Nhà giáo và nghề dạy học vinh quang và cao quý

(Dân trí) - Từ xưa tới nay nhiều gương sáng về "Sự đạo" - đạo làm Thầy, "Sinh đạo" - đạo làm Trò, qua các thế hệ đã viết nên trang sử chói ngời về truyền thống "hiếu học và tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam ta.

Các nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú.
Các nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú.

Đời nhà Trần, có danh nho Chu Văn An, một thầy giáo tiêu biểu, ông vốn có tính cương trực, trọng nghĩa khinh tài. Trong số môn đệ của ông có hai người tài giỏi là Phạm Sỹ Mạnh và Lê Bá Quát, làm quan đến nhất phẩm triều đình, nhưng khi đến thăm Thầy vẫn khép nép nghe thầy giảng dụ. Đời nhà Lê có bảng nhãn Lương Đắc Bằng, từ quan về quê dạy học, trong số môn sinh có hai người lỗi lạc là Nguyễn Văn Đạt tức Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Thừa Hưu đỗ thám hoa, đến thăm Thầy lễ phép, vâng lời chỉ bảo của Thầy.

Đến lượt Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thời nhà Mạc, cũng như Thầy mình, từ quan về dạy học ở am Bạch Vân, ông đào tạo được nhiều người văn hay chí lớn như Phùng Khắc Hoan (Trạng Bùng), Nguyễn Dữ, tác giả cuốn "Truyền kỳ mạn lục" và Lương Hữu Khánh (con của thầy Lương Đắc Bằng), tuy là những người uyên thông, nhưng họ vẫn thường xuyên đến xin sự chỉ giáo của Thầy.

Đến đời Nguyễn, phải kể đến án sát Nguyễn Siêu, cũng từ quan về dạy học, trong số các học trò của ông có Cao Bá Quát, mà người đương thời tặng cho ông cùng Thầy giáo của ông danh hiệu "Thần Siêu, Thánh Quát". Trong thời Pháp thuộc, dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến nhưng truyền thống "Hiếu học, tôn sư trọng đạo" của nhân dân ta vẫn được giữ gìn phát huy và phát triển.

Những tấm gương sáng tiêu biểu của những thầy giáo giàu lòng yêu nước thương dân như cụ Đỗ Chiểu, cụ Trần Đình Phong, cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ Phan Bội Châu, cụ Vương Thúc Quý, cụ Dương Quảng Hàm, cụ Bùi Kỷ.v.v... đặc biệt là Nhà giáo Nguyễn Tất Thành, sau hơn 50 năm xa quê đi hoạt động cách mạng, cả hai lần về thăm quê hương, Bác Hồ đều đến thắp hương tưởng nhớ thầy giáo cũ Vương Thúc Quý.

Trước đây Nhà giáo được xã hội tôn vinh, nhân dân tôn kính, gọi nhà giáo là Tiên sinh, Danh sư, Danh nho... Vị thế của nhà giáo được đem so sánh với vua và cha, mẹ: "Quân, Sư, Phụ", mọi môn sinh, đệ tử đều ghi lòng tạc dạ: "Một ngày là Thầy, suốt đời là Cha, chúng con mãi mãi ghi nhớ công ơn Sư phụ". Đến những câu ca mộc mạc, chân quê, giàu chất triết lý đời thường đã đi vào dân gian có sức sống trường tồn: "Cơm Cha, áo Mẹ, chữ Thầy. Từ câu lục bát, ru ngày hát đêm".

Niềm vui của các thế hệ nhà giáo ưu tú.
Niềm vui của các thế hệ nhà giáo ưu tú.

Ngày nay Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm đến GD&ĐT nói chung và nhà giáo nói riêng; kể từ năm 1982 lấy ngày 20-11 hàng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam; nhà giáo không chỉ phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Giáo viên giỏi mà còn thể chế hoá đầy đủ trong các đạo luật: Luật giáo dục, trong đó có riêng chương IV nói về Nhà giáo.

Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xác lập vị thế của giáo dục, của nhà giáo: "Coi giáo dục là quốc sách hàng đầu"; "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển"; "Lấy phát triển giáo dục đào tạo làm khâu đột phá để đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước"... Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước còn khuyến khích tạo điều kiện thành lập các tổ chức quần chúng xã hội để cùng với nhà nước hỗ trợ cho giáo dục. Trong số đó có Hội khuyến học Việt Nam, là một tổ chức xã hội của Nhà giáo, nhà Khoa học, của những người tự nguyện tâm huyết với sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ của Hội thể hiện ở mục tiêu cơ bản, trong đó có ghi: "Cổ vũ xã hội tôn trọng người thầy, chăm sóc người thầy trong sự nghiệp giáo dục, khuyến khích người thầy không ngừng phấn đấu rèn luyện để xứng đáng với vị thế của mình trong xã hội...".

Như vậy ở bất kỳ một chế độ xã hội nào, nhà giáo cũng được xã hội trân trọng và tin cậy. Vị thế của nhà giáo được tôn vinh xứng đáng; bởi lẽ "Nhà giáo là một hình mẫu về đạo lý, về trí tuệ, về nhân cách mà cả xã hội gửi gắm niềm tin". Nhà giáo là người chuyển tải văn minh nhân loại cho các thế hệ học trò. Nghề giáo ngày xưa dạy học trò biết "Lễ " sau đó biết "Văn". Nghề giáo ngày nay cũng vậy “dạy người, dạy chữ, dạy nghề”. "Sản phẩm lao động của nhà giáo không chỉ làm sản phẩm cụ thể mà là cả một tài sản vô giá về đạo lý, nhân cách và trí tuệ của học trò".

Vai trò, vị thế đặc biệt của nhà giáo và ý nghĩa đặc biệt của nghề dạy học được người xưa đến nay nhìn nhận một cách thấu đáo. Quả người xưa nói không ngoa: "Một vị tướng tồi chỉ giết chết một đạo quân, một thầy giáo tồi giết chết bao thế hệ". Đại thi hào Ta Go (Ấn Độ) đã từng khẳng định: "Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một phụ nữ thì được một gia đình, giáo dục một người nhà giáo thì được cả một thế hệ".

Nếu như các nhà giáo xưa luôn giữ tiết tháo, cương trung "an, bần, lạc đạo" thì các nhà giáo ngày nay chẳng những vẫn giữ được tiết tháo xưa, mà còn thích ứng với tiết tháo nay "chân, phú, lạc đạo". Đội ngũ nhà giáo ngày càng đông, hiện nay có trên 911 ngàn giáo viên ở các bậc học, qua 12 lần phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, giáo viên giỏi. Các Nhà giáo nhân dân tiêu biểu: Đặng Thái Mai, Nguyễn Lân, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Cảnh Toàn...

Ngày nay nhìn lại lớp lớp học trò biết tôn sư, trọng đạo, học giỏi, tu dưỡng tốt, học sinh giỏi quốc tế, học sinh giỏi quốc gia, học sinh nghèo vượt khó học giỏi, tu dưỡng tốt... là những món quà vô giá kính tặng các nhà giáo. Những gương sáng về học sinh giỏi Quốc tế như: Hoàng Lê Minh, Phan Vũ Diễm Hằng, Lê Bá Khánh Trình, Đỗ Bảo Châu, Phan Huy Tú, Trương bá Tú, Nguyễn Cảnh Hào, Đào Thanh Hải, Nguyễn Tất Nghĩa, Nguyễn Huy Hoàng... tiêu biểu cho học sinh khắp mọi miền đất nước: nơi đất Tràng An, nơi xứ Huế, xứ Thanh hay xứ Nghệ.v.v... là niềm tự hào của chúng ta.

Bên cạnh những điều đáng mừng, đáng tự hào thì vẫn còn có điều đáng buồn, đáng lo ngại đó là truyền thống “Hiếu học và tôn sư trọng đạo" có phần bị mai một; có nơi, có lúc chưa gìn giữ đúng đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”,"Ăn quả nhớ người trồng cây". Hội Khuyến học cùng toàn xã hội vun đắp cho truyền thống ngàn đời của dân tộc ta, quê hương ta; điều tâm nguyện ấy dần dà trở sẽ thành một hằng đẳng thức: "Hiếu học và tôn sư trọng đạo, Khuyến học và quý trọng tiền tài".

Niềm vui của các thế hệ nhà giáo ưu tú.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Đình Trạc (thứ 2 từ trái qua phải) và PCT UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường (thứ 2 từ phải qua trái) chúc mừng 2 NGND Lê Văn Phớt, Nguyễn Đình Noãn

Vị thế của nhà giáo cũng không chỉ từ phía xã hội tôn vinh, nhân dân tôn kính, mà còn là kết quả của quá trình rèn luyện, phấn đấu suốt đời của nhà giáo, tự đòi hỏi rất nghiêm khắc, rất quyết liệt, rất cao cả ở bản thân mình, nhằm thực hiện đúng Luật Giáo dục (sửa đổi) với 05 nhiệm vụ của nhà giáo (điều 72, chương IV); 05 quyền của nhà giáo (điều 73, chương IV) và 04 hành vi các nhà giáo không được làm (điều 75, chương IV); góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI về “Đổi mới toàn diện và sâu sắc nền giáo dục và đào tạo”.

Nghề giáo là nghề đặc biệt "Dưới ánh sáng mặt trời không có nghề nào vinh quang bằng nghề dạy học", vì vậy cần tiếp tục củng cố, tạo lập vị thế đặc biệt của nhà giáo trong xã hội trên tất cả các phương diện tinh thần và đời sống vật chất. "Không có sự suy bì nào biện giải nổi về sự đãi ngộ của xã hội đối với người chiến sỹ trên mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; cũng như sự đãi ngộ đối với nhà giáo, những chiến sỹ trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước".

Chúng ta đang tham gia hội nhập quốc tế, “hội nhập quốc tế là cạnh tranh về kinh tế, cạnh tranh về kinh tế là cạnh tranh về tri thức và khoa học công nghệ, canh tranh về tri thức và khoa học công nghệ là cạnh tranh về nhân tài, cạnh tranh về nhân tài là cạnh tranh về giáo dục”. Nền kinh tế tri thức, nấc thang văn minh trí tuệ đang đến gần; vì vậy, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Giáo dục&Đào tạo, cũng như của Nhà giáo càng nặng nề hơn, cao quý hơn, vinh quang hơn. Cả xã hội đang nhìn vào Nhà giáo, nhìn vào sản phẩm của Nhà giáo, sản phẩm vô giá của lớp lớp học trò - tài sản chung của mọi quốc gia, của toàn nhân loại.

Cao Đình Hòe
Phó Chủ tịch thường trực Hội khuyến học tỉnh Nghệ An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm