Góc nhìn luật sư

Nghĩ về chuyện Luật sư “chạy án”

Một chủ đề gây nên nhiều tranh cãi trong các diễn đàn hành nghề luật hiện nay, đó là: Luật sư có tham gia “chạy án” hay không?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Không thể phủ nhận có một số rất ít Luật sư bị cám dỗ trước sức mạnh của đồng tiền, danh vọng nên đã cấu kết cùng các cán bộ biến chất trong ngành tư pháp để tham gia chạy án. Tuy nhiên, đây chỉ là một bộ phận rất rất nhỏ, là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” nên không thể vì số ít luật sư này mà vội vàng kết luận và có định kiến không tốt về giới luật sư nói chung. Trong xã hội hiện đại, mỗi người và mỗi nghề đều có nguy cơ rơi vào cám dỗ bởi cám dỗ có mặt ở khắp mọi nơi, nghề luật sư cũng không ngoại lệ. Bởi vậy, con đường để trở thành Luật sư chân chính rất khó khăn, khổ cực. Mỗi Luật sư thực sự theo nghề và sống với nghề đều hiểu bên cạnh trí tuệ Luật sư còn cần có đạo đức. Song phải thẳng thắn thừa nhận quy định về đạo đức thật sự là rất khó, bởi phạm trù và chuẩn mực đạo đức của mỗi người là khác nhau, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường. Đạo đức Luật sư không phải là cách Luật sư thực hiện theo bộ quy tắc được soạn sẵn mà chính là ở cái tâm của mỗi người.

Thực tế khách quan đã cho thấy, nghề luật sư không hề dễ sống. Luật sư muốn sống được bằng nghề thì phải hành nghề bằng nhiệt tâm, bản lĩnh pháp luật và uy tín. Nhưng cũng như mọi người, luật sư cũng không nằm ngoài vòng xoáy “cơm – áo – gạo – tiền” của cuộc sống. Do đó, đại đa số các luật sư hiện nay luôn phải đấu tranh tư tưởng bên trong để giữ được cho mình cái tâm trong sáng khi theo nghề. Những công việc của Luật sư vẫn ngày ngày âm thầm hỗ trợ khách hàng để tạo ra những giá trị vô hình, và chính vì vô hình nên dù lớn đến đâu cũng khó có thể nhận được sự đánh giá đúng mực. Một kế hoạch kinh doanh sai có thể tiêu tốn hàng trăm tỷ, một hành động sai có thể đẩy cả một đời người vào nhà giam. Thiếu sự hỗ trợ của Luật sư, một người có thể phải ngồi tù 7 năm thay vì chỉ đáng 3 năm, hoặc thay vì được tại ngoại lại bị tạm giữ, tạm giam... Những điều đó, khó có thể cân đong đo đếm được bằng một vài con số. Nhưng tin tưởng rằng, thời gian sẽ trả lời cho chúng ta, sẽ trả về cho nghề Luật sư một vị trí đúng như nó cần có. Thực tiễn cho thấy, các luật sư danh tiếng hầu hết là các luật sư giỏi chuyên môn, có đức hạnh, đầy bản lĩnh, bảo vệ sự thật đến cùng trong các vụ án oan sai. Và trong hoạt động nghề nghiệp của các luật sư chân chính hoàn toàn không tồn tại khái niệm “chạy án”.

Xã hội càng phát triển thì vị thế và vai trò của các luật sư ngày càng được củng cố. Ở trong quá khứ, hiện tại và tương lai các luật sư luôn luôn là những “thầy thuốc pháp lý” bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp có hiệu quả nhất cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi tố tụng và cả ngoài tố tụng. Bởi vậy, xã hội cần có cái nhìn khách quan, tránh nhìn vào số ít luật sư “biến chất” mà có định kiến chung đối với đa số các luật sư chân chính đang làm việc để cống hiến hết mình góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Ở hầu hết tất cả các ngành nghề đều có người này người kia, nghề Luật sư cũng không ngoại lệ. Bởi vậy, để xóa tan định kiến “luật sư chạy án” và xứng đáng với sự tin cậy, tôn vinh của xã hội, các luật sư phải góp phần tạo nên một nét văn hóa riêng của nghề luật sư, giúp cho luật sư kiên cường giữ vững bản lĩnh để hành nghề. Mỗi luật sư đều phải giữ gìn đạo đức, phẩm giá, rèn luyện bản lĩnh vững vàng để yêu nghề, theo nghề và thành danh với nghề luật sư.

LS Trương Anh Tú