Lý giải về nguyên nhân dẫn tới vụ cưỡng chế đầm tôm ở Tiên Lãng, HP:

Nhầm lẫn hay… nước cờ “thí tốt”?

(Dân trí) - Lời giải thích của Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng Ngô Văn Phích về sự “nhầm lẫn” của một thẩm phán liên quan tới vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn (xã Quang Vinh, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) càng gây thêm nghi ngờ và bất bình từ phía người dân.

Nhầm lẫn hay… nước cờ “thí tốt”? - 1
Vụ cưỡng chế đầm tôm thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân (ảnh: Quốc Đô)

 

Lý giải… không có lý

 

Hậu quả rất đáng tiếc xảy ra trong vụ cưỡng chế đầm tôm của gia đình ông Vươn vốn đã dẫn tới những luồng khác nhau từ dư luận người dân địa phương và trên cả nước. Trong các ý kiến phản hồi thông tin được bạn đọc gửi tới Dân trí ngay sau đó, đã có không ít người nêu quan điểm: Cần xem xét kỹ lưỡng hơn vụ này xem có phải là “con giun xéo lắm cũng quằn” không, bởi ông Vươn vốn là người có thân nhân tốt, đã cùng gia đình đổ bao công sức cùng toàn bộ của cải vào khai phá mảnh đất này…

 

Sau khi có thêm nhiều tình tiết liên quan được tiết lộ, dư luận càng đặt ra nhiều câu hỏi hơn về những “uẩn khúc” trong vụ cưỡng chế này. Và có thể nói giọt nước lại một lần nữa tràn ly, khi giải thích về việc TAND TP Hải Phòng có “uẩn khúc” trong việc ra quyết định đình chỉ việc xét xử vụ án hành chính nói trên trong cuộc họp báo chiều 12/1 tại trụ sở UBND TP Hải Phòng, ông Ngô Văn Phích - Phó Chánh án TAND TP cho hay: Thẩm phán Ngô Văn Anh - người thừa quyền Chánh án đã nhầm lẫn giữa trả lời khiếu nại của ông Vũ Văn Luân (một chủ đầm tôm xã Quang Vinh cũng thuê đất nuôi trồng thủy sản) thành trả lời khiếu nại dành cho ông Vươn.

 

Trước hết, hãy xem bạn đọc có email ngaymainhe_ok11@yahoo.com nói về vùng đất vừa bị cưỡng chế thu hồi đó: “Đất này sẽ về tay ai? Tôi đã qua vùng này từ những năm 1990-1991, khi ấy vùng này đã có gì đâu. Một vùng đất hoang. Bây giờ sau bao nhiêu công sức và tiền của, thậm chí cả tính mạng người ta bỏ ra, chỉ cần nói thu hồi là xong?? Tôi đồng ý việc xét xử hành vi của ông Vươn là đúng, nhưng cũng cần xem xét lại trách nhiệm trong vụ này của ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng và Chủ tịch xã Quang Vinh mới công bằng...”

 

Với lý giải của ông Phích, Van phongvan1082@gmail.com nêu rõ: “Theo tôi, không thể nhầm lẫn được, là cơ quan luật pháp mà nói nhầm thì không thể tin được. Hơn nữa nếu nhầm thì giải quyết ngay, sửa chữa ngay chứ không thể để xảy ra vụ việc rồi mới nói là nhầm được. Và thẩm phán Ngô Văn Anh được kiểm điểm vào ngày tháng năm nào? mức độ sửa sai thế nào? tôi chưa thấy nói đến…”

 

Sự vô lý trong cách giải thích đơn giản chỉ là “nhầm lẫn” của một thẩm phán trong vụ này tiếp tục được mổ xẻ qua các ý kiến tương tự như của Huy Phạm huypham1989@gmail.com:  “Chính quyền huyện và Tòa án thành phố sao có thể làm việc như… trò đùa, nhầm lẫn thật hay là định "loanh quanh"? Không lẽ vị thẩm phán kia khi trả lời dân không nhìn vào hồ sơ, mà tên "Luân" với "Vươn" đâu có giống nhau, làm về luật pháp sao có thể không cẩn thận thế được? Đành rằng chống người thi hành công vụ thì phải xử lý nghiêm, nhưng chính quyền cũng phải xem xét lại chính bản thân mình, làm việc ngoài cái lý phải có cái tình. Người ta bỏ bao nhiêu công sức ra để cải tạo, đến lúc thành đầm thủy sản để làm ăn kinh tế trả nợ thì lại thu hồi để cho người khác thầu…Nếu không dồn dân vào bước đường cùng thì liệu có xảy ra chuyện đau lòng này không???...”

 

Và những uẩn khúc cũng được bạn đọc có email  thongoc@gmai.com nêu lên cùng lập luận: “Tôi thấy sự việc rất nhiều uẩn khúc và xin nêu vài ý kiến:

 

1. Nếu đã là người cầm cân nảy mực thì không thể tắc trách làm bừa rồi nói “nhầm” là được. Đây là văn bản được chuẩn bị kỹ lưỡng chứ không phải lời nói suông mà bảo nhầm.

 

2. Gia đình ông Vươn làm ăn đã đổ bao tâm huyết, mồ hôi, nước mắt để biến bãi bồi hoang vô dụng thành đất có ích. Như vậy là sản xuất có hiệu quả, nên khuyến khích chứ không phải thấy người ta làm ăn hiệu quả là thu lại để giao cho người khác dựa trên quan hệ "cửa sau".

 

3. Nếu hết thời hạn hợp đồng có thể gia hạn cho ông Vươn.

 

4. Không thể phá tài sản của người ta tại nơi không thuộc đất cưỡng chế, điều này vô lý.
 

5. Nhà nước VN là của dân, do dân, vì dân. Các vị sao không đặt mình vào dân mà suy nghĩ cho họ để tìm phương án giải quyết hợp tình, hợp lí. Mà lại vội vàng huy động đông đảo công an, bộ đội đến, vũ lực đã dồn họ vào đường cùng?”

 

Hầu như tất cả băn khoăn, nghi ngờ của bạn đọc đều dẫn tới một câu hỏi mà nhiều người cùng chia sẻ với Lương Khánh traitimthienco@yahoo.com: “Thế là thẩm phán Anh đóng vai tốt thí ư?”
 
Nhầm lẫn hay… nước cờ “thí tốt”? - 2
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ cưỡng chế (ảnh: báo Người Lao động)

 

Cái lý, cái tình

 

Phân tích cái đúng, cái sai trong vụ việc đang gây xôn xao dư luận ngay những ngày đầu năm mới này, Ngân Thương doicontinhnghic76@gmail.com cũng vạch rõ điều khiến dư luận càng thêm bức xúc: “Tôi không đồng ý với cách im lặng cho qua mọi chuyện. Ai cũng công nhận là hành động của ông Vươn là không đúng, nhưng có lẽ chỉ vì ông là người không hiểu rõ luật. Nhưng cái đáng nói ở đây là những người có trình độ được đào tạo bài bản về luật và thực thi pháp luật mà lại "nhầm" gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu dư luận không lên tiếng thì tức là công nhận việc họ được phép "nhầm" hay sao?”

 

Đức giaosuchanhoc2010@yahoo.com bày tỏ: “Hành động chống người thi hành công vụ là sai! Không nên phản ứng theo kiểu bất mãn như vậy, còn nhiều phương pháp tốt hơn nhiều. Nhưng không ai có thể một tay che lấp bầu trời được. Trong xã hội chúng ta  còn  nhiều việc cấp dưới làm sai làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và Nhà nước. Mong rằng các cơ quan thực thi pháp luật sẽ xem xét vụ việc thật có tình có lý, sao cho có thể răn đe được nhưng lại hợp tình với người dân...”

 

Huong buihuong2412@yahoo.com nhấn mạnh: “… Lỗi sai là từ những người đứng đầu của huyện. Nếu không bắt ép người ta đến đường cùng thì người ta có làm như vậy không? Tức nước vỡ bờ mà. Trong luật thì cũng có tình người mà. Lỗi sai bắt đầu từ đâu thì chính người đó chịu trách nhiệm. Đâu phải chỉ khiển trách, kiểm điểm là xong. Cứ bao che cho nhau như vậy thì làm sao đất nước phát triển được chứ…”

 

Thien Phuong thienphuong@vnptepay.com.vn nghi vấn: “Con giun xéo mãi cũng quằn. Ông Vươn là một kỹ sư Nông nghiệp, là người có trình độ, học thức. Có lẽ có những vị ở xã, ở huyện nhìn thấy gia đình ông Vươn làm ăn thành đạt và chắc không được "phong bì" thường xuyên của ông Vươn nên mới sinh sự chăng…”

 

Từ vụ việc ở Hải Phòng trên, Nam Viet camxuyen@ymail.com liên hệ: “Không riêng gì việc này mà sẽ còn nhiều việc khác nữa sẽ xảy ra, nếu cách làm việc của chính quyền thiếu trách nhiệm như vậy…”

 

Nguyễn Sĩ Hùng hunghanoi04@yahoo.com  nêu lên một “điểm nóng” khác: “Hiện tượng này hiện nay vẫn xảy ra ở không ít địa phương. Cán bộ chính quyền địa phương cứ tự cho mình quyền thu hồi để hạch sách nhũng nhiễu vòi vĩnh, không được là đạp đổ. Tệ nạn này chắc nhiều người biết, mong các ban ngành chức năng vào cuộc mạnh mẽ. Ở địa phương tôi cũng thế, đất trồng rau của dân bị cán bộ chính quyền lừa dân nhận tiền doanh nghiệp đền bù bèo bọt, rồi họ đem đất chia nhau. (Ví dụ đám đất trước nhà mẫu giáo Trần Phú, Hoàng Mai, Hà Nội). Yêu cầu thanh tra các cấp nhanh chóng xem xét, không là họ lại chia nhau hết tài sản nhà nước thôi...”

 

Bạn đọc có nick Tien hai _Thai binh vutan_tb2003@yahoo.com.vn nêu thêm 1 địa chỉ khác: “Vụ việc ở Hải Phòng cũng giống như ở quê tôi ĐH, TIỀN HẢI (THÁI BÌNH). Năm 1991 nhà tôi cùng với mấy người gần đó đã bỏ ra một số tiền rất lớn (khoảng mỗi nhà hơn 20 triệu đồng) để đắp đê và khai thác thuỷ hải sản tự nhiên. Nhưng lại kí hợp đồng với xã ĐH chỉ có 10 năm, sau 10 năm nhà chúng tôi cũng chỉ nghĩ khi hết hạn hợp đồng sẽ lại được xã cho kí lại hợp đồng và khai thác tiếp. Nhưng không, xã đã thu lại và bao công sức của gia đình chúng tôi đổ sông đổ bể hết. Các bạn có biết khi cho đấu giá hai cái đầm xã đã thu về bao nhiêu không? Tổng cộng 30 ha 1 tỷ 800 triệu đồng thời điểm năm 2002. Nói ra không phải để mong nhận dược sự thông cảm hay mong nhận được sự chia sẻ, mà tôi chỉ mong pháp luật hãy xử bác VƯƠN một cách công bằng và giảm nhẹ hình phạt cho bác VƯƠN,  vì cả cuộc đời bác đã bỏ công sức tiền bạc và tâm huyết  vào đó”.

 

Bạn đọc có email lacostercat@gmail.com cũng chia sẻ ý kiến với tư cách một công dân trẻ: “Chính quyền các cấp lãnh đạo nhân dân theo chủ trương chính sách của Đảng. Là công dân Việt Nam phải biết tuân thủ và làm theo chỉ đạo của chính quyền. Chúng tôi - những người dân tôn trọng cái đúng, không ai muốn làm sai hay chống đối chính quyền. Nếu ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm theo luật pháp. Nếu chú Vươn làm sai thì xin cứ xử đúng như pháp luật hiện hành. Nhưng nếu thực sự quan chức Huyện Tiên Lãng và Xã Quang Vinh sai... Đi ngược đường lối lãnh đạo của Đảng, chèn ép nhân dân... thì có khác nào đi ngược lại lợi ích của nhà nước và nhân dân. Họ cũng cần phải bị xử lý thích đáng”.
 
Nhầm lẫn hay… nước cờ “thí tốt”? - 3
Quang cảnh cuộc họp báo chiều 12/1 tại trụ sở UBND TP Hải Phòng (ảnh: Quốc Đô)

 

Những phản hồi của người dân cũng phù hợp với lời ông Phạm Văn Tỉnh, Phó Chánh Thanh tra Tổng Cục Quản lý đất đai, được  báo Pháp luật TPHCM trích dẫn:
 
 “…Việc người dân phản ứng tiêu cực, chống lại lực lượng cưỡng chế như vậy là sai. Hành động như vậy là không thể chấp nhận. Nếu người dân bình tĩnh thì đã không xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy. Tuy nhiên, trong vụ việc này, lỗi của chính quyền cũng có nhiều, rồi còn ép dân. Trong việc thu hồi đất, cần phân tích cho người dân hiểu. Huyện Tiên Lãng phải nghiêm khắc tự kiểm lại mình trong việc giao và thu hồi đất.

 

Qua sự việc này, các địa phương khác cũng cần xem lại việc giao, cho thuê, thu hồi đất, nếu thấy chưa hợp lý thì phải điều chỉnh. Việc điều chỉnh này tránh làm thiệt hại tới người dân. Làm được như vậy có thể tránh được những xung đột, mâu thuẫn không đáng có giữa người dân với chính quyền...”

 

Khánh Tùng