Nghe con số 1% mà giật mình!

(Dân trí) - Con số 1% trình độ công nghệ tiên tiến được công bố trong cuộc họp ngày 25/4 của UBND TPHCM với các nhà doanh nghiệp để nghe họ “hiến kế” và nói rõ “sức khỏe” của mình.

Theo báo Tuổi trẻ online, tại cuộc họp này, ông Đinh Sơn Hùng - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP - công bố một con số rất đáng lo: “Tuy là trung tâm kinh tế của cả nước nhưng trình độ công nghệ tiên tiến ở TP chỉ có 1%, còn lại là công nghệ lạc hậu và trung bình”.

Quả thật con số đó làm cho nhiều người không khỏi giật mình! Đã quá 25 năm đổi mới mà không hiểu vì sao một trung tâm kinh tế của cả nước như TPHCM mới chỉ đạt trình độ công nghệ thấp như vậy?

Chúng ta đã nói quá nhiều về vai trò “quốc sách hàng đầu” của khoa học và công nghệ cũng như giáo dục và đào tạo trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước nhưng khi thực hiện lại chỉ đạt kết quả “khiêm tốn” nhường vậy!

Ở thời đại ngày nay, ai cũng biết rằng hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước với nước ngoài phải dựa trên hàm lượng chất xám của những sản phẩm được làm ra từ trình độ công nghệ tiên tiến. Song điều đáng tiếc là chúng ta đã chậm chân trong việc phát triển khoa học và công nghệ cũng như phát triển giáo dục- đào tạo, nhất là phát triển đội ngũ lao động có kiến thức chuyên môn và kỹ năng hành nghề ở trình độ cao. Điều đó giải thích vì sao cơ cấu kinh tế cũng như mô hình tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong nhiều năm qua kém hiệu quả.

Chỉ số nói lên hiệu quả đầu tư  ICOR luôn ở mức cao so với các nước quanh ta. Thí dụ trong giai đoạn 2001-2006, ICOR của ta là 5,1, có nghĩa là câ(n đến 5,1 đồng vốn đầu tư để tăng được 1 đồng GDP, trong khi các nước khác ở thời kỳ đầu công nghiệp hóa ICOR của họ chỉ là trên dưới 3 hoặc ở mức cao là 4. Bảng so sánh dưới đây về chỉ số ICOR của nước ta với nhiều nước quanh ta cho thấy rõ tình hình thực tế đáng quan ngại đó. 

Nghe con số 1% mà giật mình!

Do đầu tư hiệu quả thấp, cho nên muốn tăng trưởng GDP ở mức 7,5 đến 8% thì phải tăng trưởng tín dụng ở mức 30%  trong nhiều năm liên tiếp. Đó là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình hình lạm phát.

Muốn kiềm chế lạm phát thì phải thắt chặt tiền tệ, tức là giảm nguồn tín dụng và cho vay với mức lãi xuất cao, dẫn tới tình trạng sản xuất đình đốn, nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc đứng trên bờ vực phá sản. Do đó, lại cần đến sự linh hoạt trong điều hành kinh tế ở tầm vĩ mô như hạ lãi xuất tín dụng, giảm thuế cho doanh nghiệp…Dù sao đó mới chỉ là những giải pháp trước mắt.
 
Nghe con số 1% mà giật mình!
Khu công nghệ cao đang xây dựng ở TP Hồ Chí Minh (nguồn ảnh Internet)

Nhìn về lâu dài, muốn đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà đúng tiến độ đề ra, điều quan trọng nhất vẫn là xác lập mô hình tăng trưởng có hàm lượng chất xám cao cũng như dựa trên cơ sở phát triển công nghệ tiến tiến để tạo ra sức cạnh tranh của hàng hóa và nâng cao hiệu quả đầu tư (hạ thấp chỉ số ICOR).

Suy cho cùng thì con đường tất yếu phải đi là ra sức phát triển khoa học và công nghệ cũng như phát triển giáo dục và đào tạo. Điều này không mới về đường lối và quan điểm, nhưng đòi hỏi nhận thức mới đúng tầm quốc sách hàng đầu cũng như cách làm quyết liệt và sáng tạo để biến nó trở thành hiện thực trong cuộc sống.
Thao Lâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm