Bạn đọc viết:

Nhịp cầu nối Thầy tôi – Trò tôi

(Dân trí) - Đã lâu lắm rồi tôi quên đi cái cảm giác hồi hộp khi được về thăm thầy cô giáo, bởi lẽ tôi cũng chính là một người đang đứng trên bục giảng. Chính từ vị trí mà các thầy cô của mình ngày trước, tôi hiểu thêm được khá nhiều điều…

(ảnh minh họa, theo: Baomoi)
(ảnh minh họa, theo: Baomoi) 
 

Vượt qua giới hạn ban đầu là một ngày lễ kỉ niệm của một ngành, 20/11 giờ đây dường như đã trở thành một “ngày Tết” hiếm hoi còn tạo được không khí trang trọng và đậm đà trong cuộc sống gấp gáp hôm nay. Đây là ngày để trò về thăm lại thầy, ngày để thầy nhận ra trò cũ, để thầy trò cùng ôn lại bao kỉ niệm. Riêng với tôi, hai điều ấy cùng ùa vào trái tim trong một ngày cuối thu đưa học trò về thủ đô ghé qua thăm trường cũ.

Có lẽ từ chính từ vị trí của các thầy cô giáo dạy mình ngày trước, tôi mới hiểu thêm được khá nhiều điều, trong đó có một chuyện hơi… lạ. Đó là nhiều thầy cô vì bộn bề công việc mà thường khi lại quên rằng ngày tri ân mình đã đến thật gần. Người thầy bất ngờ khi ra đường thấy những hàng hoa tràn xuống phố, bất ngờ trước tiếng chuông cửa với những người khách lạ lẫm mà phải mất hồi lâu mới nhận ra một thời là những học trò bé bỏng của mình.

 

Ở phía ngược lại, chúng tôi ngày đó dù không nhỏ dại nhưng vẫn thấy hồi hộp khi về thăm lại trường cũ, về giây phút gặp lại thầy cô với bao ngỡ ngàng như ngày đầu tới lớp.

 

Nhưng hôm nay là một cảm giác thật lạ, một cảm giác mà không phải người học trò nào có may mắn được đứng trong đội ngũ nhà giáo cũng có thể cảm nhận được - đó là khi ta đưa học trò về thăm trường cũ.

 

Từ ngày rời Hà Nội sầm uất theo con đường nhỏ men sườn núi lên với xứ sở Tây Bắc mờ sương, giấc mơ phố xá đã dần phai nhạt trong tôi. Nghe những thổ âm chất phác, nhìn nước da sạm nắng của những cô cậu sinh viên ngày đầu đến trường, tôi hiểu mình sẽ phải hi sinh và chấp nhận nhiều hơn ngày còn ở dưới xuôi. Từng bài giảng, từng câu nói đều mang theo ước vọng muốn thổi hồn của những tượng đài nghệ thuật, những nền văn minh đến với các em để khỏa lấp những thiệt thòi mà đèo dốc, vực sâu, sương giá tạo ra với người dân miền ngược.

 

Nhưng rồi một ngày thật đặc biệt đã đến. Theo chân tôi về thủ đô sầm uất, các em sinh viên miền núi không khỏi ngỡ ngàng trước phố xá tấp nập, nhịp sống nhanh gấp của người thành phố. Những bảo tàng, đình, chùa nổi tiếng mới được biết qua sách vở, giờ hiện lên trước mắt các em như trong một thế giới mới mẻ và đầy lạ lẫm.

 

Nhưng ở một góc khác, riêng với tôi, trở về mảnh đất mình đã gửi gắm những tháng năm tuổi trẻ, những dấu chân thời sinh viên khó nhọc... là một khoảng lặng đầy xúc cảm. Khoảng lặng ấy chợt lắng nhất khi đưa các em qua cổng trường đại học. Mới và cũ, hôm qua và hôm nay, đứng bên các em, nhìn vào cổng trường xưa tôi như thấy một hiện thân khác của mình trong đó. Muốn nói thật to với các em đằng sau cánh cổng kia rằng: Những tháng năm tuổi xanh của thầy đã gửi lại. Và cũng muốn, nói với thầy cô xưa rằng: Giờ em đã lớn, em đưa học trò của em về lại mái trường xưa đây, thưa thầy cô.

 

Nhưng… sân trường vắng lặng trong ngày nghỉ lễ… chỉ có lá vàng vương các lối đi…con tim tôi như thắt lại. Phải chăng chỉ những ai đã từng trải qua những phút giây ấy mới cảm nhận được xúc động rất riêng của những người làm nghề giáo. Tôi đang là người trung gian giữa hai thế hệ thầy tôi và trò tôi, là chiếc cầu nối bé nhỏ để phấn trắng bảng đen còn mãi với mai sau.

 

Sau kỉ  niệm ấy, mỗi lần đến dịp 20/11, tôi lại kể câu chuyện này với những học trò đến thăm mình mà không cần thêm một lời bình luận nào nữa…

 

Bùi Việt Phương (Hòa Bình)

buivietphuongvhvn@gmail.com