Nhân lên nét đẹp “Tết trồng cây”

Dân tộc ta có một cái tết thật đặc biệt đó là “Tết trồng cây”- một cái tết đầy ý nghĩa do Bác Hồ phát động vào mùa xuân năm 1960 “làm cho đất nước càng ngày càng xuân” được nhân dân cả nước đồng lòng hưởng ứng


Gia đình bà Nguyễn Thị Độ - Thôn Trại Phúc Mãn - Xuân Hương - Lạng Giang (Bắc Giang) tổ chức trồng cây ngày 5 Tết tại ven đường của thôn. Đây là việc làm thường xuyên hàng năm mỗi dịp xuân về, tạo cảnh quan môi trường cho làng quê. (Ảnh: Minh Tư)

Gia đình bà Nguyễn Thị Độ - Thôn Trại Phúc Mãn - Xuân Hương - Lạng Giang (Bắc Giang) tổ chức trồng cây ngày 5 Tết tại ven đường của thôn. Đây là việc làm thường xuyên hàng năm mỗi dịp xuân về, tạo cảnh quan môi trường cho làng quê. (Ảnh: Minh Tư)

Kể từ đó cứ mỗi độ tết đến xuân về, các ngành, các địa phương, đơn vị, cơ quan, đoàn thể và nhân dân cả nước lại tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây, đưa phong trào “Tết trồng cây” ngày càng phát triển, không chỉ tạo nên một nét đẹp truyền thống của dân tộc trong những ngày đầu xuân, mà còn mang lại hiệu quả thiết thực.

Trung bình hằng năm cả nước trồng được khoảng 200.000 ha rừng tập trung và gần 5 triệu cây phân tán. Nhờ vậy độ che phủ rừng không ngừng tăng, góp phần cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Việc trồng cây, gây rừng còn thúc đẩy ngành kinh tế lâm nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước xóa đói, giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, trong mấy năm gần đây, việc tổ chức “Tết trồng cây” ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị đã có xu hướng mang tính phô trương, hình thức. Các buổi lễ phát động được tổ chức hoành tráng “trống giong cờ mở” với rất nhiều người tham gia, nhưng số lượng cây trồng lại ít. Việc lựa chọn cây trồng chưa phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và dân cư từng vùng, nhiều cây không sống nổi. Có địa phương đã phải chặt bỏ vì “không nằm trong quy hoạch”. Cá biệt có cơ quan, đơn vị diện tích đất hẹp nhưng vẫn cố gắng duy trì “Tết trồng cây” bằng cách chuyển cây từ chỗ này sang chỗ khác trong khuôn viên...

Mặt khác, việc trồng cây chưa gắn với việc chăm sóc, bảo vệ cây nên ở một số nơi tỷ lệ cây trồng sống đạt thấp. Đặc biệt là việc thực hiện trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng khác mấy năm gần đây đều không đạt kế hoạch. Tình trạng phá rừng, cháy rừng còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương.

Do đó để tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hiệu quả thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, trước hết mong các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của “Tết trồng cây” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bác Hồ “trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng nhiều mà không bảo vệ và chăm nom cây”. Đặc biệt cần thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 10278/CT-BNN-TCLN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Đinh Dậu năm 2017. Theo đó cần xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2017 bám sát vào Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016; xác định cụ thể địa điểm trồng cây, trồng rừng, trong đó ưu tiên, bố trí trồng ở những khu vực nơi đất trống trong các cơ quan, khu công nghiệp, đơn vị, trường học, bệnh viện, quanh nhà, quanh vườn,…

Bên cạnh đó nâng cao quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom, tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để cây trồng có tỷ lệ sống cao. Tổ chức tốt việc chăm sóc, quản lý bảo vệ cây trồng, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hanh, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để đảm bảo cây trồng, rừng trồng phát triển tốt, gắn với những giải pháp mạnh ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc tình trạng phá hoại rừng, chặt rừng đầu nguồn, phá hoại môi trường sống… như vậy “Tết trồng cây” mới thật sự có ý nghĩa và nhân lên những giá trị truyền thống.

Minh Tư