Những nghệ nhân “giữ lửa” cho đồ chơi Trung thu truyền thống

Giữa vô vàn những loại đồ chơi ngoại nhập, nhiều nghệ nhân và gia đình vẫn âm thầm, lặng lẽ, say mê với các đồ chơi truyền thống để lưu giữ một nét đẹp văn hóa cho thế hệ mai sau.

Niềm đam mê với những chiếc trống

Thôn Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) nổi tiếng với nghề làm trống truyền thống. Tuy nhiên, hiện chỉ còn vài hộ gia đình tại đây còn giữ nghề làm trống truyền thống này. Mặc dù thu nhập không quá cao và phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, nhưng một số nghệ nhân yêu nghề truyền thống vẫn miệt mài “giữ lửa” nghề truyền thống của quê hương.

Gia đình bà Vũ Thị Thoàn là một trong năm hộ gia đình còn giữ và sống bằng nghề làm trống. Cơ sở của gia đình bà Thoàn thuộc loại lớn của xã với gần 20 người làm việc quanh năm để cho ra đời khoảng 50.000-60.000 sản phẩm bao gồm trống, mặt nạ hình thú và đầu sư tử. Không chỉ tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc, sản phẩm của gia đình còn được bán ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Theo bà Thoàn, để làm ra một chiếc trống đạt chất lượng tốt yêu cầu nhiều công đoạn khá tỉ mỉ. Loại gỗ những ngày trước hay được dùng để làm trống là gỗ mít, nhưng hiện tại đã được thay thế bằng gỗ bồ đề và gỗ mỡ để làm trống. Cứ sau mỗi dịp Trung thu, gia đình bà đã phải chuẩn bị gỗ cho khô để làm tang trống.

Những nghệ nhân “giữ lửa” cho đồ chơi Trung thu truyền thống - 1
Nghệ nhân Vũ Thị Thoàn giới thiệu trống làng Hảo đến công chúng Thủ đô.

Bên cạnh đó, nguyên liệu không thể thiếu để làm trống là da trâu. Da trâu được mua về sẽ được xẻ từng tảng làm 3 - 4 mảnh, ướp muối, ngâm trong nước vôi khoảng một tuần để da mềm và rụng hết lông, rồi mang đi phơi khô sau đó xẻ ra để làm bưng trống (làm mặt trống). Mặt trống Trung thu trước đây được cố định bằng ghim tre, nhưng những năm trở lại đây, mặt trống cũng đã được cố định với ghim sắt để tăng tính tiện lợi trong khâu sản xuất mà vẫn đảm bảo được sự chắc chắn không thua kém so với ghim tre truyền thống. Sau khi đã hoàn thiện, trống được “khoác” lên mình một lớp sơn đỏ, vẽ trang trí và đục quai đeo để hoàn thiện.

Trước kia, khi hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, nhiều hộ dân trong làng Hảo đã bỏ làm trống. Nhưng bằng kinh nghiệm, sự say mê, hơn 40 năm nay, bà Vũ Thị Thoàn vẫn bám trụ và phát triển tốt với nghề làm trống truyền thống. Chứng kiến và trải qua bao thăng trầm của nghề, chưa một lần bà có suy nghĩ bỏ nghề và luôn hướng con cháu cố gắng gìn giữ nghề của cha ông. Hiện nay, con trai, con gái, và các cháu của bà đều theo nghề này.

“Những năm gần đây, mỗi năm đơn hàng khách đặt lại một tăng, gia đình có thêm việc làm, thêm thu nhập. Nhưng điều quan trọng hơn là người tiêu dùng đã đặt niềm tin vào đồ chơi Trung thu truyền thống” - bà Vũ Thị Thoàn khẳng định.

Thổi hồn cho những chiếc lồng đèn

Với mong muốn đem lại cho con trẻ những niềm vui, nhiều năm nay, cứ vào dịp Trung thu, nghệ nhân Vũ Văn Sinh và Nguyễn Văn Quyền lại sắp xếp công việc để bắt tay làm đèn kéo quân.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, đèn kéo quân, hay còn gọi là đèn cù, khi thắp nến lên thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn giống như rối bóng và xoay vòng theo cùng một chiều liên tục không dừng lại. Đèn kéo quân có mục đích ban đầu là để trẻ em nhớ về lịch sử cũng như giáo dục lòng yêu nước nên hình ảnh trên cây đèn thường nói về việc nghĩa, về những đoàn quân lính xung trận. Về sau người ta mở rộng nhiều đề tài khác như thêm ông quan trạng, cảnh tứ linh nhảy múa, bác nông dân làm ruộng, mục đồng chăn trâu và đến nay là các yếu tố hiện đại, giải trí hoặc các con vật…

