Nhà khoa học trẻ khát khao cống hiến cho quê hương

Với những khát khao cống hiến cho quê hương, TS Trần Văn Hùng đã trở về Việt Nam, làm giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Những nghiên cứu của anh về sử dụng chất xơ thực phẩm đã chứng minh thành công ảnh hưởng của chất xơ trong làm giảm viêm nhiễm đường ruột, ung thư đường ruột và ngăn ngừa bệnh viêm thận (Chronic Kidney Diease- CKD).

Ở tuổi 33, TS Trần Văn Hùng sở hữu 16 bài báo (SCI, SCIE) đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc Ranking Q1; là 1 trong 100 nhà khoa học, chuyên gia tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài và các nhà khoa học trong nước tham gia chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018 do Bộ Khoa học Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Giáo dục- Đào tạo, Bộ Ngoại giao và Tập đoàn Vingroup tổ chức.

Nhà khoa học trẻ khát khao cống hiến cho quê hương - 1

TS Trần Văn Hùng (mặc áo vest). Ảnh: TH

TS Trần Văn Hùng sinh ra và lớn lên tại mảnh đất quê hương ở xã Liên Châu, Huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Đam mê khoa học tự nhiên, nhất là Hóa học và Sinh học, anh Hùng lựa chọn thi vào Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Y Hà Nội. Đủ điểm đỗ vào hai trường này, nhưng sau đó TS Hùng quyết định lựa chọn học tại Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, theo ngành Công nghệ Thực phẩm.

Sau khi ra trường, Trần Văn Hùng quyết định đi theo con đường giảng dạy, và tất nhiên không có con đường nào thành công mà trải sẵn hoa hồng. Cho đến sau này, khi đã đi sâu về nghiên cứu và ứng dụng vào thực phẩm nhất là trong giai đoạn hiện nay thì vấn đề thực phẩm đối với sức khỏe con người ngày càng được lưu tâm. TS Hùng luôn thấy việc lựa chọn theo ngành Công nghệ thực phẩm là hoàn toàn đúng đắn.

Anh thấy mình thật may mắn khi làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Hiroshima Nhật Bản về lĩnh vực Công nghệ Thực phẩm, Dinh dưỡng và Y sinh học, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Takuya Suzuki, tại Phòng Thí nghiệm Hóa sinh học thực phẩm, môi trường này mọi thứ đều rất tốt, máy móc trang thiết bị hiện đại, hóa chất luôn sẵn sàng và đặc biệt giáo sư có chuyên môn giỏi và thân thiện.

Nhớ lại khi thời gian bắt đầu công việc nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Hóa sinh học thực phẩm tại Đại học Hiroshima, mọi thứ khá mới mẻ với anh Hùng, trong gần 6 tháng liền mọi thí nghiệm đều thất bại và không có kết quả khả quan, lúc đó anh cảm thấy thực sự chán nản và mệt mỏi muốn từ bỏ việc học và về nước.

“Lúc đó giáo sư có nói chuyện với tôi rằng đừng quá bi quan trong nghiên cứu, bởi có những nghiên cứu đôi khi làm cả đời không có kết quả. Sau giai đoạn đó, tôi tích cực đọc các tài liệu chuyên sâu và trao đổi với giáo sư về thay đổi hướng nghiên cứu và giáo sư đồng ý. Thất bại ở những nghiên cứu bước đầu giúp tôi trải nghiệm ra rằng làm nghiên cứu khoa học không đơn giản chút nào, nhất là những nghiên cứu chuyên sâu về bệnh tật và y sinh”- Trần Văn Hùng giãi bày.

Và sau gần 1 năm nghiên cứu, anh đã có công bố đầu tiên trên tạp chí về mảng thực phẩm, dinh dưỡng (Journal of Nutrition: một tạp chí hàng đầu và có lịch sử lâu, rất khó để có được công bố trên tạp chí đó). Thành quả sau đó giúp TS Hùng tiếp tục có những công bố trên các tạp chí uy tín và có chỉ số ảnh hưởng cao. Anh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 2017 trước hạn.

Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ về nước, TS Trần Văn Hùng công tác tại Khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, với nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu. Anh thừa nhận, khi về nước mọi thứ khác hẳn, trang thiết bị chỉ ở mức giúp sinh viên trong các bài thí nghiệm thực hành, vấn đề thực sự nan giải khi làm thí nghiệm và các phân tích mà muốn gửi mẫu đi phân tích, tìm được nơi phân tích đã khó, tìm được địa chỉ phân tích đáng tin cậy còn khó hơn. Ngoài ra, còn vấn đề đau đầu hơn đó là tiền đâu để cho sinh viên làm thí nghiệm và đem mẫu đi phân tích. Tuy vậy, nhờ sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã giúp cho TS Hùng và nhóm nghiên cứu của mình thích ứng sau khi trở về.

Tại Trường nơi TS Hùng đang công tác cũng tạo nhiều điều kiện cho hợp tác và cho nghiên cứu, mỗi một bài báo có chỉ số SCI, SCIE được xuất bản cũng được nhà trường hỗ trợ tiền. Từ đó, anh có thể sử dụng khoản tiền thưởng từ các bài báo tiến hành cho các thí nghiệm của mình và cho các công việc nghiên cứu chuyên sâu khác.

Anh kể: “Khi trở về Việt Nam làm việc trở lại, không chỉ tôi và các bạn du học sinh khác khi trở về chưa thể thích nghi và làm quen được với cách thức làm việc tại Việt Nam, mọi người còn trêu đùa nhau là thời gian đầu là thời gian "tái hòa nhập cộng đồng". Tôi cũng trải qua giai đoạn này, với mức lương 5 triệu đồng thì chỉ đủ trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu, trăm thứ phải lo. Nhưng đã xác định về Việt Nam thì không chỉ trông chờ vào lương. Tôi tâm niệm, người ta sống được thì mình cũng sống được. Ngoài thời gian đảm nhiệm công việc tại nơi tôi công tác thì các buổi tối tôi đi dạy thêm ngoại ngữ đủ các cấp độ và lứa tuổi, thứ 7 và chủ nhật không có tiết dạy tôi có làm cố vấn kỹ thuật cho mảng thực phẩm ở một số công ty. Cộng với lương cơ bản tôi cũng có được thu nhập ở mức khá và đủ trang trải cho cuộc sống và cho gia đình. Lựa chọn ở lại là lựa chọn đối đầu với thách thức cơm áo gạo tiền”.

Anh chia sẻ thêm: "Cuộc sống đôi lúc cũng khá mệt mỏi, tôi cố gắng cân bằng nó sao cho tốt nhất. Sau những ngày mệt mỏi thì gia đình nhỏ của tôi là điều làm tôi quên hết những áp lực, động viên tôi theo con đường học thuật. Tôi và bà xã quen nhau từ khi học đại học, cả hai đều cố gắng theo đuổi đam mê của mình, tuy nhiên khi học lên Thạc sỹ và làm Nghiên cứu sinh bạn ấy đã lựa chọn con đường là theo Công nghệ sinh học phân tử, tôi tiếp tục theo con đường Công nghệ thực phẩm. Cả tôi và vợ cùng đam mê nghiên cứu khoa học nên tìm được nhiều điểm chung và dễ dàng chia sẻ trong công việc và cuộc sống”. Hiện nay vợ anh Hùng đang làm Nghiên cứu sinh tại Đại học Kỹ thuật Nagaoka (Nagaoka University of Technology), Nhật Bản, chuyên ngành về Công nghệ Sinh học phân tử.

Mục tiêu trong năm 2020 của TS Trần Văn Hùng là sẽ tiếp tục làm tốt vai trò trong giảng dạy và nghiên cứu của mình, tiếp tục đi sâu hơn nữa vào hướng nghiên cứu về mảng ứng dụng chuyên sâu của các dạng chất xơ trong điều hòa và ổn định đường ruột đồng thời hạn chế bệnh viêm thận./.

Theo Mỹ Anh

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm