Những hành động và chia sẻ thấm đẫm tình người trước sự hy sinh của phi công Trần Quang Khải
(Dân trí) - “Chỉ đạo của Chủ tịch TP HN hay và kịp thời rất đáng hoan nghênh, cần nhân rộng ra cả nước, thì ai cũng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc thân yêu của mình mà không lo gì cả.” “Trang viết bằng cảm xúc của con tim nên từng câu từng lời như khắc vào tim người đọc vậy! Cảm ơn Trang, Trang đã nói hộ cảm xúc của triệu triệu trái tim Việt Nam hướng về phi công Trần Quang Khải.”
Một quyết định nhân văn
Trước quyết định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét các quy trình để đặc cách tuyển dụng vợ đại tá Trần Quang Khải dạy tại trường THPT Chu Văn An, rất, rất nhiều bạn đọc chia sẻ, tỏ thái độ đồng tình rất cao gửi về Dân trí.
Bạn Nguyễn Văn Mạo viết “ Tôi cũng như dư luận XH hoan nghênh lãnh đạo Hà Nội xét đặc cách cho chị Hà, vợ phi công Trần Quang Khải vào ngành giáo dục là việc làm đầy tình người, có tính nhân văn cao.” Bạn THANH THẢO cho rằng đây là “một quyết định rất nhân văn và kịp thời của ông Chủ tịch TP. Hà Nội. Xin cảm ơn ông vì hành động đó.” Đồng quan điểm trên, bạn Ksobui bày tỏ: “Hoan hô quyết định hợp ý đảng, lòng dân của chủ tịch UBND thành phố Hà nội. Một quyết định thể hiện lòng biết ơn và đền ơn sự hi sinh của người lính dẫu thời bình hay thời chiến.”
Bạn Nguyễn Như Liêm đánh giá: “ Việc tạo cho vợ liệt sỹ đại tá TRẦN QUANG KHẢI vào trường PTTH CHU VĂN AN của UBND TP HÀ NỘI là việc làm hết sức tình người, thật đáng trân trọng.”
Sau lời giới thiệu “là người dân HN tôi chân thành cảm ơn Chủ tịch”, bạn Lê Dũng viết tiếp “chúc Chủ tịch làm được nhiều điều tốt đẹp cho thủ đô yêu dấu.” Còn bạn Minh Quân: “Tôi luôn suy nghĩ anh Chung là người vừa có tầm, vừa có tâm. Rất nhanh chóng, ý nghĩa và cụ thể.”
Có lẽ là người đã từng công tác cùng ông Chung, bạn Đỗ Hồng Việt nhận xét: “Ông Nguyễn Đức Chung là thế. Khi còn công tác trong ngành công an, tôi chứng kiến cách xử sự rất tình người của ông Chung. Nay chuyển lên làm Chủ tịch TP, ông Chung vẫn tình người như vậy. Nếu ông Chung không làm, cũng chả ai trách cả, nhưng ông làm thì mọi người mới thấy đậm tình người.”
Nói về ý nghĩa của quyết định của TP Hà Nội, bạn Nguyễn Thị Xuân cho rằng “Đây là hành động hay và kịp thời rất đáng hoan nghênh, cần nhân rộng ra cả nước, thì ai cũng sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc thân yêu của mình mà không lo gì cả.” Cũng dòng suy nghĩ này, bạn Tran Dũng cho rằng: “Việc làm đầy tình nghĩa của Chủ Tịch UBND TP Hà Nội nó cho thấy bất kể thời bình hay thời chiến chính sách hậu phương quân đội đền ơn đáp nghĩa của Đảng ta luôn luôn được chú trọng.”
Còn bạn Tú Cẩm cho rằng: “Cần lắm những hành động nhân văn như thế này, dẫu rằng nó không thể xóa hết nỗi đau thương chị và gia đình phải trải qua trong những ngày vừa qua, nhưng nó sẽ giúp xoa dịu một phần nào đó. Cảm ơn ông Chung đã có hành động kịp thời, đầy tính nhân văn.”
Cách tỏ thái độ đồng tình của bạn Son Ha Bui Dinh lại khác mọi người, đó là đặt câu hỏi : “Cơ cấu đặc cách như thế nhân dân hoàn toàn đồng ý và tán thành phải không bà con?”
Những đề nghị với Bộ Quốc phòng
Bạn Việt An “hoan nghênh việc làm kịp thời, rất nhân văn của Chủ tịch Tp Hà Nội. Kính đề nghị Bộ Quốc phòng quan tâm đến nơi ở cho 2 mẹ con chị Hà (vợ của Liệt sỹ Khải) nữa. Chúc chị và cháu, cùng gia đình vượt qua được nỗi đau này. Chị và cháu sẽ sống trong sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào và đồng chí.”
Cũng với mong muốn trên, bạn Lê Thu Hiền: “Ở đâu đó vẫn còn có tình người quanh ta. Mong Đại tá yên giấc khi vợ anh được sắp xếp công việc tại Hà Nội để tiện bề chăm sóc cho cháu. Hy vọng Bộ Quốc phòng sẽ cấp cho chị căn hộ nữa là ổn rồi.”
Còn bạn Nguyễn Minh Thích lại đề xuất: “ Tôi nghĩ để gắn bó tình yêu với người lính đã khuất thì đơn vị Không quân nên đề xuất với Bộ quốc phòng đặc cách tuyển dụng vợ đại tá Khải vào làm việc trong Quân đội.”
Một ý kiến rất đáng chú ý, bạn Nguyên Thảo đề xuất: “Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã làm một việc thật là ý nghĩa. Nhưng tôi nghĩ những người lính như phi công Trần Quang Khải, Chủ tịch nước cũng nên rà soát để vợ con họ không phải lận đận như thế này thì các chiến sỹ mới yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý xây dựng và bảo vệ tổ quốc.”
Thấm đẫm tình người
Trước ngày tổ chức tang lễ, trên cộng đồng mạng lan truyền một bài thơ rất xúc động của tác giả Vũ Phương Trang, sinh viên năm nhất Đại học Sư phạm Hà Nội. Bài thơ thay lời cô con gái bé bỏng của Đại tá Trần Quang Khải hỏi bố về những điều cô bé đang thắc mắc.
Dù Dân trí đã đăng tải toàn bộ bài thơ không được đặt tên, có tất cả 52 câu, 350 chữ…, tôi xin trích lại 4 câu đầu và 4 câu kết của bài trước khi tổng hợp các comen chứa chan tình người.
Bố Khải ơi...con hỏi bố chuyện này:
Sao bố cứ nằm im mãi thế?
Xong chuyến bay lần nào bố cũng kể,
Sao hôm nay bố chẳng nói câu gì?
…
Bố Khải ơi... Sao bố chẳng nói gì?
Con đã nói ngàn lời: "Con Yêu Bố!"
Bố không nghe thấy, hay giận con gì vậy?
Sao bố lặng im.... Sao bố chẳng nói gì???
Tôi, người tổng hợp các comment vẫn không thể dừng nhỏ lệ khi đọc đi, đọc lại những vần thơ này. Đó cũng là nỗi đau xé lòng của rất nhiều bạn đọc gửi về Dân trí. Bạn Hoang Dung: “Trang viết bằng cảm xúc của con tim nên từng câu từng lời như khắc vào tim người đọc vậy! Tôi đã đọc 3 bài thơ của Trang. Cảm ơn Trang, Trang đã nói hộ cảm xúc của triệu triệu trái tim Việt Nam hướng về phi công Trần Quang Khải.” Còn bạn Manly Pham: “Nước mắt em rơi cũng chẳng thấm vào đâu. Em cứ nghĩ mà thương anh, thương cháu, đôi mắt cháu tròn ngơ ngác biết gì đâu. Cầu chúc cháu khôn lớn từng ngày. Để sau này cháu tiếp bước của Anh còn dang dở.”
Chân tình bày tỏ cảm xúc, bạn Việt An viết: “ Đọc bài thơ thật cảm động, nước mắt tuôn rơi trên bàn phím. Nhìn ánh mắt con gái Đại tá Khải mà cay nồng sống mũi. Sự hy sinh của các anh để bảo vệ bình yên cho Tổ Quốc làm lòng mình chùng lại. Cầu chúc cho linh hồn anh siêu thoát. Cảm ơn Phương Trang đã nói thay lời hàng triệu con tim đất Việt.”
Bạn Nguyễn Thúy Uyên lại chia xẻ với tác giả bài thơ: “Chào Trang. Tương lai em sẽ là một cô giáo giỏi, có cả đức, lẫn tài. Cảm ơn em nhiều vì bài thơ của em đã cho hàng triệu triệu con người Việt Nam cảm nhận được nỗi đau đớn, những hy sinh, mất mát của gia đình các chiến sỹ, đặc biệt là gia đình chiến sỹ Trần Quang Khải.”
Tự nhận mình “là người đàn ông cứng rắn và mạnh mẽ”, nhưng bạn Quang Linh Tạ vẫn không khỏi “ đọc bài thơ của em, thì cổ họng cứ nghẹn lại, mình không phải là nhà phân tích thơ, nhưng bằng cảm nhận,và suy nghĩ của mình,thì bài thơ rất hay,xúc động.” Cùng với suy nghĩ này, bạn Lê Dần viết: “Bài thơ xúc động, vô cũng thương tiếc và chia buồn cùng gia quyến anh Khải. Cầu cho anh an giấc ngàn thu.” Bạn Anh Đức thì “tôi đã khóc, nước mát nhòa nơi bàn phím.”
Thậm chí, ông Nguyễn Công Dân tưởng chừng đã khô cạn nước mắt nhưng “ ngoài 70 rồi mà nước mắt vòng quanh, tiếc thương cánh én không quay trở lại !!! Càng thương con trẻ còn quá thơ ngây !!!!!!!!!!!”
Dù “rất xúc động” , nhưng trên tất cả, bạn Nguyễn Thế An đưa thêm nhận xét rất quý: “ Đúng là tình người còn mãi.”
Không chỉ là đại tá Trần Quang Khải, hiện chúng ta vẫn đều đang nóng lòng dõi hành trình của các lực lượng tìm 9 cán bộ quân đội khác đang mất tích, bạn Lê Mạc Mạc chia xẻ: “ Đọc mà thấy lòng nhói đau. CÁC ANH tung cánh chim trời,bây giờ về với đất mẹ,mong linh hồn anh sớm siêu thoát.” Cảm nhận rộng hơn, bạn Hoàng Đức Hạnh viết: “Cảm động vì sự hy sinh cao cả của CÁC ANH cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Quân đội luôn là chỗ dựa vững chắc của nhân dân.”
Đáp lại những vần thơ chan chứa tình cảm của nữ sinh sư phạm, bạn Ngô Quốc Hưởng đã viết những vần thơ bằng văn xuôi: “ Anh đã về…ở bên Mẹ, anh ơi! Mấy năm qua, đã mịt mờ nhang khói. Cha anh đã từng…một cơn đau nhói. Người Lính già, đã gần tuổi 90. Anh đã về…một ngày không tiếng cười. Tổ Quốc đang, dõi theo anh từng bước. Cuộc hành trình, bằng thời gian đếm ngược. Khi anh nằm…xuống đất quê hương Anh đã về…đồng đội nặng tình thương. Tiễn đưa anh, trên bước đường an nghỉ. Hứa với anh, chúng tôi…người chiến sĩ. Vẫn đêm ngày, giữ Biển đảo biên cương. Anh đã về…đến cuối con đường Vinh quang là…những gì anh có được. Xin ghi danh, người đã vì đất nước. Trong thời bình, cũng có những hy sinh.”
Và như một lời kêu gọi, bạn Trương Văn Giáp viết: “Hoà bình rồi mà máu của người lính vẫn rơi. Họ đã sống cống hiến cả đời cho đất nước, hỡi những người dân đất Việt hãy đoàn kết và vững niềm tin để những kẻ đang dòm ngó xâm lăng phải khiếp sợ.”
Vương Hà (tổng hợp)