Nghĩ về vụ bắt cô giáo quỳ gối

Là người đàn ông, việc ép một người phụ nữ quỳ gối đã là hèn, đặc biệt đó là cô giáo dạy con mình. Nhưng tìm cách chối quanh hành vi của mình, không thể nói gì khác, thêm một lần… hèn.

Nghĩ về vụ  bắt cô giáo quỳ gối - 1

Có lẽ, bị cộng đồng phản ứng mạnh mẽ trước hành vi đớn hèn của một người đàn ông, của một phụ huynh, anh Võ Hoàng Thuận đã tìm đủ các lý do để biện minh, chối bỏ hành vi ép cô giáo Trường Tiểu học Bình Chánh (Bến Lức) phải quỳ.

Chúng tôi chưa nói đến việc, anh Thuận có phạm tội làm nhục người khác hay không như có ý kiến luật sư đã đề cập, nhưng việc cộng đồng mạng phản ứng gay gắt với đối tượng này đã cho thấy hành vi của Thuận đáng bị lên án tới mức nào. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chưa muốn đề cập đến trách nhiệm của thầy hiệu trưởng, ban Giám hiệu, của nữ Hội trưởng Hội phụ huynh mà tập trung hành vi sai trái của vị phụ huynh có tên là Thuận, mang danh một luật sư.

Trao đổi với báo chí, anh Thuận cho biết, những ngày qua gia đình của anh ta rất mệt mỏi vì dư luận "ném đá" khi cho rằng ông bắt cô giáo phạt con mình quỳ. Anh Thuận cho rằng, cô giáo tự quỳ?!

Gia đình anh Thuận rất mệt mỏi vì bị “ném đá”, vậy khi ép cô giáo phải quỳ, anh Thuận có biết cô giáo đau đớn về tinh thần thế nào không?

Cũng theo anh Thuận, anh ta chỉ nói: "Cái ghế nhỏ xíu như thế, cô có quỳ được hay không mà cô bắt con người ta quỳ gần cả tiết học" và câu nói đó được lặp lại có hai lần.

Liệu anh Thuận nói như vậy có ai tin nổi không? Một con người, khi phải quỳ gối trước ai đó là việc chẳng thể đừng, vào thế không còn đường lui, hoặc không muốn dây với hủi, huống hồ đây là cô giáo đang đối diện với các vị phụ huynh.

Anh Thuận còn nói, "Tôi không trực tiếp yêu cầu cô ấy quỳ, nhưng có thể câu nói của tôi đã gián tiếp khiến cô hành động vậy. Tôi có xin lỗi cô giáo vì lúc đầu tôi quá bối rối, không có hành động gì khi cô ấy quỳ."

Và cứ cho rằng anh Thuận nói đúng như vậy đi, dư luận xin hỏi: Cô giáo tự quỳ gối trước mặt mình, anh Thuận thấy thế nào khi để cô giáo quỳ như vậy? Cứ cho là phút đầu bối rối, nên “không có hành động gì khi cô ấy quỳ”, vậy phải đến 40 phút sau Thuận mới bình tâm hay sao?

Đó là giả sử Thuận nói như vậy, nhưng dư luận đủ thông minh, không ai có thể tin lời biện minh kiểu đó được.

Mặt khác, cuộc đôi co, mà đúng ra cuộc tổng xỉ vả cô giáo kéo rất dài, khiến cả hiệu trưởng nhà trường và một số giáo viên không đủ thời gian để giảng hòa mà còn phải lên lớp dự tiết. Điều đó càng thấy rõ, khi không còn đồng nghiệp bên cạnh, cô giáo đã không còn đường nào khác là phải chấp nhận yêu cầu của vị phụ huynh này: quỳ.

Do đó, dư luận tin nội dung mà cô giáo đã giải trình với phòng giáo dục: "Phụ huynh nam cứ nhắc đi nhắc lại: Con tôi không có lỗi cô bắt quỳ, bây giờ cô đang có lỗi cô quỳ lại đi. Cô quỳ được tôi coi như chuyện này giải quyết xong."

Mới sinh con, vừa đi làm lại và vừa mới về trường công tác, cô giáo liệu có thể chọn con đường nào khác? Chính điều đó dẫn đến lựa chọn của cô giáo: "Khi tôi ở lại phòng cùng ba người, phụ huynh nam nói đã đến giờ và đang chờ tôi làm. Ở tình huống không còn đường lui và do suy nghĩ non nớt của bản thân là làm để mọi việc giải quyết xong nên tôi đã quỳ".

Quay lại chuyện anh Thuận, kể cả tức giận gì đi nữa, thấy một người con gái quỳ trước mặt mình, lại là cô giáo của con mình, nếu là người còn chút lương tâm, không thể bình thản ra ngoài hiên thư giãn. Đấy là chưa nói về động cơ, vì muốn trò ngoan, cô giáo mới đưa ra hình thức phạt như vậy. Dù rằng xã hội hiện nay tuy khó chấp nhận cách xử phạt trò như vậy, nhưng dư luận vẫn có thể thông cảm.

Là người đàn ông, việc ép một người phụ nữ quỳ đã là hèn, đặc biệt đó là cô giáo dạy con mình. Nhưng tìm cách chối quanh tội của mình, không thể nói gì khác, thêm một lần… hèn.

Vương Hà