Bạn đọc viết:

Ngày non sông liền một dải với bài ca đi cùng năm tháng

(Dân trí) - 39 năm qua, nhạc sĩ Phạm Tuyên có thêm bao sáng tác mới. Nhưng ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” của ông mãi là tiếng reo vui của dân tộc trong ngày đại thắng, như viên ngọc càng được thời gian mài dũa sáng lung linh trong dòng nhạc Cách mạng VN...

Nhạc sĩ Phạm Tuyên
Nhạc sĩ Phạm Tuyên
Cứ mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng 30/4, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại vang lên những giai điệu trầm hùng quen thuộc của những ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”, “Bài ca thống nhất”, “Như có Bác trong ngày đại thắng”…Qua những giai điệu đó, thế hệ sau này hiểu rõ hơn giá trị vĩ đại của một chiến thắng lịch sử đã làm nên một Viêt Nam của thời đại mới. Bài hát “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên là một ca khúc như thế.

Ngày 30/4/1975, tôi mới chỉ là một cô bé học lớp 2. Hiểu biết của tôi về ngày thống nhất đất nước chưa được  bao nhiêu. Chỉ nghe mẹ bảo ngày thống nhất đất nước là ngày bộ đội ta đánh thắng ở Sài Gòn, nhân dân miền Nam thoát khỏi ách kìm kẹp của Mỹ - Ngụy. Và rằng từ nay đã chấm dứt chiến tranh, không còn phải chạy xuống hầm bởi sẽ chẳng còn máy bay ném bom. Đó cũng là ngày anh cả tôi đi bộ đội sắp được về phục viên, hoàn thành nhiệm vụ…

Lúc đó tôi chưa hiểu hết cụm từ “thống nhất”, “giải phóng”, “đại thắng”… chỉ thấy đường làng ngõ xóm rực rỡ trong sắc đỏ cờ hoa và biểu ngữ. Người người đổ ra đường, ai cũng hân hoan phấn khởi... Sau đó là nhiều đêm liên hoan văn nghệ với các bài hát tôi chỉ nhớ lõm bõm “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…”, “Biển trời bao la, đẹp như gấm hoa…”, “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay…” Nghe nhiều bài lắm, nhưng theo tôi suốt thời gian cắp sách “tuổi mực tím” là giai điệu của bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” – một sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Bài hát đó, qua lời giảng của các thầy cô giáo đã giúp tuổi thơ chúng tôi cảm nhận được thế nào là niềm vui thống nhất, là trọn vẹn  non sông. Và rồi những giai điệu ấy cứ ngấm dần trong tôi từ lúc nào không hay. Mỗi dịp kỷ niệm 30/4, những giai điệu đó lại cất lên trầm hùng, hào sảng, cuốn người nghe vào nhịp sống sôi nổi, tự hào. Sau này lớn lên, qua tìm hiểu sách báo và các tài liệu liên quan, lại được đào tạo chuyên về âm nhạc sư phạm, tôi mới hiểu thêm về hoàn cảnh sáng tác và sự nghiệp của tác giả của một bài ca đi cùng năm tháng ấy.

Ra đời vào ngày thống nhất đất nước, gắn với một sự kiện lịch sử ttrong đại của dân tộc, nhưng ca khúc  “Như có Bác trong ngày đại thắng” không chỉ được hát vào dịp 30/4, mà mỗi khi kết thúc liên hoan văn nghệ hay cuối chương trình giao lưu, hoạt động tập thể, người ta đều cất vang lời ca “Như có Bác trong ngày đại thắng”.

Bài hát được viết ở giọng son trưởng, theo thể hành khúc, với 8 câu hát vuông vức, ngắn gọn và giai điệu bình ổn dễ hát. Bài hát nhanh chóng đi vào lòng công chúng và được tất cả  mọi lứa tuổi đón nhận không chỉ bởi ca từ dung dị dễ hiểu, mà đó là tiếng nói của muôn triệu con tim vỡ òa bao xúc cảm trong thời khắc lịch sử trọng đại thiêng liêng, trước chiến thắng vang dội lẫy lừng của dân tộc.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể lại: Năm 1975, ông đang phụ trách biên tập âm nhạc ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Lúc này là cuối tháng Tư, miền Nam liên tục đưa tin dồn dập về những chiến thắng lớn, cứ đà này thì chẳng mấy chốc sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Nghĩ đến chiến thắng vĩ đại, ông dự định sẽ sáng tác một hợp xướng 4 chương với chương một là Miền Bắc lũy thép, chương hai Miền Nam thành đồng, chương ba Thế giới – Việt Nam và chương cuối cùng là Ngày vui chiến thắng. Nhưng rồi viết chẳng ra.

Khoảng 9 giờ 30 tối 28/4, khi Đài TNVN đưa tin phi công ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Ông chợt nghĩ: Chắc là vài ngày nữa sẽ giải phóng… Lúc này nếu viết hợp xướng chắc chẳng có ai ngồi nhà nghe cả. Rồi như một tiếng reo vui, tác giả cất lên “Việt Nam - Hồ Chí Minh”. Tìm thấy “tứ” nhạc rồi, ông viết liền một mạch và ca khúc bất hủ “Như có Bác trong ngày đại thắng” ra đời sau 2 tiếng đồng hồ.

Bài hát được thu thanh ngay và chiều 30/4/1975, sau khi Đài phát thanh tuyên bố thắng lợi ra với thế giới, giai điệu của ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” dõng dạc vang lên hùng tráng, tự hào. Bài hát được phát liên tục những ngày sau đó và có sức sống lâu bền, không chỉ kịp sử dụng dịp 30/4 lịch sử ấy, mà còn vang lên trong nhiều dịp liên hoan văn nghệ, cuối mỗi chương trình giao lưu. Bài hát cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được bạn bè quốc tế hát trong những sự kiện lớn.

Đã 39 năm qua đi, nhạc sĩ Phạm Tuyên có thêm biết bao sáng tác mới, nhưng ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” của ông mãi là tiếng reo vui của dân tộc trong ngày đại thắng. 39 năm qua đi, cha đẻ của ca khúc ấy giờ đã là một cụ già 80 tuổi, những người lính Cụ Hồ về giải phóng Sài Gòn năm xưa giờ đây tóc đã pha sương, nhưng ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” vẫn mãi tươi mới.

Thời gian như mài dũa thêm viên ngọc ấy ngày càng sáng trong, long lanh hơn trong dòng nhạc Cách mạng Việt Nam, để thế hệ sau vẫn mãi hát “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Giai điệu trầm hùng ấy không chỉ vang lên trong dịp 30/4 hàng năm, mà còn tiếp tục vang mãi trong mỗi sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam, như hai danh từ Việt Nam - Hồ Chí Minh mãi mãi là niềm tự hào của mọi thế hệ người dân Việt Nam.  

Diễm Nguyệt