Góc nhìn chuyên gia:

Những đứa con của li dị

(Dân trí) - Báo chí thỉnh thoảng kể chuyện đời khổ sở của X hay Y.. - những người con lớn lên sau khi cha mẹ của họ đường ai nấy đi. Những chuyện hẳn có thật, với tình tiết có éo le.... Nhưng chuyện đời của vài ba người không phản ảnh hết sự thật.<br><a href='http://dantri.com.vn/dien-dan/tre-hoc-gi-o-truong-mam-non-942852.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Trẻ học gì ở trường mầm non</b></a>

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Cũng chưa thể dẫn tới kết luận hay từ đó đưa ra những lời khuyên cho các cặp vì trăm ngàn lý do phải chia tay vì xem ra có cái gì đó... không ổn, vì kết luận có vẻ vội vàng, vì lời khuyên có vẻ giảng đạo đức cho người li dị... và có thể vì sự chủ quan của người viết.

 

1. Bi kịch với những đứa con “của li dị”

 

Khởi thủy thì khi các cặp đôi cưới nhau, đại đa số nghĩ rằng sẽ trăm năm bền chặt, sẽ sống với nhau tới lúc răng long, tóc bạc. Hạnh phúc với nhau để lo cho các con và đó cũng là mong ước của đại gia đình.

 

Li dị trong hoàn cảnh xã hội và tâm lý như thế là ngoại lệ. Xã hội lúc nào cũng cố gắng đưa những trường hợp bất bình thường trở về bình thường. Li dị vì thế được xem như một bi kịch và từ đó một phụ nữ li dị sẽ bị người đời ... dòm ngó (Cô hay bà ấy chắc dữ như sư tử Hà đông nên mới bị chồng bỏ…) Con cái của những cặp li dị được nhìn với con mắt ái ngại thương hại (Tội nghiệp chúng thật!...)

 

Theo tôi, những phán xét như thế là chủ quan, hoàn toàn dựa trên “luật lệ” của xã hội chứ không dựa trên một kết quả khảo sát nào hết. Muốn biết có là bi kịch hay không thì phải làm một nghiên cứu hoàn chỉnh trên một số đối tượng lớn, phải so sánh một bên là con cái các cặp li dị, bên kia là những đối tượng tương đồng – giống nhau về tuổi tác, học vấn, vùng miền, thành phần giai cấp chẳng hạn nhưng cha mẹ không li dị -  để kết luận xem li dị của cha mẹ có là một bi kịch cho con cái hay không.

 

2. Bên ta, con cái thông thường sống trong một gia đình gồm cha mẹ và ông bà

 

Số con của li dị không nhiều, vì không nhiều mà thành không bình thường. Cái gì khác với đám đông có thể bị coi là “dị hợm”, thành bi kịch… chăng?

 

3. Nhiều bài báo còn dẫn những lời khuyên của các chuyên gia tâm lý như một cái gì chính thống hay như lời của kinh thánh. Chuyên gia tâm lý cũng có nhiều trường phái và nhiều người với những chuyên khoa khác nhau. Cái mác chuyên gia tâm lý không phải là một giá trị gia tăng cho các lời khuyên ... vàng ngọc. Trừ phi là nhà báo đưa tên chính xác của chuyên gia tâm lý đó cùng với công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí X, Y, Z năm nào... để người đọc có thể hiểu và kiểm soát được.

 

Giải thích thế nào về vấn đề những đứa con “của li dị”?

 

a/. Số phận của những đứa con của li dị tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Hoàn cảnh xã hội của gia đình cha mẹ trước và sau li dị, tuổi của cháu khi cha mẹ li dị, tâm lý của cháu và tâm lý của cha mẹ gia đình cháu, thái độ của xã hội nói chung về vấn đề li dị...

 

Dĩ nhiên, sự đổ vỡ của gia đình gây ảnh hưởng đến đời sống của con cái. Nhưng ảnh hưởng như thế nào còn tùy thuộc cách mà những người trong cuộc phản ứng trước sự việc đó.

 

Nếu cha hay mẹ dùng con cái như “con tin” để giành quyền lợi. Nếu cha hay mẹ đổ lên đầu con trách nhiệm của khó khăn vợ chồng thì tội cho trẻ thật! Mặt khác, một số trẻ rất cần sự yên bình của cuộc sống nên cha mẹ li dị có thể làm chúng khổ sở ...

 

b/. Ngoài ra, nếu việc li dị được giải quyết thỏa đáng thì không phải đứa con nào của li dị cũng sống trong bi kịch.

 

Thỏa đáng ở đây có nghĩa là suy nghĩ tận tường trước khi quyết định. Sau đó, khi đã quyết định thì cố gắng chia tay nhau theo những phương thức thích hợp nhất cho cả mọi bên: cha, mẹ và con cái. Những phương thức này gồm có phân công giữ con, tài trợ nuôi con, chia gia sản chung... Con cái, nhất là khi chúng trên 7 tuổi, cũng có quyền tham gia quyết định. Suy cho cùng, những phương thức này là những hành động có trách nhiệm.

 

Tình hình ở châu Âu có thể cho ta một minh họa:

 

Qua các khảo cứu ở châu Âu thì hoàn cảnh của trẻ mà cha mẹ li dị thay đổi tùy trường hợp. Tựu trung lại thì hiện thời ít nhất là 50% trẻ trong lớp học hay trong giảng đường là con của các cặp li dị. Hiện tượng thành ... bình thường.

 

Đi ngược lại thời gian, trong quá khứ “số phận” của những trẻ này ít nhiều có thay đổi tùy theo tỉ lệ li dị, tùy theo ý nghĩa hay biểu tượng mà xã hội gán cho hiện tượng li dị của các cặp đôi.

 

+ Khởi thủy, trước đệ nhị thế chiến li dị ít, dưới 10% số các cặp kết hôn. Thời đó, người ta làm đám cưới là cho trọn đời. Luân lý tôn giáo bắt buộc như thế. Đạo Thiên chúa không chấp nhận li hôn.

 

Những người li dị, bỏ chồng bỏ vợ bị xem như những “con chiên ghẻ”, không ngoan đạo, bị xã hội ruồng rẫy. Con cái của những cặp li dị bị xem như những người bất hạnh. Bất cứ biến cố nào xảy đến cho những đứa trẻ này đều được (hay bị) đổ lên đầu “cái sự li dị” của cha mẹ chúng.

 

Chúng học không nên ở trường?-  Không lạ, chúng thiếu gương đoàn kết của gia đình!

 

Chúng bị bệnh trầm cảm? - Dễ hiểu thôi, chúng bị thiếu thốn tình cảm.

 

Chúng không thiết lập được một liên hệ bền vững với người khác phái? - Tại vì biến cố li dị của cha mẹ chúng là nguyên nhân chứ còn gì nữa.
 

Thời điểm lúc đó lại là thời ...hoàng kim của trường phái phân tâm học – giải thích theo Freud về mặc cảm Oeudipe, con cái phải có đủ cha đủ mẹ, để có hai hình ảnh nam nữ, để tự rèn tâm lý và bản thể giới tính của mình.

 

Những cách giải thích này làm cho cho cha mẹ chúng có mặc cảm tội lỗi với con và phải tự họ tìm cách “cứu” con khi hôn nhân của họ đổ vỡ.

 

+ Sau đó, cũng ở châu Âu trong thập niên 1970 -1980 khi tỉ lệ li dị đến ngưỡng 30% các cặp kết hôn, thì li dị trở thành một giải pháp thỏa đáng cho hai người không còn yêu nhau hay không còn khả năng sống chung với nhau nữa.

 

Thời ấy, con cái họ được xem như được giải phóng bởi tình trạng li dị của cha mẹ chúng. Dân tình nghiêng về ý kiến cho rằng: chẳng thà chia tay nhau còn hơn là lục đục tiếp tục chung sống với nhau.

 

Khi trẻ, con cái của những cặp li dị nếu có vấn đề tương tự như những trường hợp mà ta vừa kể trên, thiên hạ không đổ tội cho li dị nữa mà đi tìm tổng thể những nguyên nhân, sau đó giải thích vấn đề và suy ra giải pháp cho những khó khăn của chúng.

 

+ Từ gần ba mươi năm nay, khi tỉ lệ li dị chiếm hơn 50% những cặp kết hôn, khi nhiều người sống chung nhau không cần kết hôn nữa, thì con cái của những cặp li dị không còn là ngoại lệ.

 

Khởi đầu, chúng sống trong một gia đình có cha có mẹ. Sau đó, cha mẹ chúng chia tay nhau rồi lập gia đình thứ nhì chẳng hạn, chúng sống cùng với những cha mẹ hay anh em “ghẻ” cũng không sao cả, không có liên hệ huyết thống thì có liên hệ nuôi dưỡng. Chúng có thể sống bán thời gian với cha và phần còn lại với mẹ dù cha mẹ không còn ở chung nhà. Hiện tượng thành bình thường.

 

Khi chúng có vấn đề, biến cố “li dị” của cha mẹ là một trong những biến cố của đời sống. Những người có trách nhiệm giúp chúng vượt khó phải thận trọng nắm giữ toàn diện các khía cạnh của cuộc sống của chúng để tìm giải pháp.

 

Nuôi một đứa con cho thành người là một “công trình” khó. Cuộc sống đầy thử thách. Hai vợ chồng chia tay nhau với đứa con chung thêm một thử thách nữa. Nhưng hiện nay, các bác sĩ và giáo sư tâm thần học ở Liège không dùng giải thích của Freud như giải thích duy nhất - mất hình ảnh người cha thì không thể tự định nghĩa mình - để áp dụng cho các khó khăn mà con cái các cặp li dị có thể gặp phải nữa.

 

Trở về xã hội ta, kết luận nào đây?

 

Ngày xưa, không có khoa học, không có thống kê, cho dân tình những lời khuyên hợp với luân thường đạo lý là một điều tốt. Nhưng thời thế bây giờ khác...Chuyện li dị cũng như chuyện các bà mẹ đơn thân ngày càng thường gặp hơn trong xã hội Việt Nam. Thế nên khó mà kết luận một cách “vơ đũa cả nắm” và bảo rằng những đứa con của li dị sẽ sống bi kịch!
 

Nguyễn Huỳnh Mai

(từ Liège, Bỉ)