Nhờ nâng điểm hay nhờ xem điểm: Bộ Công an cần vào cuộc điều tra

Gian lận điểm thi ở Sơn La trở nên phức tạp khi 8 bị can khai được nhờ 'nâng điểm thi', còn người liên quan lại nói chỉ 'nhờ xem điểm thi' hoặc phủ nhận dính líu. Về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu giai đoạn 2 của vụ án phức tạp, vượt quá tầm của địa phương, Bộ Công an cần vào cuộc điều tra.

Nhờ nâng điểm hay nhờ xem điểm: Bộ Công an cần vào cuộc điều tra - 1

Gian lận điểm thi ở Sơn La trở nên phức tạp khi 8 bị can khai được nhờ 'nâng điểm thi', còn người liên quan lại nói chỉ 'nhờ xem điểm thi' hoặc phủ nhận dính líu. Về vấn đề này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu giai đoạn 2 của vụ án phức tạp, vượt quá tầm của địa phương, Bộ Công an cần vào cuộc điều tra.

Tại sao có sự khác nhau về cơ quan chủ trì điều tra?

Liên quan đến vụ gian lận điểm thi xảy ra ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình vào năm 2018, đến nay, Sơn La là địa phương đầu tiên có kết luận điều tra và đề nghị truy tố các đối tượng liên quan. Hai địa phương còn lại là Hà Giang và Hòa Bình, tiến độ điều tra đến đâu, các phụ huynh liên quan bị xử lý thế nào, vẫn đang bỏ ngỏ..

Đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, việc điều tra gian lận thi cử ở ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có sự khác nhau về cơ quan chủ trì điều tra, nơi Bộ Công an chủ trì, nơi khác lại cơ quan an ninh của tỉnh. Điều này khiến dư luận băn khoăn.

“Dư luận băn khoăn vì sao có sự khác nhau này. Sự khác nhau về nơi chủ trì điều tra như vậy liệu có đảm bảo được tính công bằng giữa các địa phương không? Có đảm bảo xử lý khách quan đúng người, đúng tội hay không?” - đại biểu Phan Viết Lượng đặt câu hỏi.

Cũng băn khoăn về việc giao cho địa phương điều tra vụ gian lận thi cử có đảm bảo khách quan hay không? Bên hành lang Quốc hội ngày 3.6, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) dẫn chứng kết quả điều tra của Công an tỉnh Sơn La: 8 bị can khẳng định được nhờ 'nâng điểm thi', còn những người liên quan thì phủ nhận. Ngay cả số tiền tỉ đồng chi ra để nâng điểm giờ cũng không ai nhận là của mình.

 
Nhờ nâng điểm hay nhờ xem điểm: Bộ Công an cần vào cuộc điều tra - 2
 Đại biểu Phạm Văn Hòa trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh C.N.T

“Cử tri đang hoài nghi về vấn đề này. Rõ ràng không ai tự nhiên đi nâng điểm... Nếu địa phương không làm cho ra lẽ, Bộ Công an cần vào cuộc. Tôi rất tin tưởng cơ quan chức năng tại địa phương, nhưng trong vụ việc này, nếu diễn biến giữa người nhận và người đưa hối lộ không điều tra ra được, thì Bộ Công an phải vào cuộc. Tôi tin chắc rằng sự việc sẽ được làm sáng tỏ", đại biểu Hòa cho biết.

Đại biểu Hòa một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết vào cuộc của Bộ Công an với cả ba địa phương xảy ra vụ gian lận, để vụ việc sớm được công khai. Bởi theo ông, gian lận thi cử là hành vi tham nhũng trong thi cử, làm mất cơ hội cho những em học thật thi thật.

“Không ai gắp điểm bỏ vào tay con mình”

"Trong các cuộc họp, tôi luôn nói: Chúng tôi đang cứu vớt các đồng chí, các đồng chí hãy tự giác, hãy tự nhận đi. Sau này sẽ là tình tiết giảm nhẹ cho các đồng chí" - Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La  Nguyễn Đắc Quỳnh nói.

Về sự hoài nghi của dư luận khi để địa phương điều tra vụ gian lận thi cử có đảm bảo khách quan, ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La khẳng định: Tinh thần của Tỉnh ủy là xử lý không có vùng cấm, không có vùng trống. “Không có bất kỳ điều gì ở đây, chỉ có sự thật thôi!”, ông Quỳnh nói.

Thông tin về những điểm còn mâu thuẫn trong lời khai của các đối tượng liên quan, khi người nói chỉ “nhờ xem điểm”, người khai là “nhờ nâng điểm”, ông Quỳnh cho biết đây mới là khai bước đầu của các đối tượng. Hiện cơ quan điều tra của Sơn La vẫn đang điều tra giai đoạn 2 của vụ án, đấu tranh để làm rõ có hay không hành vi đưa-nhận hối lộ.

Nhờ nâng điểm hay nhờ xem điểm: Bộ Công an cần vào cuộc điều tra - 3
Ông Nguyễn Đắc Quỳnh khẳng định Sơn La đang rất quyết tâm xử lý đến cùng vụ gian lận thi cử . Ảnh C.N.T

“Việc họ khai ở cơ quan điều tra thế nào là quyền của họ. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là dứt khoát phải tìm ra chứng cứ. Chúng tôi cũng đang làm việc với các chi bộ có cán bộ, đảng viên có con em được nâng điểm và kêu gọi cán bộ, đảng viên tự giác nhận lỗi nếu có”, ông Nguyễn Đắc Quỳnh kiên quyết.

Theo Đ.CHUNG-C.NGUYÊN-T.TRUNG

Báo Lao động