Bạn đọc viết:

Ngọt ngào mùa ổi quê hương

(Dân trí) - Ở quê tôi, cứ độ ra Giêng là tới mùa ổi. Chẳng hiểu sao, những trái ổi tươi xanh, còn đậm mùi sương sớm lại cuốn hút chị em tôi đến thế. Có lẽ vì nó dân dã, bình dị mà ngọt ngào như những ký ức tuổi thơ đã qua...

(ảnh: Diệu Ái)
(ảnh: Diệu Ái)

 

Nhớ ngày nhỏ, mỗi khi đến mùa ổi, mấy chị em lại tụ tập ở nhà dì, đứng dưới gốc cây mà chờ chực “ông” anh họ trèo lên hái. Có lần cả đám đang hồ hởi ở dưới, bỗng nghe tiếng “rắc”, mấy chị em xanh mặt… “Ông” anh quý hóa rơi từ trên cây xuống, may mà không gãy tay gãy chân gì, chỉ trầy xước ở ngoài. Tính anh vốn gan lỳ, tưởng ngã là khiếp, thế mà mai mốt lại thấy vất vưởng trên cành cao, hỏi vọng qua nhà “Ăn ổi không, tao hái cho?”

 

Cô em út vốn nghịch ngợm, cũng ưa leo trèo. Một bữa đu đưa trên cây ổi thế nào đến nỗi bị toạc cả quần, nó đứng chờ trời nhá nhem tối mới dám mò về nhà. Lần ấy cả nhà được phen cười no bụng, Ba tôi còn trêu “Cho chừa cái tội con gái mà ham leo cây”.

 

Nội bảo cây ổi vốn lành, lá ổi có thể dùng làm thuốc. Ví như mỗi khi đứa nào đau bụng, nội lại chạy đi kiếm lá ổi, hái những lá nằm ở ngọn, xanh non nhất. Cứ con trai là bảy lá, con gái chín lá rồi nhai nuốt, chẳng mấy chốc là hết đau.

 

Bây giờ đi quanh xóm cũng chẳng tìm ra một gốc ổi. Nhớ cái lúc dì chặt cây đi, mấy chị em chưng hửng, nghe như một mất mát nào vừa chạm khẽ tới con tim.... Loáng thoáng đâu đây tới mùa, lại ngóng mẹ đi chợ về, nhìn vào giỏ xem mẹ có mua ổi không. Nghe mẹ cằn nhằn “Tụi này lớn tướng, gả chồng được hết rồi mà còn thèm ổi, thật hết biết!” Cả bọn lại xúm vào trêu mẹ: “ Tại hồi xưa, mẹ ăn cả …thùng ổi của người ta nên giờ hết thèm, còn bọn con thì vẫn thèm.” Mẹ ngại ngùng, cười trừ cho qua chuyện. 

 

Chả là nghe nói hồi trẻ có một chú cùng làng mê mẹ ghê lắm. Biết mẹ hay ăn ổi nên một hôm chú vặt hết trái của mấy cây ổi ở trong vườn, rồi phần vì nhiều, phần vì ngại, chẳng biết bỏ đâu nên chú nhét hết vào... thùng đạn rỗng. Khi chú vác nguyên thùng đạn tới nhà, mẹ và ông bà ngoại hốt hoảng… Rồi cả nhà cười ngất khi mở ra thấy toàn ổi là ổi. (Ở quê tôi, sau giải phóng, những vật dụng còn sót lại của chiến tranh được tận dụng triệt để. Thùng đạn thường được dùng để đựng đồ dùng cá nhân, hồ sơ, giấy tờ…)

 

Có đợt cậu em trai đi nhận học bổng ở xa, mang về thứ nem ngon nổi tiếng, bên trong bọc bằng lá ổi.  Hai chị em vừa ăn vừa xuýt xoa, ngon lạ lùng, lá ổi cho vị cay nồng đặc biệt. Khi về quê mới hay hóa ra ở quê mình cũng có, nhưng chỉ làm để thưởng thức thôi, chẳng bán buôn kinh doanh cho có thương hiệu như người ta.

 

Sáng nay thay mẹ đi chợ, lại nghe mấy đứa em dặn dò “Nhớ mua ổi nghe chị”. Tay xách mớ thức ăn nặng trĩu, chợt thấy một bà lão lưng còng trìu mến “Ổi nhà bà mới hái đó con, mua về ăn đi!” Cả thúng ổi tươi non bán chỉ mấy nghìn đồng, nghĩ thời cuộc sao chẳng đem lại giàu sang cho người nông dân chân chất. Tôi lựa độ mười trái, trả tiền xong, bà còn dấm dúi thêm vài ba trái vào bịch “Lấy thêm mấy trái về ăn nè con”.

 

Thế đó, bảo sao quê mình giàu lên được, đi đâu tình cảm cũng ngập tràn, người vẫn chân chất, thật thà, thương yêu con người đến lạ.

 

Thời sinh viên xa nhà, thỉnh thoảng cũng hay mua ổi ăn. Nhất là những lúc hội hè, tám chuyện với bạn bè thì ổi không thể thiếu bên cạnh dĩa cóc, xoài...Có điều, ổi ở đó chẳng ngon, người ta bọc trong lớp ni lông, chẳng nghe mùi sương nắng. Lá cũng khác, đen thẫm chứ chẳng xanh non như ở quê mình.

 

Hình như bởi cây đâm chồi, nảy lộc từ mảnh đất cằn khô ấy, qua bao mưa nắng khắt khe, chắt chiu cả những tảo tần, vất vả nên cho ra thứ quả ngọt ngào, thấm đẫm hồn quê đến thế.

 

                                                                                                                 Diệu Ái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm