Những góc nhìn khác nhau về dịch Covid - 19
(Dân trí) - Tỷ phú Bill Gates dự đoán sẽ xảy ra đại dịch và một trong những nguyên nhân quan trọng khiến một số nước “vỡ trận” là do chủ quan, ỷ lại sức mạnh kinh tế, y khoa.
Nhờ sự tỉnh táo của người “ngoài cuộc”, tỷ phú Bill Gates dự đoán sẽ xảy ra đại dịch và một trong những nguyên nhân quan trọng khiến một số nước “vỡ trận” là do chủ quan, ỷ lại sức mạnh kinh tế, y khoa.
Tỷ phú Bill Gates nói về lỗ hổng ... tư duy
Các chính khách, các nhà khoa học trên thế giới từng đưa ra đủ các loại cảnh báo, từ hậu quả của biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại đến những cuộc xung đột khu vực, thậm chí kể cả thế chiến thứ 3, thảm họa hạt nhân, nhưng hầu như không ai hình dung, dự báo được đại dịch đang diễn ra với những hậu quả khôn lường, trừ tỷ phú Bill Gates và Nhà tiên tri mù Vanga. Nếu bà Vanga có khả năng tiên tri nhờ trời bù đắp sau thảm họa thiên nhiên, thì tỷ phú Bill Gates dự đoán dựa hoàn toàn vào nhận xét đơn giản nhưng khoa học.
Phát biểu tại Hội thảo TED diễn ra năm 2015, tỷ phú Bill Gates nhận định: “Nếu cái gì tước đi sinh mạng hơn 10 triệu người trong vài thập kỷ tới, nhiều khả năng đó là virus lây nhiễm ở mức độ cao, hơn là chiến tranh. Không phải tên lửa, mà là vi khuẩn”. Giải thích rõ hơn, Bill Gates cho rằng các quốc gia đang đầu tư số tiền lớn để ngăn ngừa các thảm họa hạt nhân nhưng lại đầu tư rất ít vào hệ thống ngăn ngừa dịch bệnh. Bill Gates khẳng định: “Chúng ta chưa sẵn sàng cho đợt dịch bệnh sắp tới”.
Có lẽ đến giờ phút này dù những ca thiệt mạng trong đại dịch trên thế giới gần như tăng cấp số nhân nhưng vẫn không ai có thể hình dung con số mà tỷ phú Bill Gates đưa ra - 10 triệu người.
Rất có thể, con số mà tỷ phú Bill Gates đưa ra nhằm buộc các chính khách phải chú ý, nhưng cho thấy một điều rất rõ: Dù có báo động đỏ rất cụ thể, rõ ràng như vậy, nhưng không được một chính khách, một quốc gia nào chú ý.
Phải chăng, dù rất nổi tiếng, nhưng tỷ phú Bill Gates vẫn chỉ là ý kiến của một nhà khoa học giỏi kiếm tiền nên không được ai để tâm. Chính vì vậy, thế giới đang phải trả giá.
Chuyên gia tư vấn ... sai sai?
Nếu như ý kiến của Bill Gates bị lãng quên thì những gì đã diễn ra cho thấy nhiều ý kiến của các chuyên gia ngành y có những dấu hiệu... sai sai.
Trước hết, lý do gì khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chậm trễ công bố đại dịch? Phải chăng WHO cũng không tính được hết “sức sống”, khả năng lây truyền của Covid - 19 hay còn lý do gì khác ngoài chuyên môn?
Vì sao một loạt nước châu Âu và ngay cả Mỹ có nền kinh tế hùng mạnh, nền y học tiên tiến cũng bị “vỡ trận” chỉ trong một nốt nhạc? Nước Ý đang là tâm dịch, số ca thiệt mạng vì Covid - 19 do Cơ quan Phòng vệ dân sự nước này thông báo thì chỉ riêng một ngày 25/3 là 683 người, nâng tổng số người chết vì dịch tại đây lên 7.503 .
Về nguyên nhân, tôi cho rằng nguyên nhân chính là họ không có giải pháp cương quyết, mạnh ngay từ đầu bởi họ đã đánh giá sai tình hình dịch. Mà nguyên nhân này chắc chắn có phần của các chuyên gia y tế, bởi tiếng nói của họ góp phần quyết định chính sách y tế của mỗi nước.
Do đó, khi đã “thấm đòn”, từ đang “cười nhạo” với dịch bệnh, thậm chí có những nước đưa ra quan điểm “miễn nhiệm cộng đồng”, đến nay, một loạt nước đưa ra những giải pháp mạnh tới mức không ngờ: Từ những giải pháp được coi là “nhẹ nhàng” như Hong Kong từ 19.3 cách ly 14 ngày mọi du khách nước ngoài; Pháp yêu cầu dân không rời khỏi nhà, triển khai cảnh sát giám sát, cho đến các giải pháp cực mạnh như Canada đóng cửa toàn bộ biên giới, Malaysia phong tỏa toàn quốc, Châu Âu cấm nhập cảnh 30 ngày đối với công dân không phải của EU. Biên giới nội khối EU được dựng lên. Đài Loan đóng cửa với tất cả người nước ngoài. Đặc biệt, ông Trump không chỉ đóng cửa hầu hết các ngả đường vào Mỹ mà còn kích hoạt "luật thời chiến".
Như vậy, khi cần thiết các nước này sẵn sàng “cấm cửa” biên giới, “cấm cửa” tự do đi lại và phạt rất nặng, thậm chí ngồi tù nếu ai vi phạm những điều cấm này.
Nhưng đến hôm nay, ngày 26.3, có 188 quốc gia, vùng lãnh thổ bị nhiễm dịch với số người nhiễm lên tới 468.905 người và số người thiệt mạng nhảy vọt hơn 21.200. Điều đáng lo ngại là chưa có dấu hiệu thoái lui của dịch.
Nhưng dù chưa có dấu hiệu lên đỉnh dịch, những gì mà các nước đang triển khai quyết liệt, kể cả những giải pháp chưa từng có, chúng ta có quyền hy vọng đại dịch sẽ sớm được chế ngự.
Chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất.
Ngay ở Việt Nam, tuy số ca nhiễm tăng vọt mấy ngày gần đây nhưng hầu hết là do những bệnh nhân từ nước ngoài về. Những ngày sắp, sẽ có hàng ngàn người Việt từ nước ngoài về nên số ca nhiễm sẽ cao hơn, có thể có người tử vong vì dịch Covid - 19, nhưng chắc chắn một điều chúng ta rất ít khả năng vỡ trận. Bởi lúc này, cả thế giới cùng đồng lòng dẹp dịch với những giải pháp hữu hiệu, trong đó giải pháp cách ly được triển khai rất quyết liệt.
Ngay từ đầu, Trung Quốc đang dốc sức chống cơn cuồng phong dịch Covid - 19, Việt Nam sớm đưa ra những giải pháp bài bản phòng chống dịch. Đến nay, chúng ta vẫn rất bình tĩnh, rất nhân văn nhưng cũng rất quyết liệt, chủ động chuẩn bị các kịch bản, kể cả khả năng xấu nhất.
Về nội dung này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn. Trước mắt cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để bị động bất ngờ, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất.
Vương Hà