Nhớ lại một thời hào hùng bảo vệ non sông

(Dân trí) - Chỉ trong vòng hơn 2 ngày, đã có 170 comment (thư điện tử) gửi về tòa soạn và gần 70.000 lượt bạn đọc truy cập vào bài Thị xã ra quân cho thấy đây là một trong những sự kiện đối với một bài thơ. Nó đã chứng minh cho tình yêu Tổ quốc…

Sống lại một thời hào hùng

 

Sống lại một thời hào hùng

 

Tác phẩm mang âm hưởng của những ngày cả nước lên đường ra mặt trận bảo vệ biên cương Tổ quốc của tác giả Nguyễn Thị Mai như một bản tráng ca hùng tráng về một thời oanh liệt của dân tộc.

 

Đã 34 năm trôi qua, bài thơ vẫn gây sự xúc động trong lòng bạn đọc bởi nó đã làm sống dậy thời “Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa - Đang gọi tiếp những bản hùng ca” như lời bài hát rất phổ biến thời điểm đó. Khi ấy, ở một thị xã miền Tây Bắc Tổ quốc, những người con từ biệt quê hương: “Không giống ông bà mình tiễn nhau xưa kia – “Chỉ lặng im, bịn rịn… - Không giống mẹ tiễn cha thuở nào đi trận - Bâng khuâng, thèn lẹn, dặn dò… - Thị xã mình sáng nay tiễn đưa - Cái háo hức nhân lên, niềm vui chia để lại - Con trai con gái - Nghe họ cười, không đoán nổi ai đi…”

 

Xúc động trước những vần thơ trên, bạn đọc Phùng Xuân Luyến viết: “Là bài thơ nhưng không hẳn chỉ là một bài thơ, bên trong những vần thơ ẩn chứa một tinh thần, một bầu nhiệt huyết, sự hồn nhiên và vô tư cùng đó là lòng quyết tâm cháy hết mình của tuổi đôi mươi”.

 

Bạn Ngô Văn Minh tâm sự: “Đọc bài thơ này tôi lại hồi ức về khí thế hừng hực xung trận bảo vệ biên cương Tổ quốc lúc bấy giờ”.

 

Bạn Thu Quỳnh thì viết: “Không chỉ làm sống dậy thời khắc hào hùng của dân tộc, bài thơ còn đánh thức ký ức của những người lính đã từng trực tiếp lên biên giới đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ quê hương. Đó là những lá đơn được viết bằng máu”.

 

Tiếng nói từ những người trong cuộc

 

Thế nhưng xúc động nhất phải kể đến những người trong cuộc. Họ là những người lính trực tiếp cầm súng bảo vệ quê hương hoặc là những người dân nơi biên giới khi quân xâm lược tràn qua biên giới, họ đã anh dũng cầm vũ khí bảo vệ quê hương.

 

Bạn Lê Văn Trung tâm sự: “Là một người lính trực tiếp tham gia năm 1979 trên biên giới Lai Châu và 1984 trên biên giới Hà Giang, tôi thấy bài thơ cần được phổ biến rộng cho thế hệ trẻ được biết để không quên đi những liệt sĩ đã vì đất nước này mà ngã xuống nơi biên giới”.

 

Bạn Đinh Nho Huân bồi hồi nhớ lại: “Tôi cũng là một trong số những người đã gửi máu vào đơn trong đợt tháng 3/79. Đó là những năm tháng hào hùng không thể nào quên”.

Bạn Phạm Minh Xuân kể: “Tôi là người đang trực tiếp cầm súng bảo vệ biên cương. Đọc bài thơ, tôi thấy mình được tiếp thêm rất nhiều sức mạnh, sức mạnh của quê hương, sức mạnh của người thân, của đất nước... Nhưng có lẽ sức mạnh đáng tự hào nhất là sức mạnh của lòng tự tôn dân tộc, sức mạnh của đại đoàn kết, của truyền thống anh hùng bảo vệ Tổ Quốc tự bao đời nay ông cha ta để lại. Bài thơ là tiếng nói, là cảm xúc trào dâng của tác giả…”.

 

Bạn Đoàn Anh Thái hồi tưởng: “2 năm sau khi bài thơ ra đời, tôi vào quân ngũ, có mặt ở biên giới Lạng Sơn, sự tàn phá của cuộc chiến lúc đó vẫn còn, đến bây giờ nghĩ lại vẫn căm giận kẻ gây ra cuộc chiến. Đọc bài thơ càng thấy bùi ngùi nhớ về những người đồng đội cùng chiến hào trong những năm tháng đó, cám ơn tác giả, cám ơn người sưu tầm bài thơ, cám ơn Dantri.com.vn!!!”.

 

Bạn Nguyễn Hữu Đông viết: “Đọc bài thơ tôi như sống lại ký ức hào hùng, như thấy được một phần bóng hình của mình và các bạn cùng trang lứa trong đoàn quân lên biên giới... Bất cứ thế lực xâm lược nào đều thất bại khi chúng tiến đánh đất Việt ta”.

 

Bạn Trần Ngọc cho biết: “Tôi có 10 năm ở biên giới phía Bắc, từ tháng 01/1979. Đến bây giờ, hầu như ngày nào tôi cũng nhớ đến những ngày chiến đấu chống quân xâm lược. Nhớ da diết những cánh rừng, những dòng suối, những con dốc và những chiều mù sương. Nhớ đồng đội người còn, người mất. Năm nào tôi cũng dành một, hai chuyến đi về với Lào Cai, Hà Giang cho vơi nỗi nhớ. Vậy mà sau mỗi chuyến đi nỗi nhớ lại như càng đầy thêm….”.

 

Bạn Khắc Hoàn: “Tôi nhập ngũ 1978, từ sinh viên lên Lai Châu vùng biên cương và chiến đấu. Thị xã Phúc Yên tiễn chung tôi hừng hực, bình thản và chút lặng yên. Bài thơ hay đã gợi nhớ đến kỉ niệm lịch sử”.

 

Bạn Quách Đức Nghĩa giản dị: “Thật tự hào vì tôi cũng ở trong đoàn tân binh ấy!”.

 

Đọc những tâm sự của các bạn, chúng tôi không khỏi xúc động. Xin cám ơn các bạn!

Cám ơn Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã cho chúng ta được sống lại thời khắc huy hoàng nay. Thời khắc cả dân tộc là một khối thống nhất cùng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, quê hương.

 

Vẫn vẳng đâu đây hồn núi sông đang cùng chúng ta hành quân ra mặt trận nếu như Tổ quốc bị xâm lăng!

 

Bùi Hoàng Tám

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm