Nhức nhối câu hỏi trách nhiệm

Những vụ tai nạn thảm khốc ở nước ngoài cũng vậy nhưng khác một điều: Quan chức liên quan biết cúi đầu nhận lỗi, rồi từ chức và không vung tay “tăng cường, tích cực, đẩy mạnh, nâng cao”.

Liên tiếp gần đây, có những chuyến xe tử thần cướp đi nhiều mạng sống. Những bản tin loang vết máu. Chuyến xe định mệnh đầy ám ảnh bị nạn tại Kon Tum vào một sáng cuối tuần mới đây, chở gần 10 đứa trẻ, có 2 cháu hóa thiên thần. Sau mỗi vụ tai nạn, câu hỏi trách nhiệm lại được đặt ra, nhưng câu trả lời vẫn mơ hồ. Có ai biết cúi đầu trước mỗi sinh mạng người.

Nhức nhối câu hỏi trách nhiệm - 1
Hiện trường vụ tai nạn xe khách thảm khốc khiến 5 người tử vong, trong đó có 2 cháu nhỏ

Trong hệ thống chính trị tỉnh, nếu xét về chức năng, nhiệm vụ, Ban An toàn giao thông (ATGT) được cơ cấu đủ thành phần quan trọng: Chủ tịch tỉnh là Trưởng ban ATGT; phó chuyên trách thường là một Phó Chủ tịch tỉnh; giám đốc Sở GTVT, phó giám đốc công an tỉnh… Tương tự như vậy, ở cấp huyện, xã đều có chung cơ cấu. Quy định rất rõ: Người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm về ATGT trên địa bàn quản lý.

Hãy điểm qua những vụ tai nạn thảm khốc gần đây để thấy nhiều nơi chưa chú trọng tới việc này. Ở Đắk Nông, năm ngoái, Chủ tịch tỉnh ban hành hẳn một chỉ thị nhận thức rõ về tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT, buôn bán ven đường. Oái ăm thay, chưa đầy năm sau (13/6 vừa rồi), một chiếc xe tải hỏng phanh lao vào khu chợ bán tràn ven đường, khiến 6 người chết tại huyện Đắk Mil.

Vụ tại Kon Tum, xe khách chạy sai lộ trình đã đành, đoạn cua cũng không có tường hộ lan hoặc tấm phản quang. Vụ tại Bình Thuận (8 người chết), đoạn xẩy ra tai nạn đã thành dớp và quan chức tỉnh phát biểu cũng nhận định khá rõ: Đường hẹp, không giải phân cách cứng ở giữa, thiếu đèn đường…

Hóa ra, các quan chức đứng đầu đều biết rõ thực trạng và nguyên nhân. Vấn đề là các vị này không hành động hoặc chưa hiệu quả. Phải chăng chưa có trưởng ban ATGT nào bị xử lý nghiêm nên các vị ấy lơ là?

Cũng cần phải nói thêm, các vụ tai nạn gần đây, chủ yếu xẩy ra lúc gần sáng-thời điểm con người ngủ sâu nhất. Luật quy định, tài xế không được lái liên tục 4 tiếng và không quá 10 tiếng 1 ngày. Vậy ai giám sát ông tài xế chạy ẩu ngủ gật trên tính mạng người? Lâu nay, thiết bị giám sát hành trình được ví như những “hộp đen” có thể làm việc này. Thế nhưng, dường như nó đã chết yểu hoặc không phát huy tác dụng như mong muốn (được truyền thông, từ xa có thể phát hiện, thậm chí dừng xe để xử phạt…) như một cách đồng lõa với lòng tham của các chủ xe muốn tận dụng nhân công.

Chưa kể, trên dọc hành trình, cảnh sát giao thông tỉnh nào cũng có vài trạm.

Như vậy, nếu sự thờ ơ vô trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cộng với lòng tham của các chủ doanh nghiệp, sẽ bằng tai nạn thảm khốc. Một công thức không mới.

Những vụ tai nạn thảm khốc ở nước ngoài cũng loang máu các bản tin, nhưng khác một điều: Quan chức liên quan biết cúi đầu nhận lỗi, rồi từ chức và không vung tay, khoát gió “tăng cường, tích cực, đẩy mạnh, nâng cao”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm