Ý kiến bạn đọc

Nguyên nhân làm gia tăng nạn tham nhũng

(Dân trí) - Thời gian qua mặc dù việc phòng chống tham nhũng đã được sử dụng không còn thiếu biện pháp gì, thế nhưng tình hình tham nhũng vẫn chưa thuyên giảm.

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Vậy đâu là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh, gia tăng nạn tham nhũng. Theo tôi có mấy nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất là do yếu kém trong công tác tổ chức cán bộ do sự buông lỏng, yếu kém trong quản lý Nhà nước.

Đảng ta chỉ rõ: công tác cán bộ vừa bảo thủ, vừa trì trệ về nhiều mặt, vi phạm các nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhất là cán bộ kinh tế từ trước đến nay chưa được coi trọng đúng mức, chưa đáp ứng được nhu cầu về phát triển kinh tế thị trường. Việc bố trí cán bộ ở nhiều cấp, nhiều ngành vẫn còn tư tưởng bè cánh, phe phái.

Công tác đề bạt cán bộ còn bị chi phối bởi cách nhìn chủ quan, phiến diện, chưa chính xác trong phương pháp đánh giá, lựa chọn cán bộ. Công tác xử lý cán bộ thường có khuynh hướng hữu khuynh. Tình trạng tuỳ tiện, muốn xử lý nội bộ, xử lý nhẹ còn khá phổ biến.

Đặc biệt Đảng ta khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng chính mục tiêu này bị buông lỏng. Tham nhũng một phần được mang theo vào nhà trường, được “rèn” ngay khi thi tuyển vào và “luyện” trong quá trình ở nhà trường, những nơi có môi trường giáo dục thấp kém, những cán bộ đã lọt qua môi trường đào tạo như thế không thể là những hạt giống tốt, càng không thể là hạt nhân chống tham nhũng.

Sự sai lầm trong bố trí, sử dụng cán bộ và buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, đánh giá cán bộ, thiếu kiểm soát cho nên trước sự cám dỗ của những lợi ích vật chất một bộ phận cán bộ, Đảng viên đã bị tha hoá.

Thứ hai là do bản chất của nền kinh tế thị trường: Ngày nay sự phát triển của kinh tế thị trường là không thể phủ nhận được, tuy nhiên do bản chất của nền kinh tế thị trường, của việc tự do hoá cạnh tranh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tệ tham nhũng.

Trong nền kinh tế thị trường vai trò của đồng tiền được đặt lên rất cao. Có không ít tổ chức, cá nhân vì những mục tiêu riêng để tồn tại trong sự canh tranh khốc liệt đã dùng mọi thủ đoạn trong đó thủ đoạn hối lộ được sử dụng rất phổ biến.

Thứ ba là, do trình độ dân trí và chưa có cơ chế bảo vệ người tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng:

Nhìn chung trình độ dân trí còn thấp nên nhân dân chưa có nhiều khả năng tham gia quản lý Nhà nước, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước và của cán bộ, công chức. Mặc dù gần đây đã có quy chế dân chủ, song nhìn chung việc thực hiện còn nhiều hạn chế

Nhất là do chưa có cơ chế bảo vệ người tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mặc dù Luật pháp hiện hành, trong đó có Luật phòng chống tham nhũng đã quy định việc bảo vệ người tố giác, đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có hiện tượng trù dập, trả thù khiến người tố cáo tham nhũng lo ngại.

Tôi nghĩ rằng, trước hết các cơ quan có trách nhiệm phải làm hết bổn phận của mình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố giác, đấu tranh phòng chống tham nhũng, bảo vệ thông tin của người tố cáo; bảo vệ trực tiếp người tố cáo và xử lý nghiêm những trường hợp có biểu hiện trả thù người tố cáo tham nhũng.

Nếu thực hiện tốt thì nó tác động trực tiếp đến vai trò, sự tham gia của người dân nói chung. Đặc biệt là của những cán bộ công nhân viên chức, lao động ở chính cơ quan, đơn vị có tham nhũng. Họ sẽ cảm thấy tự tin, yên tâm hơn khi tố giác, tham gia đấu tranh chống tham nhũng.

Nhưng nếu ngược lại chưa quan tâm, chưa làm tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng thì sẽ hạn chế rất lớn, thậm chí trong nhiều trường hợp sẽ triệt tiêu động lực, ý thức tham gia phòng chống tham nhũng của người dân.

Minh Tư -mtu.tdh@moet.edu.vn