Bạn đọc viết:

“Nghi phạm” phần trăm

(Dân trí) - Dường như việc xây trung tâm hành chính qui mô lớn, chi phí “khủng” vẫn đang là “mốt” của các địa phương. Mà nguyên do có lẽ ở cái “phần trăm” được “cắt” ra từ các dự án... Dự án càng lớn thì “phần trăm” cũng càng to...?<br><a href='http://dantri.com.vn/dien-dan/cho-hay-muon-su-tai-troi-948835.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Cho hay muôn sự tại trời!</b></a>

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)
 

Thời điểm này năm ngoái, câu chuyện dinh thự các cơ quan công quyền được mang ra mổ xẻ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu đều bức xúc lên tiếng trước việc nhiều địa phương, ban ngành đua nhau xây trụ sở hoành tráng, lộng lẫy như cung điện vua chúa ngày xưa. Trước thực trạng này, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước phải thốt lên: “Dân mình đang nghèo tại sao mình làm to như thế?"

 

Nhưng rồi đại biểu Quốc hội than thì cứ than, chuyện xây trụ sở hoành tráng vẫn cứ diễn ra như một “cuộc đua ngầm” giữa các địa phương cũng như giữa các cơ quan công quyền. Dường như việc xây trung tâm hành chính qui mô lớn, chi phí “khủng” đang trở thành “mốt” của các địa phương hiện nay? Đã từng có những trung tâm hành chính được xây dựng trong thời gian gần đây với chi phí trên 2000 tỉ như Khánh Hòa, Bình Dương, Đà Nẵng…

 

Trụ sở có qui mô hiện đại là xu thế phát triển của xã hội. Thế nhưng trong thực tế sự hoành tránh của trụ sở cơ quan công quyền có vẻ như vẫn đang tỉ lệ nghịch với chất lượng đội ngũ công chức và năng lực quản lí của các cơ quan...???

 

Thực tế cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” không còn là chuyện lạ. Thực tế người dân khi tiếp xúc với cơ quan công quyền thường bị “hành là chính” cũng không còn là chuyện lạ. Trụ sở nguy nga sẽ thành “đồ trang sức” với vẻ hào nhoáng bên ngoài khi bộ máy hành chính vẫn hoạt động kém hiệu quả!?

 

Do đó, việc xây trụ sở nguy nga là điều cần phải cân nhắc chứ không thể chạy đua theo “mốt”! Nhất là trong bối cảnh hiện tại khi đất nước còn khó khăn, dân mình còn nghèo như ông Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã nêu rõ.

 

Mới đây, thông tin tỉnh Hải Dương chuẩn bị xây khu hành chính với tổng mức đầu tư trên 2.000 tỉ đồng lại khiến dư luận thêm một lần nữa băn khoăn.  Cái lí mà địa phương nêu lên xem ra không đủ sức thuyết phục: trụ sở làm việc của HĐND, UBND tỉnh và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh “đang xuống cấp” (???)

 

Về chuyện này, trên báo Đất Việt, GS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện Phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng: việc xây trụ sở hoành tráng “thực chất đây là hình thức dự án. Qua nhiệm kỳ vị nào cũng cố chạy cho mình vài dự án. Có dự án kiểu gì cũng được cắt 10-20%”.

 

Thì ra căn nguyên của vấn đề là ở cái “phần trăm” được “cắt” ra đó. Dự án như cái bánh ngọt, bánh càng lớn thì cái “phần trăm” kia cũng càng to (và dĩ nhiên là càng dễ cắt). Không có “phần trăm” chắc chẳng ai mặn mà gì với nó. Cho nên mới  có chuyện người “đẻ” ra dự án chứ không phải dự án nảy sinh từ nhu cầu kinh tế, xã hội. Cái nghịch lí ấy hình như vẫn tồn tại bao nhiêu năm nay, điều đó lí giải cho một thực tế là vì sao trụ sở làm việc của các cơ quan, địa phương có tuổi thọ rất thấp, nhiều khi không quá một nhiệm kì 5 năm (!?)

 

Tư duy nhiệm kì, tư duy dự án và cái “phần trăm” kia đang khiến cho không ít công trình xây dựng hoặc là không phát huy được hiệu quả sử dụng, gây lãng phí hoặc là xuống cấp ngay khi mới khánh thành!!!

 

Nguyễn Duy Xuân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm