Nguy cơ từ người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Thông tin 21 người Trung Quốc nhập cảnh không rõ bằng đường nào, kịp đến tận Quảng Nam mới bị phát hiện, là cái tin gây sốc bởi nó mang theo nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng bất kỳ lúc nào.

Gọi chống Covid-19 là một cuộc chiến không hề cường điệu. Bởi đó thực sự là một cuộc chiến khốc liệt khi cả đất nước phải vào cuộc với sự huy động toàn lực cùng sự thống nhất cao độ của toàn thể nhân dân. Chính với quyết tâm và nỗ lực vượt bậc mà đất nước chúng ta trở nên kiên cường như một pháo đài sừng sững chống lại đại dịch với thắng lợi vẻ vang, bất chấp thảm họa lan rộng toàn cầu với những con số thiệt hại khổng lồ cả về người và của.

Nguy cơ từ người Trung Quốc nhập cảnh trái phép - 1
Một số người TQ trong nhóm bị bắt giữ. Ảnh: cand.com.vn.

 Việt Nam có đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi xuất phát của đại dịch. Với những gì xảy ra càng thấy cuộc chiến chống Covid-19 của chúng ta hiệu quả như thế nào. Sở dĩ tôi nhắc lại điều này là vì thông  tin 21 người Trung Quốc không rõ nhập cảnh bằng đường nào xuất hiện ở Quảng Nam.

Một cái tin gây rúng động và đáng phẫn nộ với tất cả những gì thuộc về thành quả chúng ta đã đạt được, và hơn thế là mối nguy hiểm tiềm tàng có thể dẫn đến tái phát dịch, một thảm họa đe dọa đất nước.

 Đã đành cơ quan chức năng đã lưu giữ tập trung xét nghiệm, cách ly số người đó nhưng câu hỏi đăt ra họ từ đâu đến ở một đất nước dịch đang diễn biến phức tạp? Họ đã nhập cảnh bằng đường nào, theo cách nào và vào thời gian nào?

Đấy là do lơ là quản lý hay là có sự tiếp tay ở trong nước từ những kẻ liên quan đến số người này trên lĩnh vực công việc. Không khó trả lời khi cơ quan chức năng vào cuộc và cũng không khó xử lý số người vi phạm.

Xét nghiệm ban đầu cho thấy 21 người đó âm tính với Covid-19. Tạm thời thì điều đó vẫn còn là may mắn. Nhưng vụ việc vẫn thực sự nguy hiểm, rung hồi chuông báo động khẩn cấp, thức tỉnh sự chủ quan và bày ra nguy cơ bùng phát dịch trở lại nếu đất nước không kịp thời ngăn chặn những trường hợp tương tự.

 Việt Nam với Trung Quốc có 1.449,566 km đường biên giới tiếp giáp giữa  7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Trong đó có gần 400km là đường biên giới nước. Những cửa khẩu chính, những đường tiểu ngạch có sự kiểm soát chặt chẽ của biên phòng, hải quan... nhưng phần tiếp giáp biên giới đất liền và sông suối thuộc quyền quản lý của các địa phương nếu chỉ cần một sơ sểnh để lọt những người mang bệnh thì cuộc chiến chống dịch của chúng ta sẽ phải chịu những áp lực nặng nề và tổn thất khó có thể đong đếm.

 Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi quyết liệt để chống dịch. Cho dù để hài hòa và đảm bảo kinh tế đã có những chính sách dần mở cửa, thông thương đường bay đến một số điểm trên thế giới nhưng cuộc chiến chống dịch vẫn không hề lơi lỏng.

Biện pháp cách ly, xét nghiệm vẫn được thực hiện để không thoát lọt ca bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào nội địa. Hàng vạn người Việt ở nước ngoài trong đó có du học sinh hiện đang bị kẹt cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Người muốn về khó khăn, người ra đi cũng trong tình trạng tương tự. Điều này càng cho thấy không chỉ Việt Nam, thế giới cũng cực kỳ cấp thiết trong việc quản lý chặt chẽ lượng người di chuyển, xuất nhập cảnh.

 Chẳng cần thiết phải nhắc lại những con số thiệt hại về đại dịch, chỉ biết Việt Nam có xấp xỉ 100 ngày không xuất hiện ca nhiễm nội địa. Cú 21 người Trung Quốc ở Quảng Nam này chính là một ngoại lệ nguy hiểm chứng tỏ có lỗ hổng nhập cảnh.

Trước đây chúng ta đã có những bài học cay đắng từ việc bệnh nhân số 17 về nước không khai báo, không chịu cách ly, hay những người bay từ Anh về mà không được kiểm soát y tế chặt chẽ.

Trong một diễn đàn doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam vài tuần trước, đã có đề nghị cho phép các doanh nhân Hàn Quốc nhập cảnh mà không phải cách ly, song đề xuất này không được chấp nhận. Có nghĩa là những người có trách nhiệm ở cấp cao nhất biết rất rõ chúng ta có thể phải trả giá đắt đến thế nào khi để ngỏ việc kiểm soát dịch trong cộng đồng. Vậy thì tại sao ở các địa phương trọng yếu lại để lọt lưới những kẻ xâm nhập trái phép.

Chúng ta đã làm tốt việc kiểm soát cửa khẩu đường hàng không, và giờ đường biên giới bộ, cả phía bắc, cả phía nam thật sự là điều cả hệ thống cần quan tâm, khi các vụ nhập cảnh trái phép và trốn cách ly liên tiếp diễn ra trong thời gian qua.

Ngoài ra, còn phải làm rõ trong nước đã có ai tiếp tay cho số người nhập cảnh trên? Rõ ràng họ không thể đi tới tận Hội An mà không có sự trợ giúp từ bên trong. Không lẽ những kẻ tiếp tay không nhận thức rằng lợi ích cộng đồng, xã hội phải được đặt trên lợi ích của một nhóm nhỏ!

Việc 21 người Trung Quốc nhập cảnh ở Quảng Nam là một thách thức với cuộc chiến chống Covid-19. Cần phải điều tra làm rõ xử lý tận gốc của vụ việc này. Nếu kẻ nào đó tiếp tay cho số người trên nhập cảnh dứt khoát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn nếu đó là những lơ là, tắc trách từ công tác quản lý xuất, nhập cảnh cửa khẩu thì phải quyết liệt chấn chỉnh. Nhưng quan trọng hơn là có cái nhìn thực tế từ những người có trách nhiệm để kịp thời có những chủ trương, biện pháp bịt lỗ hổng nhập cảnh đường biên bộ.

 Cuộc chiến chống Covid-19 không thể có ngoại lệ.

Theo Phạm Ngọc Tiến

Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm