Ngày xuân, bàn về giá trị thêm vào và giá trị thặng dư

(Dân trí) - Tuy sống ở nước ngoài nhưng tôi cũng thấy mủi lòng nghĩ rằng Tết này, gia đình ông Đoàn Văn Vươn không có nhà ở vì nhà của ông vừa bị san phẳng.

 
Câu chuyện thời sự nóng bỏng này, đã có nhiều báo chí đưa tin và bình luận, tôi chỉ xin  bàn lại  về hai giá trị thêm vào và giá trị thặng dư, theo lối suy nghĩ của một người không chuyên sâu về lĩnh vực này..
Ngày xuân, bàn về giá trị thêm vào và giá trị thặng dư - 1


Ngôi nhà của gia đình ông Vương bị san phẳng  (nguồn ảnh: internet)
 

Một cách ngắn gọn, giá trị thêm vào là phần sản xuất làm hoàn thiện hơn cho một sản phẩm, là công của xí nghiệp, của người thợ hay người nông dân. Giá trị thêm vào thường được tính trên giá của sản phẩm  trừ giá các nguyên liệu đầu vào.

 

Ngay trong giáo dục và trong y khoa, người ta cũng có thể tính giá trị thêm vào chẳng hạn khi đong đo những kết quả (bằng khảo sát xã hội học về độ thỏa mãn, bằng lòng) của quá trình "nhân bản hóa" các liên hệ ở trường hay ở bệnh viện so với những đầu tư cho quá trình này.

 

Cũng là nuôi dạy trẻ, nhưng có những gia đình cho trẻ ... lớn lên như cỏ hoang (ils poussent comme les mauvaises herbes, thành ngữ Pháp) và những gia đình khác thì chăm chút hơn, lo thực đơn dưỡng nhi, chú trọng đến phát triển tâm sinh lý, ...

Giá trị thêm vào của trẻ sống trong các gia đình này không cần phải chứng minh nữa : các cháu ít bệnh tật hơn, phát triển hài hòa, học hành suôn sẻ, ...

 

Trong trường hợp các đầm thủy sản của ông Vươn, giá trị thêm vào bằng giá trị hiện thời của phần đất đai ấy trừ cho giá trị cũng của đất ấy trước khi được khai hoang. Giá trị thêm vào ở đây được giải thích bởi công lao và ý chí của một gia đình, của những người cặm cụi, "chân cứng đá mềm", từ nhiều năm qua, đấp đê lấn ra biển, làm đầm nuôi hải sản. Chẳng những thế, đồng thời ông Vươn tạo công ăn việc làm cho một số người cùng xã, đó cũng là một giá trị kinh tế.
 Giá trị thặng dư, hay lời, là sự tăng giá của một vật so với giá mua hay  so với giá vào thời điểm khác. Giá trị thặng dư, theo định nghĩa này, không cần công lao sản xuất. Một chai rượu để lâu có thể có giá cao hơn. Một căn nhà có thể có giá cao hơn vì thành phố mới xây một nhà ga gần đấy.  

 

Marx định nghĩa khác : giá trị thặng dư   là phần giá trị hàng hóa được sản xuất bởi người thợ  mà người thợ này không được trả công. Đại đa phần giá trị thặng dư này bị chiếm hữu bởi giới chủ nhân.

 

Giá trị thặng dư của các đầm nuôi hải sản của ông Vươn rất rõ ràng, theo cả hai định nghĩa nói trên.  Bắt ông Vươn phải trả lại đất không đền bù vừa phi kinh tế, vừa hành động như  những chủ nhân ông tư bản, chiếm hữu giá trị thặng dư của người lao động.

 

Vụ chống cưỡng chế ở Tiên Lãng (Hải Phòng) rất là đáng tiếc, nhưng chính quyền địa phương áp đặt hình thức cưỡng chế đã không để ý tới các giá trị thặng dư và giá trị thêm vào của người làm nên giá trị đó.

 

Ngày xuân, mong cho cái hố phân hóa giữa nghèo và giàu, giữa dân đen cần cù và người nắm quyền lực, ... đừng thêm "ghê gớm" (từ  gs Tương Lai dùng trên báo chí) và đừng bao giờ lặp lại như ở vụ Tiên Lãng.. 

 

 

                                                            Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                  Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí - Lời bàn thêm của một trí thức ở nước ngoài về vụ thu hồi đất của nhà ông Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) cho thấy các quan chức dính dáng đến vụ cưỡng chế này đều đã được học qua Kinh tế chính trị học Mac-Lê nhưng việc học đó chẳng khác nào "Nước đổ lá khoai" cho nên không nghĩ hành động của mình là chiếm đoạt "giá trị thặng dư" của người lao động dù nhân danh là chính quyền địa phương.

    Ngày xưa, những hành động kiểu như vậy, các cụ nhà ta thường gọi đó là hành động của những người vô học và thất đức. Đáng tiếc những người dính dáng đến vụ này là người "có học" nhưng không thấm cả về lý luận lẫn đạo đức của người cách mạng.