Những nghệ nhân “giữ lửa” cho đồ chơi Trung thu truyền thống - 2
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn làm đèn kéo quân 

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chia sẻ, đèn kéo quân gồm 2 bộ phận chính. Khung ngoài được dán bằng giấy xuyến chỉ màu trắng. Những dóng trụ đèn được quấn bằng các loại giấy màu, giấy kim vàng óng ánh trổ họa tiết để dán vào đầu và chân các trụ đèn. Phần trong đèn là một trục tre tròn, phía trên gắn một chiếc chong chóng có nhiều mũi để hứng gió. Trục làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để quay được, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ. Ngày nay, đèn kéo quân được cải tiến không chỉ thắp bằng nến mà ngay cả khi thắp sáng bằng pin, kèm theo một mô tơ nhỏ cũng đủ giúp cho đèn quay được

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền năm nay đã 80 tuổi và có hơn 60 năm làm đèn kéo quân. Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền cho biết, ông biết làm đèn kéo quân từ khi còn bé do bố và ông dạy lại. Đến nay, vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn miệt mài với từng thanh tre, từng mảnh giấy để tạo ra những chiếc đèn kéo quân phục vụ các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu. Nghệ nhân chia sẻ, ngoài kế mưu sinh, đây còn là tâm nguyện của ông khi muốn thế hệ trẻ có cơ hội tiếp cận với đồ chơi dân gian và giữ nghề truyền thống của dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề truyền thống, năm 8 tuổi, nghệ nhân Vũ Văn Sinh đã biết tự làm đèn cho các em và các bạn cùng chơi. Trải qua bao thăng trầm, song chưa khi nào ông có ý định từ bỏ món nghề lâu đời do cha ông để lại. Ông Sinh chia sẻ: Bây giờ, phần lớn trên thị trường là đồ chơi ngoại nhập, trong khi đó các mặt hàng đồ chơi dân gian đã từng một thời gắn bó với biết bao thế hệ trước đây đang dần vắng bóng. Nhưng năm nào, tôi cũng duy trì làm đèn, bởi đó là niềm vui giữ nghề truyền thống.

Những nghệ nhân “giữ lửa” cho đồ chơi Trung thu truyền thống - 3
Nghệ nhân Vũ Văn Sinh hướng dẫn các em nhỏ làm đèn ông sao.

Say mê với nghề truyền thống, ông Sinh cũng không ngừng tìm tòi và sáng tạo để tạo ra các sản phẩm đẹp mắt hơn và tiện lợi hơn. Chơi đèn kéo quân phải thắp nến và cần phải đặt nến ở đúng vị trí thì trục đèn mới quay và tạo ra hiệu ứng đẹp mắt với những hình thù ngộ nghĩnh, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có kĩ thuật đặt nến. Chính vì vậy, ông Vũ Văn Sinh đã sáng tạo ra đèn kéo quân quay bằng pin tiểu và thắp sáng bằng đèn led thay nến, giúp người chơi, đặc biệt là trẻ nhỏ sử dụng dễ dàng.

Không chỉ nổi tiếng với những chiếc đèn kéo quân, nghệ nhân Vũ Văn Sinh còn có niềm đam mê với những chiếc đèn ông sao. Theo nghệ nhân Vũ Văn Sinh, so với đèn kéo quân, thì đèn ông sao không phức tạp, nhưng đòi hỏi sự cần cù. Nguyên liệu để làm đèn ông sao là từ cật tre, nứa, giấy bóng kính và được trang trí các họa tiết có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Tất cả phải được lựa chọn và đều được làm thủ công, do vậy đòi hỏi người nghệ nhân phải tỉ mỉ trong từng chi tiết.

Hiện nay, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền và Vũ Văn Sinh vẫn thường xuyên có mặt tại Thủ đô để hướng dẫn các em thiếu nhi làm các loại đèn. Các nghệ nhân luôn mong muốn dạy được thật nhiều em nhỏ biết làm đèn kéo quân, đèn ông sao. Ngoài ra, các nghệ nhân cũng hy vọng ngày càng có nhiều người đam mê, tâm huyết với nghề hơn nữa để bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc./.

Theo H . Thảo

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm