cãi, chứ không phải ù ì, quan tám cũng ừ quan tư cũng gật đâu nhé!
Chẳng hạn, Công trình Nhà Truyền thống bon Đắk R’moan có tổng mức đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Trí Nguyên (Gia Nghĩa) thi công, họ sử dụng gỗ tươi để làm nhà, hơn thế, gỗ lại không được chọn lọc kỹ càng, dẫn đến bây giờ đã xuất hiện nhiều chỗ nứt nẻ, sâu mọt trên thân gỗ. Đối với phần mái, họ dùng cỏ tranh đang còn non phơi khô để lợp, nên dù thời gian chưa bao lâu, nhưng phần mái đã bị dột nhiều chỗ. Nếu dùng tranh già thì phải 7-8 năm nữa mới hỏng. Khi chứng kiến kiểu thi công ẩu như vậy, nhiều người dân trong bon đã lên tiếng góp ý nhưng họ cãi lại, khăng khăng không nghe, một mực làm theo ý họ. Bà Giám đốc Trí Nguyên còn thể hiện trình độ cãi rằng, Nhà truyền thống bon Đắk R’moan được công ty thi công đúng thiết kế, bảo đảm chất lượng. Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa cũng hùa theo rằng cái nhà đấy là “đẳng cấp”. Công trình 3,4 tỷ mà xuống cấp nhanh vậy, nhưng họ cãi lấy được là chất lượng công trình tốt thì họ giống như “Gà cãi nước sôi”, chẳng ngại dư luận.
Đó là chuyện xẩy ra ở cấp xã. Cãi thế chưa kinh bằng các trạm BOT đặt “nhầm” chỗ để thu phí lấy được, đường BOT làm một đằng nhưng chủ BOT lại đặt trạm thu phí một nẻo, khiến đường BOT dân dù không đi vẫn phải nộp phí, trái với bản chất của BOT mà Nhà nước đã quy định là chủ BOT bỏ tiền đầu tư làm đường mới và chỉ được đặt trạm thu phí các phương tiện giao thông nào đi trên đường chủ BOT làm đó, nhưng ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vẫn khăng khăng bảo rằng: “Nói trạm BOT đặt nhầm chỗ là không chính xác, có thể dùng từ là đến thời điểm này vị trí đặt trạm là chưa hợp lí”. Làm đường BOT một đằng nhưng đặt trạm thu vé một nẻo khác mà vẫn cãi thế là đúng thì quả là giỏi.
Vợ bảo:
- Thấy con hay cãi thế, anh mừng, nhưng em thì lại lo.
Chồng hỏi:
- Lo cái gì nhỉ?
Vợ đáp:
- Lo là lo sau này nó trưởng thành, đi làm cán bộ mà hay cãi kiểu ấy, dễ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đấy. Như năm 2007, Tập đoàn dầu khí (PVN) xin phép Chính phủ được đàm phán với Công ty dầu khí quốc gia Venezuela về việc thành lập một liên doanh khai thác dầu giữa hai nước. Một cựu bộ trưởng thời kỳ đó có hàng chục văn bản tham mưu, đóng góp ý kiến về rủi ro của dự án nhưng vẫn bị gạt sang một bên, nhiều cơ quan quản lý cũng khuyên thận trọng về tính khả thi của dự án này nhưng vẫn bị PVN bỏ ngoài tai. Dù chưa được chấp thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư, song PVN đã triển khai một loạt các bước để ký kết các thỏa thuận và hợp đồng đầu tư cho dự án. Kết quả của sự cãi bướng, bỏ ngoài tai lời khuyên của các cơ quan quản lý hữu quan và các chuyên gia kinh tế là dự án này nay đổ vỡ, chưa có giọt dầu nào mà đã “đốt” hơn 500 triệu USD của Nhà nước.
Và vợ kết luận:
- Cãi như kiểu PVN là thiếu tinh thần trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ có “chết” công ty và gây họa cho Nhà nước và nhân dân. Phải dạy con ngay từ nhỏ bỏ cái thói xấu hay cãi đi, biết lắng nghe và phục thiện, sau này lớn mới nên người, anh ạ.
Nguyễn Đoàn