Nghĩ về quốc phòng, an ninh trong Dự án cao tốc Bắc Nam

(Dân trí) - Với những biến động phức tạp do Trung Quốc đã, đang gây ra ở biển Đông, dư luận tin rằng, Dự án cao tốc Bắc Nam sẽ không rơi vào tay những nhà thầu có thể gây nguy hiểm tới quốc phòng, an ninh.

Nghĩ về quốc phòng, an ninh trong Dự án cao tốc Bắc Nam - 1

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ đấu thầu cao tốc Bắc - Nam

  NQ số 50/NQ /TƯ về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư nước ngoài đến năm 2030 vừa được TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký và ban hành. Trong đó dư luận đặc biệt quan tâm và ủng hộ liên quan đến nội dung nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh " trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới, và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Trao đổi với báo chí, GS. TSKH Nguyễn Mại – một người tham gia xây dựng NQ số 50, nêu rõ một số nội dung đã làm tốt sau 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời ông cũng nêu rõ một số bất cập cần sớm khắc phục.

GS Nguyễn Mại đã đề cập đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông như một minh chứng cụ thể về thất bại trong việc thu hút vốn nước ngoài. GS nhấn mạnh: Trước hết “là phải tự trách mình, không ai - bắt- vay- vốn - Trung Quốc - rồi – cho - họ - chọn nhà thầu Trung Quốc, hoãn đi hoãn lại bao nhiêu lần, rồi tháng 4/2019 khai trương mà đến nay vẫn chưa thấy đâu cả.” Đây là luận điểm rõ như ban ngày và phần nào phản bác những lý lẽ chưa thuyết phục của Bộ GTVT về nguyên nhân chậm trễ của dự án này. Điển hình, tại diễn đàn Quốc hội ngày 5/6/2019, trả lời chất vấn của các ĐB, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng một trong những nguyên nhân là do việc chọn tổng thầu Trung Quốc nằm trong hiệp định ký vốn vay, Việt Nam không có quyền lựa chọn. Vậy câu hỏi cần đặt ra, “ai bắt vay” và vì sao phải vay với điều kiện “chết người” đó? Gần đây, trong công văn gửi Đoàn đại biểu QH Hà Nội, Bộ GTVT cũng phải thừa nhận những sai lầm sơ đẳng nhất, kiểu như “thiết kế cơ sở ban đầu còn sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng nên phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật... Thậm chí, trong đó có cả nguyên nhân “các quy định và chế tài xử lý đối với hợp đồng EPC còn chưa đầy đủ.” Đến đây, dư luận mới hiểu phần nào, dù chậm tiến độ do những nguyên nhân từ phía Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, hầu như chúng ta chẳng thể phạt họ và phải chấp nhận con rắn thô kệch khổng lồ chềnh ềnh trên nhiều tuyến phố của Thủ đô mà chưa biết đến ngày nào có thể vận hành. Đặc biệt, trong công văn này, Bộ GTVT cũng nhắc công khai đến một nguyên nhân rất quan trọng, “sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5-2014 ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện dự án (mất hơn 1 năm hạn chế các hoạt động xây dựng của tổng thầu)”. Đến đây, mỗi chúng ta hiểu hơn một trong những nội dung quan trọng của NQ 50: Nghiên cứu bổ sung quy định "điều kiện về quốc phòng, an ninh " quan trọng như thế nào.

Nghĩ về quốc phòng, an ninh trong Dự án cao tốc Bắc Nam - 2

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hẹn ngày về

Liên quan đến quốc phòng, an ninh, GS Nguyễn Mại đưa ra nguyên tắc cốt tử, “những quốc gia gần Việt Nam, có vấn đề về biên giới, biển đảo thì không thể để họ thực hiện các dự án liên quan tới an ninh, quốc phòng.” Đây cũng là vấn đề  đã, đang được dư luận rất quan tâm, đặc biệt với dự án mang tầm chiến lược là Dự án cao tốc Bắc Nam, bởi tuyến đường xuyên Việt này không chỉ là huyết mạch của nền kinh tế mà còn gắn chặt với quốc phòng, an ninh.

Do đó, với những biến động phức tạp do Trung Quốc gây ra ở biển Đông hiện nay, đặc biệt gần đây, chúng ta từng mất với họ những đảo, quần đảo, dư luận tin chắc rằng, sau khi nghiên cứu, bổ sung nội dung quốc phòng, an ninh, Dự án cao tốc Bắc Nam sẽ không rơi vào tay những nhà thầu có thể gây nguy hiểm tới quốc phòng, an ninh.

Vương Hà