Bạn đọc viết

Nhân vụ chạy tuổi, nghĩ về chuyện xưa và nay

Ngẫm cuộc hành trình “trẻ hóa” đối với ông sao mà khó đến thế, khổ đến thế? Thôi thì cứ thuận thiên hành đạo, ông ạ. Cái gì thuận với quy luật của đời người, với quy trình đã được đặt ra thì làm, còn không thì cố lách làm gì cho nhọc mình lại mang tiếng với thiên hạ..

 

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Không phải chuyện trẻ hóa cán bộ như Quảng Nam vừa làm thiên hạ bàn tán râm ran đối với ông giám đốc một sở của tỉnh, trẻ vì đang ở tuổi 30, thăng tiến vù vù qua nhiều chức vụ, điều đó thiên hạ đều biết, duy chỉ có tài năng của ông thì chưa được kiểm chứng mà thôi.

Còn đây lại là chuyện ông đương kim Phó chánh Thanh tra một tỉnh nơi vựa lúa của đất nước. Năm nay ông đã chẵn lục tuần và theo luật nhà nước thì ông phải về vui thú ruộng vườn cùng với vợ con bởi vì tất tần tật, hồ sơ của ông từ lí lịch đảng viên cho đến lý lịch cán bộ, công chức đều thể hiện năm sinh 1955, không có một sự sai lệch nào.

Thế mà, đùng một cái, vào năm 2013, nghĩa là còn 2 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, ông bỗng nhiên làm đơn xin trên cho trẻ lại 3 tuổi. Người giúp ông hiện thực hóa giấc mơ này là UBND xã K. Họ đã vận hết “công năng” để trao cho ông cái “bửu bối” là tờ giấy khai sinh đăng kí lại, giúp ông “đẩy” lùi thời gian để mãi đến năm 1958 ông mới chịu chào đời!

Có lẽ suốt mấy chục năm lăn lộn, mải mê cống hiến sức lực và trí tuệ cho ngành, cho dân, cho nước, ông không mảy may nghĩ đến chuyện tuổi tác. Thế rồi, một chiều cuối thu, có thể nơi phòng trà vắng lặng ngồi ngẫm chuyện đời, ông bỗng giật mình, cái giật mình ngoảnh lại của người đã bước sang triền dốc bên kia của cuộc đời mà bấy lâu mải miết trên đường quan lộ nên không hề hay biết là mình đã già mất rồi.

Về hưu! Mới nghĩ đến điều đó ông Phó chánh đã thấy sợ. Dưng mà, hai năm nó nhanh lắm, thời gian dạo này phải gió hay sao mà cứ chạy vù vù

Thế là ông về quê, tít tận ngoài Bắc, cách sở tại cả ngàn cây số, bởi chỉ có chính quyền nơi chôn nhau cắt rốn mới đủ tư cách pháp nhân cấp cho ông cái giấy khai sanh mới.

Vậy là ông được thêm ba năm nữa, cộng với hai năm theo hồ sơ cũ vị chi là năm năm – Phải chăng vì ông nhẩm tính. Năm năm đủ cho một nhiệm kì.

Nhưng rủi thay! Có lẽ thần may mắn không chịu mỉm cười với ông hay là cái năm 2013 đệ đơn khiếu nại, ông bị sao La Hầu chiếu mạng? Cơ quan có thẩm quyền đã bác bỏ lí do điều chỉnh ngày tháng năm sinh trong hồ sơ công chức của ông. Những tưởng sau quyết định ấy của cấp trên, ông sẽ chuẩn bị tinh thần cho cuộc hạ cánh, vui vẻ như anh dân quê vừa cày xong thửa ruộng, ngả mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành. Nhưng không, ông lại tiếp tục khiếu nại. Dù gì thì ông cũng là Phó chánh thanh tra tỉnh cơ mà! Có lẽ bệnh nghề nghiệp nó đã ám ông.

Rõ là tội nghiệp! Làm quan thanh tra đến chức Phó chánh cấp tỉnh như ông mà còn phải lọ mọ thân già đi khiếu kiện. Chẳng hay trong lúc gặp cơn bĩ cực thế này, ông có chút nào chạnh lòng xót thương cho những phó thường dân bị cuốn vào vòng xoáy kiện cáo đã từng đi qua những năm tháng làm quan thanh tra oanh liệt của mình?

Bất giác lại nhớ tới quẻ THIÊN SƠN ĐỘN trong Kinh Dịch, cụ Phan Bội Châu có giảng: Độn là trốn lánh đi. Hễ ở lâu thì phải rút lui, hết ngày thì tới đêm, hết đông thì tới xuân, ngồi lâu phải đứng dậy, già rồi phải về hưu. Quẻ này cũng lại dạy: Trốn phải hợp thời, trốn sau cùng là trễ, thì nguy. Trốn mà còn vương vấn tư tình thì xấu. Trốn một cách trung chính thì tốt. Trốn mà không bịn rịn thì được ung dung ...

Từ đó mà ngẫm cuộc hành trình “trẻ hóa” đối với ông sao mà khó đến thế, khổ đến thế? Thôi thì cứ thuận thiên hành đạo, ông ạ. Cái gì thuận với quy luật của đời người, với quy trình đã được đặt ra thì làm, còn không thì cố lách làm gì cho nhọc mình lại mang tiếng với thiên hạ..

Than ôi!

Nguyễn Duy Xuân