Nhà nhà, người người sôi sục vì… Xe

(Dân trí) - Nỗi hoang mang, lo lắng và nói chung là tâm trạng rối bời của bao người dân về cái Xe khốn khổ của mình vẫn chẳng thể nào giảm bớt, dù Đại tá Đào Vịnh Thắng - quyền Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội nêu rõ: Không xử phạt xe mượn hợp pháp.

 
Cư dân mạng nháo nhào với quy định xử phạt xe không chính chủ (ảnh: VTC)
Cư dân mạng "nháo nhào" với quy định xử phạt xe không chính chủ (ảnh: VTC)
 

Tít mù nó lại vòng quanh

 

Chưa có dịp cuối tuần nào mà phản hồi của người dân lại lên tới nhiều ngàn với mỗi thông tin liên quan tới một văn  bản rất chi là hành chính. Đó là Nghị định 71, mà ai ai cũng sốt vó lên vì đọc rồi nghe thêm giải thích vẫn thấy lằng nhằng, mông lung, rắc rối… Nói tóm lại là vẫn chẳng rõ thế nào là vi phạm, thế nào là hợp pháp, trong hoàn cảnh nào được châm chước, hoàn cảnh nào bị tăng nặng…

 

Tra Google, mãi tới phía cuối Nghị định 71 này chúng tôi cũng chỉ thấy một đoạn ngắn ngủi liên quan tới “Quy định mức phạt tăng nặng với các hành vi vi phạm an toàn giao thông (áp dụng riêng trong khu vực nội thành) tại các thành phố trực thuộc Trung ương (Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội...) là:  

 

“Đối với hành vi "Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định" (không sang tên đổi chủ): Phạt từ 6-10 triệu đồng với ôtô và 800.000 đến 1,2 triệu đồng với xe máy. Quy định này tăng mức phạt nhiều lần so với quy định cũ (VD: lỗi này đối với xe mô tô thì chỉ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng”.

 

Đơn giản quá và  phù hợp quá với chuẩn mực chung của thời hiện đại, nhưng với những đặc thù riêng của tình hình VN thì mấy dòng chữ đó đủ khiến gần như 100% dân chúng tá hỏa tam tinh.

 

Cũng phải thôi, vì chắc chắn là không nơi đâu trên Trái Đất này giá xe máy, ôtô lại đắt như ở VN. Song vì kế  mưu sinh, vì để có phương tiện đi lại thuận tiện trong điều kiện các phương tiện giao thông công cộng còn kém cỏi cả về số lượng và chất lượng phục vụ, dân ta vẫn phải nghiến răng sắm công cụ giải phóng đôi chân cho mình.

 

Người có tiền có thể sắm xe mới và đăng ký tên chính chủ lần đầu. Sau này lên đời xe vài lần thì mấy ai chịu khó lần nào cũng đi thay đổi giấy tờ cho phù hợp, bởi đa số đều sợ cái kiểu “hành là chính” khi đi làm thủ tục, chẳng khác gì người bệnh sợ đến bệnh viện.

 

Người ít tiền, người nghèo cũng muốn cố sắm được cái xe cho chẳng bằng chị thì cũng gần bằng em. Cách tốt nhất là chịu khó xài lại xe cũ, chất lượng và kiểu dáng có thể không bằng xe mới, nhưng vừa túi tiền lại cũng giải phóng được đôi chân. Xe cũ thông thường giá chỉ từ 10 triệu đồng trở xuống, lại mất thêm phí sang tên đổi chủ tới tiền triệu nữa…có mà tiếc đứt ruột!!!

 

Thế là dù biết làm vậy dù sao cũng là “lách luật”, nhưng số trót… nghèo thì đành giật gấu vá vai tạm vậy.  Người có điều kiện kinh tế khá khẩm hơn cũng lại bị cái kiểu “hành là chính” đe dọa cho sợ mất mật, cũng lại tặc lưỡi cho qua hoặc cố tình lần lữa…

 

Bởi vậy, tình thế sau khi nghe tin sét đánh ngang tai về xử phạt xe không chính chủ đúng như một ai đó đã tổng kết qua mạng: Chưa bao giờ dân ta lại tỏ ra đồng lòng đoàn kết đến thế, khi cùng lên tiếng phản ứng dữ dội trên tất cả các diễn đàn.

 

“Xã hội đã có quá nhiều cái cần phải khắc phục, nay lại đưa ra thêm một cái nghị định mà đại đa số người dân đều nói ... không khả thi như vậy, liệu có giải quyết được vấn đề hay không hay lại càng thêm rối. Tôi nghĩ, có yên dân thì nước mới giàu, dân mới mạnh. Chứ tôi thấy hiện bây giờ nhà nhà nói chuyện xe, người người nói chuyện xe, đi đâu cũng thấy kêu ca phàn nàn về chuyện xe… Thế thì dân còn tâm trí đâu mà sản xuất, kinh doanh…?  Mong rằng các cấp lãnh đạo sớm có những chủ trương hợp lý để người dân yên tâm làm việc” - Nông dân:  nambacsi@yahoo.com.vn

 

“Người dân bây giờ phải đương đầu với nhiều thứ rắc rối quá. Không hiểu chỉ thị này nhằm làm giản tai nạn giao thông, hay ngăn chặn kẻ cắp... Nói chung là không hiểu thế nào nữa. Biết bao trường hợp đi xe của người thân trong gia đình thì đến bao giờ mới sang tên được. Muốn làm vậy phải có thời gian chứ. Trên thực tế là người có xe lại vì hoàn cảnh nào đó không lái xe, và ngược lại người không có xe lại lái xe của người khác hoặc của cơ quan thì làm thế nào? Thật rắc rối !!!” – Phú:  phuyen135@yahoo.com

 

Kêu thế chứ kêu nữa vẫn không ăn thua. Nhưng qua ngày đầu thực thi xử phạt tại Hà Nội, không biết có phải thấy dân tình ca thán quá trời vì thấy có quá nhiều cái bất cập trong quy định mới này hay không, mà lại có thêm 1 thông tin có vẻ hơi cụ thể hơn một chút. Đó là lời khẳng định của Đại tá Đào Vịnh Thắng - quyền Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội: Không xử phạt xe mượn hợp pháp.

 
CSGT Hà Nội chỉ nhắc nhở tuyên truyền trong ngày đầu bắt lỗi phạt xe không sang tên đổi chủ
CSGT Hà Nội chỉ nhắc nhở tuyên truyền trong ngày đầu bắt lỗi phạt xe không sang tên đổi chủ
 

Vẫn mông lung “chính chủ”, “hợp pháp”

 

Tưởng rằng thế là đã rõ như ban ngày? Nhưng không, tưởng vậy mà chưa chắc đã vậy vì… ở VN mình nó khác lắm. Dòng thác câu hỏi của dân bởi thế càng nối dài hơn:

 

“Thế nào là xe mượn hợp pháp hay xe mượn không hợp pháp? Tiêu chí nào để người thi hành công vụ khẳng định? Khái niệm đã lơ mơ thì làm sao triển khai trong thực tế? Cuối cùng thì chỉ là miếng đất màu mỡ cho tiêu cực nảy nòi phát triển và hiển nhiên người dân lương thiện sẽ là nạn nhân. Công dân có quyền làm những việc mà pháp luật không cấm. Phương tiện khi có đầy đủ giấy tờ hợp lệ và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với nhà nước theo quy định là được quyền tham gia giao thông trên toàn quốc. Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng PHÁP LUẬT một cách CÔNG KHAI, DÂN CHỦ thì người dân luôn ủng hộ và TÂM PHỤC, KHẨU PHỤC. 

Nhưng chúng tôi đều thấy không có điều khoản nào của pháp luật quy định người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải là chính chủ của phương tiện đó. Vậy quy định mới này rõ ràng là PHẠM LUẬT, mà đã phạm luật là không có hiệu lực về mặt pháp lý và cần phải bị "tuýt còi". Nhưng… nếu các vị vẫn cứ triển khai thì thật là dân chỉ còn….Botay.com!” - Công Dân:  chuotbach60@gmail.com

 

“Tôi đọc rất nhiều bài báo liên quan đến vấn đề này, thì nhận ra 1 điều là Luật của ta vẫn còn khá nhiều khe hở. Bởi thế, khi đưa ra quy định luật không chặt chẽ, chưa tìm hiểu kĩ vấn đề, không quan tâm dư luận quần chúng thì khiến dân hoang mang lo lắng là đương nhiên. Rồi hình như các vị lại chữa cháy bằng mấy câu giải thích như thế chẳng làm ai yên tâm hơn được. Thử hỏi mấy ai tự nhận mình là đi xe không chính chủ? có ai không bảo là tôi đi mượn xe không? Và liệu CSGT có thời gian tra cứu xác minh trong khi trách nhiệm của CSGT chủ yếu là  duy trì giao thông ổn định, chứ không phải làm công tác điều tra hình sự hay kinh tế?” - Trần Trung Hiếu:  ttrhieu@gmail.com

 

“Kính gửi Dân trí cùng các bạn đọc cả nước. Mìình vừa có đọc bài báo trên Dân trí, thấy Đại tá Đào Vịnh Thắng nói nếu vi phạm lần đầu sẽ nhắc nhở, lần sau sẽ bị phạt. Vậy khi vi phạm lần sau thì CSGT có chứng cứ hay có thiết bị gì để biết người dân đã vi phạm lần thứ 2? Nếu có các thiết bị máy móc để xem dân có vi phạm lần thứ 2 thì chắc phải tiêu tốn rất nhiều ngân sách của nhà nước, trong khi đó việc tập trung vào chấn chỉnh ngành giáo dục hoặc giúp đỡ các trẻ em nghèo phải chăng còn có ý nghĩa hơn? Hơn thế nữa, khi luật đưa ra mà ai có lý do xe đi mượn hợp pháp sẽ không bị xử phạt, thì tôi thấy luật đề ra đúng thật là không có tác dụng. Ngược lại chỉ gây thêm tâm lý hoang mang trong nhân dân” – Nguyễn Phú Thắng:  chonsodep.com.vn@gmail.com….

 

Nói đi nói lại thế nào, muốn dân tin tưởng và làm theo thì trước hết cán bộ phải gương mẫu thực hiện trước. Song điều này hầu như ở lĩnh vực nào dân cũng khó thấy được. Ngay cả với dự định thu phí xe sắp thành hiện thực cũng lại không tính tới xe công, sao dân đóng thuế mà cái gì cũng nhằm vào dân? Vậy dân có thể không ấm ức, không thấy bị xử ép, không thấy quyền lợi của mình không được bảo vệ… chăng???

 

“Nhà nước thất thu thuế hàng nghìn tỉ đồng thì không thấy các bác nói phải làm nghiêm túc và làm ngay như thế này nhỉ…. Thử hỏi tiền thuế thất thu từ việc xe không sang tên có thấm tháp gì so với các khoản tham nhũng đấy không… Các bác không làm tốt được  những việc lớn như vậy, sao lúc nào cũng thấy nghiêm với dân nghèo thấp cổ bé họng chẳng biết kêu ai… Đành rằng phải sang tên đổi chủ mới là đúng, mới dễ cho cơ quan chức năng quản lý. Nhưng thực trạng ở VN có đến 90% xe máy hiện tại đều không chính chủ, thì sao các bác không làm gắt ngay từ đầu? Giờ tình hình đã vậy, cần tạo điều kiện cho người dân thì lại còn làm khó thêm. Phần lớn các trường hợp bây giờ đều không hoặc quá khó để xác định được người chính chủ, như bài báo nói các trường hợp đó sẽ bị lập biên bản để điều tra xử lý. Như vậy dân nghèo mất phương tiện phục vụ kiếm sống, công an cảnh sát lẽ nào nhàn rỗi ít việc quá, cần có thêm việc để làm?... Hay các bác nghĩ tới mấy khoản "phụ phí" cho họ nữa, chắc hẳn các bác làm ra quy định này nghĩ thế là hợp lý lắm???” - Dân nghèo:  Hoangnguyenthuydkh@gmail.com

 

Chẳng biết đến bao giờ người dân ta mới được toàn tâm toàn ý lo học hành, lao động, sản xuất,  kinh doanh…  mà không phải lo ngày lo đêm về cái Xe thật ra cũng chỉ là phương tiện đi  lại của con người  mà thôi??? Tuần cuối năm rồi mà chỉ vì chuyện nhỏ - cái Xe, dân buồn và lo không sao tả xiết!!! 

Khánh Tùng