Bạn đọc viết
Nghĩ về văn hóa đọc và thư viện trường học
Hiện nay, mỗi trường học đều có một hệ thống thư viện, nhiều nơi còn đạt Thư viện chuẩn. Mặc dù thế, thư viện trường học vẫn chưa được bạn đọc mặn mà lui tới thường xuyên
Từ thực tế hiện tại
Ngày nay, internet ngày càng phát triển và rộng khắp thì việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần một cú click chuột là có thể tìm được nhanh chóng thông tin mình cần. Và lẽ dĩ nhiên nhiên nhiều người sẽ chọn cách này hơn là cất công lên thư viện, rồi phải làm thẻ, tra cứu sách,… Có lẽ bởi vậy mà học sinh ngày càng thờ ơ với thư viện, không thích cách đọc sách báo, tìm kiếm thông tin một cách truyền thống.
Ở bất kì trưòng THCS hay THPT nào cũng đều có thư viện. Tuy nhiên công suất sử dụng thư viện ở trường học còn rất nhiều hạn chế. Vào những ngày thường, số lượng học sinh lên thư viện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và số lượng chỉ đông hơn khi gần tới kì thi. Hầu hết học sinh bây giờ, nếu em nào có ý thức học tập thì thường ôn bài ở các lớp học thêm do các thầy cô tổ chức chứ ít ai lên thư viện trường để ôn bài.
Trong trường học, cán bộ thư viện hiện nay chưa có chuyên môn cao. Đa số cán bộ thư viện trường học hiện tại đều chuyển từ số giáo viên hợp đồng lâu năm chưa được biên chế, đi tiếp thu nghiệp vụ mấy tháng lấy chứng chỉ để làm công tác thư viện. Họ thường phải kiêm nhiệm rất nhiều nhiệm vụ khác ở trường như thư kí, văn thư. Mức lương của họ rất thấp, phụ cấp nơi có nơi không, do vậy họ chưa thực sự tâm huyết với nghề. (Thậm chí có những người tốt nghiệp Đại học chính quy ngành Thông tin thư viện nhưng cũng chỉ được hưởng ngạch lương trung cấp, đánh đồng họ với những người chỉ học nghiệp vụ thư viện mấy tháng.)
Hiện nay, nhiều nơi đã đầu tư cơ sở vật chất cho thư viện về số lượng sách, máy tính, cơ sở vật chất… nhưng có trường cũng không đầu tư sâu cho thư viện của mình. Vào thư viện những trường này ta cảm thấy như một cái kho tổng thể chứa đồ đạc lỉnh kỉnh lẫn với tài liệu thư viện, không theo một quy củ thống nhất. Như vậy không chỉ học sinh mà ngay cả phía nhà trường cũng “thờ ơ” với thư viện trường học. Mặt khác, để khai thác thư viện điện tử cần phải có một hệ thống máy tính kết nối Internet. Điều này quá khó đối với các nhà trường, đặc biệt các vùng nông thôn, vùng khó khăn.
Đấy là một lãng phí để lại những hệ lụy đáng buồn. Trong khi thư viện trường học chưa thu hút độc giả, còn học sinh dễ sa ngã vào những trò game điện tử đầy sự cám dỗ, kéo theo đó là sự tiêm nhiễm bạo lực cũng như những văn hóa lai căng pha tạp. Bên cạnh đó, những kho tri thức trong sách báo giấy trên thư viện đặt ngay giữa môi trường sư phạm dần mất đi để phó mặt cho thời gian. Một khi những thế hệ tương lai của chúng ta xa rời kho tri thức thì sẽ kéo theo một nền giáo dục không tốt. Kiến thức ở trường là cần nhưng chưa đủ, bài tập ở nhà là đủ nhưng chưa sâu. Muốn cho kiến thức sâu thì các em cần tìm đến thư viện trường học. Có thể ví thư viện trường học như cánh tay phải của nền giáo dục. Một khi cánh tay phải ấy yếu thì làm mọi việc đều vô cùng khó khăn.
Đi tìm nguyên nhân
Lí do của sự thờ ơ với thư viện trường học thì thật muôn hình vạn trạng. Nó bao gồm cả yếu tố chủ quan cũng như khách quan.
Thứ nhất, thư viện của một số trưòng học do diện tích trường học nhỏ, điều kiện chưa cho phép, có trường thư viện chỉ là tận dụng từ một phòng học cũ, có trương thư viện được đặt ở tận cuối hành lang tầng 3. Nhiều em học sinh rất ngại leo lên tầng 3 để lên thư viện. Thông thường ở mỗi trường giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học là 5 phút. Thời gian đi lại cũng đủ mệt. Do đó nhiều em đã chọn ngồi trong lớp nói chuyện với các bạn, hay ra sân chơi hơn là lên thư viện.
Thứ hai là do học sinh còn chưa có thói quen tự đọc sách báo, đặc biệt sách báo giấy. Việc tạo thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc cho học sinh là một yếu tốt quan trọng hàng đầu trong việc định hướng các em tới thư viện. Sở dĩ có sự thờ ơ là do nhà trường và các thầy cô chưa định hướng tốt, (thậm chí cá biệt có một số thầy cô còn giấu giếm tài liệu kiến thức để đem những kiến thức tài liệu này phục vụ cho những em.. đi học thêm).
Thứ ba, vốn tài liệu trong thư viện còn sơ sài, hình thức, tài liệu còn chưa đa dạng phong phú. Chủ yếu vẫn chỉ có sách giáo khoa và sách tham khao, ít những tài liệu giải trí. Hơn nữa việc thờ ơ với thư viện còn là do cán bộ thư viện chưa sâu về nghiệp vụ, chưa thực sự trở thành cầu nối giữa bạn đọc và vốn tài liệu. Cá biệt có những trường Tiểu học hay THCS ở vùng nông thôn, cán bộ thư viện là do văn thư, nhân viên y tế kiêm phụ trách. Cán bộ không có trình độ chuyên môn, không có kĩ năng phục vụ. Vì thế trong mắt nhiều học sinh, cán bộ thư viện là người khó tính, khó gần. Từ đó dần tạo nên tâm lí e ngại, ngại hỏi, ngại lên thư viện ở các em.
Thêm vào đó hoạt động thư viện ở trường học chưa thực sự được nhà trường quan tâm, đầu tư kinh phí thì ít ỏi khiến cơ sở vật chất còn lạc hậu., số lượng máy tính kết nối internet trong thư viện ít, tài liệu bổ sung không thường xuyên, liên tục... cũng làm cho chất lượng của hoạt động thư viện chưa được nâng cao.
Giải pháp nào?
Trước tiên, việc đào tạo cán bộ thư viện cũng rất cần thiết. Cán bộ thư viện cần được trao đổi học hỏi thêm và bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ. Bên cạnh trình độ chuyên môn, cán bộ thư viện cần niềm nở, thân thiện và nhiệt tình hướng dẫn để các em có sự thoải mái, thích thú khi vào thư viện. Cán bộ thư viện cũng cần là người chủ động xây dựng và đề xuất với Ban giám hiệu các chương trình, kế hoạch, lịch hoạt động cho từng lớp trong tuần để các em lần lượt được tiếp cận với thư viện một cách thường xuyên.
Thêm vào đó, thư viện cần đầy mạnh hoạt động quảng bá cho các dịch vụ thư viện, chẳng hạn: tổ chức các câu lạc bộ bạn đọc, xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các bạn cán bộ lớp hay những bạn thường xuyên lên thư viện. Hoặc thư viện có thể phối hợp với Ban giám hiệu trường trong những giờ sinh hoạt đầu tuần, tổ chức những cuộc thi về giới thiệu sách hay vẽ tranh theo chủ để của sách, tổ chức các chuyên đề nói chuyện sách gắn với những ngày sự kiện lớn... để thu hút sự chú ý của các em học sinh. Đây là một hoạt động thiết thực bởi nó khơi gợi cho các em sở thích đọc sách và hình thành văn hóa đọc trong nhà trường.
Và cuối cùng, thư viện cần được đầu tư kinh phí để có thể cải thiện cơ sở vất chất, phát triển vốn tài liệu của mình. Thư viện có thể thăm dò các nhu cầu của học sinh về tài liệu nhằm đa dạng các nguồn tài liệu và có chính sách bổ sung hợp lí, phù hợp. Nguồn tài liệu này có thể do mua mới, hoặc quyên góp xã hội hóa, hay trao đổi luân chuyển sách giữa các thư viện với nhau.
Thư viện trường học có vị trí vai trò, nhiệm vụ và chức năng vô cùng quan trọng. Nó là động lực đóng góp vào việc cải tiến giáo dục nhà trường nhằm sử dụng các nguồn tài liệu để hỗ trợ cho việc học tập, giảng dạy trong nhà trường. Cả hai hoạt động này đều sử dụng công cụ là sách báo (có thể sách báo in hoặc sách báo điện tử). Nó chỉ có thể được quản lý và phát huy tác dụng tích cực khi công tác thư viện được tổ chức tốt
Tổ chức hoạt động thư viện nhằm thoả mãn nhu cầu tìm hiểu kiến thức cho giáo viên và học sinh là một yêu cầu khách quan không thể thiếu được. Chỉ có như vậy mới phát huy văn hóa đọc cho thế hệ tương lai của đất nước, và hướng tới cho thế hệ ấy một thói quen tốt sao cho không thờ ơ với những kho tri thức vô tận ngay trong chính ngôi trường của mình.
Để làm được điều đó, một mình cán bộ thư viện chưa đủ, mà rất cần sự chung tay góp sức của nhà trường, gia đình và xã hội, của bạn, của tôi và tất cả chúng ta.
Nguyễn Thị Hồng Vui
(Cán bộ thư viện trường THCS Đan Phượng - Hà Nội)