Nhóm lợi ích

Sau các phiên chất vấn của Quốc hội từ 13 -15/6, nhiều vấn đề của đất nước đã được làm rõ, nhiều vấn đề thì chỉ mới được làm rõ ở mức vừa phải. Trong loại các vấn đề chỉ mới được làm rõ ở mức vừa phải, có vấn đề về nhóm lợi ích.

Có hay không các nhóm lợi ích ở nước ta? Có hay không việc các nhóm lợi ích đang tác động lên chính sách, pháp luật liên quan đến các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, xăng dầu, thuốc tân dược, khoáng sản…? Mức độ thao túng của các nhóm lợi ích hiện nay như thế nào? Đã có những méo mó gì về chính sách và pháp luật do sự thao túng này gây ra? Bao nhiêu câu hỏi, được nói ra hoặc không được nói ra, nhưng rõ ràng là đang làm các vị dân biểu băn khoăn, trăn trở. Và không biết câu trả lời phủ định của các vị bộ trưởng về sự tồn tại của nhóm lợi ích trong lĩnh vực này, lĩnh vực kia làm yên lòng các vị dân biểu được đến đâu?
 

“Chưa thấy, chưa có cơ sở để khẳng định về nhóm lợi ích” là một cách trả lời khôn ngoan và tinh tế! Cho dù sau này mọi chuyện như thế nào thì ở thời điểm trả lời chất vấn, các vị bộ trưởng đã không nói dối Quốc hội. Tất nhiên, chúng ta hiểu “chưa thấy” khác với “không thấy”; “chưa có cơ sở” khác với “không có cơ sở”.

 

Thực ra, nhóm lợi ích là một tập thể những cá nhân và tổ chức có cùng lợi ích. Tập thể những cá nhân và tổ chức này phối hợp với nhau tác động lên các cơ quan nhà nước để có được các cơ chế, chính sách và pháp luật có lợi cho mình. Đó có thể là vị thế độc quyền, là các quyền tiếp cận tín dụng, tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, tiếp cận các hợp đồng nhà nước v.v... Các nhóm như vậy tồn tại mọi lúc, mọi nơi và ở mọi quốc gia trên thế giới.

 

Vấn đề chỉ là khả năng tác động lên chính sách, pháp luật của chúng như thế nào mà thôi. Ở một số nước, chúng thao túng tất cả. Ở một số nước khác, chúng chỉ tác động được ở mức rất vừa phải hoặc chỉ đến mức các chính sách, pháp luật được ban hành là công bằng đối với chúng. Thông thường, ở các nước quyền lực công bị giám sát chặt chẽ, thì khả năng thao túng của các nhóm lợi ích là không lớn. Nhiều nước thậm chí còn cho phép công khai hoạt động hành lang (lobby) của các nhóm lợi ích; nhưng hoạt động hành lang này bị pháp luật điều chỉnh rất chặt chẽ.

 

Ở nước ta, muốn hay không muốn, đang tồn tại nhiều nhóm  người gắn bó với nhau về lợi ích hoặc cần phải hợp tác với nhau thì mới thúc đẩy được lợi ích. Chúng ta muốn gọi những nhóm người này là nhóm lợi ích hay không thì tùy. Tuy nhiên, nhất thiết chúng ta phải ngăn cản họ lợi dụng tiền bạc, thế lực và mối quan hệ để “ăn trên ngồi trốc”.   

 

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm