Ngành Y… trị “bệnh phong bì” – Dao sắc không gọt được chuôi

(Dân trí) - VN có những căn “bệnh” mà chắc tìm đỏ mắt khắp thế giới không nơi nào khác có như “bệnh thành tích”, “bệnh hình thức”, “bệnh sĩ”, “bệnh phong bì”… Bệnh nào cũng nghiêm trọng mà ngay cả ngành Y dù có sự hỗ trợ của bao thiết bị hiện đại cũng vẫn bó tay.

Khi đưa phong bì trở thành phản xạ (minh họa: VietnamNet)
Khi đưa phong bì trở thành "phản xạ" (minh họa: VietnamNet)

 

Xanh vỏ, đỏ lòng
 

Điều gọi là một phần kết quả nghiên cứu được công bố tại hội thảo “Chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế: Từ bằng chứng đến giải pháp” vừa được công bố sáng 6/6 tại Hà Nội thật ra cũng chỉ nêu ra những con số chứng minh cho một trong những căn bệnh trầm kha ở nước ta mà ai cũng đã biết, đã “thấm” nỗi đau để rồi dần dà dù không muốn cũng phải đầu hàng thực tế. Đó là “bệnh phong bì” với phần “ruột” càng lên tuyến trên càng phải nặng hơn.

 

Là con người, ai có thể dửng dưng khi đọc dòng tổng kết tuy ngắn ngủi nhưng có thể nói là nặng ngàn cân:  Càng lên bệnh viện tuyến trên, phong bì người bệnh “lót tay” cho bác sĩ càng dày. Ở những nơi bệnh nhân càng nặng, ở trong ranh giới của sự sống - chết thì bác sĩ càng có cơ hội nhận phong bì….

 

Thở than cho cái tình thế “dao sắc cũng không gọt được chuôi” (hay nói đúng hơn là dù có gọt được cũng không muốn gọt) của ngành Y tế nước nhà này, Manh Dat manhdatk5ccntt@gmail.com chua chát:

 

“Vấn đề này nan giải và tôi chắc không bao giờ có lời giải đáp - càng lên tuyến trên (TƯ) thì phong bì càng dày và càng nhiều. Hết lo phong bì cho bác sĩ để được khám thì lại đến cho y tá. Đến cả đi vệ sinh cũng mất tiền chứ đâu phải chỉ là lo chữa bệnh nữa. Thôi có bệnh thì phải chịu, chứ cái bệnh phong bì này của ngành y tế thì chắc không bao giờ chữa khỏi được”.

 

Tất nhiên chẳng ai muốn vơ đũa cả nắm, nhất là với những người đã không may mang bệnh vào thân với bao phiền não và tủi khổ rồi thì gặp được các y bác sĩ tốt, có tấm lòng, có tình thương người bệnh sao lại không biết ơn. Thậm chí còn “sống để dạ, chết mang theo”.  Thiên hạ chắc chắn chỉ mong ngành nào cũng sạch bóng tiêu cực, nhất là ngành Y tế, Giáo dục…

 

Thế nên cũng còn đó những lời ngợi khen, nhưng mà ít lắm, chỉ thưa thớt như những chiếc lá hiếm hoi còn sót lại trên cành sau những trận gió mùa thu. Và ước gì nhiều người trong chúng ta đã sai khi ca thán về ngành Y, để đáng bị nhận những lời chê trách như của Hà Lê  lengocha_91@yahoo.com.vn:

 

“Sao chỉ nhìn vào mặt tiêu cực của ngành Y vậy? Còn bao nhiêu bác sĩ, điều đưỡng hết lòng vì bệnh nhân sao không thấy ai đưa lên mặt báo? Những ngày nghỉ, ngày lễ Tết mọi người đi chơi vui vẻ thì sao không nghĩ đến những bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh vẫn phải thường trực cấp cứu, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân trong bệnh viện? Thế mới kịp thời cứu được bao bệnh nhân, mangg lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình…”   

 

Hoặc như lời phê ngược khá “nặng” của Liên Trương mimosahl@yahoo.com:

 

“Có thể số đông là như thế. Nhưng khi mình được các y bác sỹ  bệnh viện Tim mạch TƯ khám chữa bệnh, mình lại thấy  không phải thế. Các bác sỹ ở đây rất tậm tâm và không hề phải mất tiền phong bì như vậy đâu. Mình thấy đánh giá đó có lẽ cũng có phần… quan liêu”.

 

Nguyễn Việt Dũng  bmpro89@gmail.com bổ sung:

 

“Bài viết này đúng nhưng chưa đủ. Theo tôi nhận thấy, việc đưa phong bì chỉ diễn ra mạnh mẽ từ Quảng Bình trở ra, nói thế nghĩa là chỉ có ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Bạn thử đi vào các bệnh viện như Bệnh viện TƯ Huế hay Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, thì sẽ biết không bao giờ có chuyện y bác sỹ ở đây nhận phong bì của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân! Bài viết có tình chất bao quát nhưng lại để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp, vì có lẽ người viết chưa nắm hết được tình hình hiện nay trong giới Y học! Bạn cần có nhiều thực tế hơn để viết bài được sắc nét hơn”.

 

Thậm chí nếu lỗi thuộc về mình như lời phán  (rất giống với “lý luận” của vài vị giới chức cấp cao ngành Y tế) của  Tuan den tuanden96@yahoo.vn thì người dân cả nước cũng còn có thể… mừng một chút:

 

“Đưa phong bì ở bệnh viện trước hết là lỗi ở bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vì muốn mình được quan tâm hơn người khác, được cấp thuốc tốt hơn người khác, thậm chí được chuyển viện theo yêu cầu hoặc được sử dụng kỹ thuật cao trong khám và điều trị… Và nếu tính bài toán kinh tế thì đưa phong bì hiệu quả hơn là không đưa. Ví dụ bệnh nhân thấy đau đầu đi khám bệnh, muốn chụp cắt lớp cho yên tâm nhưng bác sỹ không đồng ý vì xét thấy chưa cần thiết. Nhưng nếu quen thân, người nhà lãnh đạo, hoặc có phong bì thì được chụp ngay. Chính chúng ta làm hư bác sỹ. Còn nói về bác sỹ họ cũng là con người, ai thấy tiền chẳng thích. Thử hỏi trong xã hội ta hiện nay có việc gì là không phải lót phong bì không? Thậm chí đến nhận xác của người thân cũng còn phải phong bì kia mà???”
 
(minh họa của NOP, nguồn từ Internet)
(minh họa của NOP, nguồn từ Internet)
 

Lại chuyện... phải tự nguyện

 

Muốn xác định là tự mình làm ra mọi cái sai, tự mình là nguyên nhân gây ra cơn trọng bệnh phong bì cho ngành Y tế lắm, nhưng thử hỏi có được tỉ lệ bao nhiêu phần trăm người dân chúng ta tin vào các lý sự đó?   

 

Hãy xem những người “tự thích đưa phong bì” bộc bạch nỗi niềm đau khổ của tình thế “tự nguyện bắt buộc” như thế nào nhé!

 

“Nhà nước ta là nhà nước XHCN thì lẽ ra vấn đề y tế và giáo dục phải được ưu tiên lên hàng đầu, để người dân không phải mất tiền mà vẫn được hưởng các dịch vụ tốt nhất. Nhưng thực tế mỗi lần đưa người thân đi viện đều thật là cực khổ, mang trọng bệnh mà không có tiền xem như mang án tử. Bác sĩ  tốt có năng lực thì ít, mà bác sĩ có năng lực nhưng tham lam +  bác sĩ kém năng lực giờ xem ra lại nhiều. Xin hỏi các vị Bộ trưởng xem vấn đề này là do: cơ chế quản lý, do cách điều hành hay chỉ do lòng tham của con người? Và cách giải quyết sẽ như thế nào, chứ không lẽ cứ để vậy mà không giải quyết?” - Long:  kytucxa2003@yahoo.com

 

“Bệnh nhân đưa phong bì thế nào là tự nguyện? Hình thức thì bệnh nhân hay người nhà bênh nhân là tự nguyện, nhưng là sự tự nguyện trong cái thế bị o ép, ép buộc. Không đưa thì bác sĩ làm khó, bảo chờ, đi ra đi vào nhiều lần nhưng vẫn bỏ mặc bệnh nhân, bác sĩ không nhũng nhiễu nhưng chỉ… làm khó. Ai lại nói ra trực tiếp là anh/chị phải đưa cho tôi 1 triệu hay 2 triệu thì tôi mới cấp cứu???

 

Tôi đưa nhiều người nhà đi nhiều BV khác nhau ở HN, thấy ở đâu cũng vậy cả. Vợ đi đẻ lót tay 1triệu. Anh họ ung thư đang bị bản án tử hình treo trên đầu, nhưng nhập viện BM 3 ngày không được giải quyết gì, cứ mang tiếng là được nhập viện nhưng phải thuê nhà bên ngoài tá túc, hàng ngày chạy vào viện hỏi thì bị BS mắng. Nhưng sau khi lót tay BS H. khoa UB thì ngày hôm sau có phác đồ điều trị ngay. Y BS gì mà lại ăn tiền của bệnh nhân sắp chết hở trời!!!” - Trung:  lxuantrung@ymail.com

 

Đáp lại những biện giải rằng đây là tình trạng chung, để vào được ngành đã phải “chạy” hàng chục, hàng trăm triệu. Rồi lương không đủ sống, không đủ bù lại lượng chất xám bỏ ra, ai cũng vậy mình không làm sẽ thiệt thòi… Người dân nói chung và người bệnh nói riêng có lập luận khác, bởi đâu phải chỉ nhân viên ngành y là khổ cực nhất, vất vả nhất mà lại thiệt thòi nhất. Còn các ngành khác như làm nông nghiệp khai thác mỏ, lực lượng vũ trang… thì nhẹ nhàng và “sướng” hơn ư?

 

“Người làm ngành y phải có tấm lòng hướng thiện, khi họ hoàn thành tốt công việc của mình thì bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân chắc cũng chẳng tiếc tiền một vài ngày đi chợ đâu. Nhưng với những người đáng nhận thì mới nên nhận. Có những người nhìn họ hoàn cảnh đã quá khổ rồi, thì hãy đừng nhận nữa để tạo phúc cho chính mình và con cháu mình, các bạn ngành Y nhé. Kể ra thì cũng lắm chuyện còn bật cập thật, nào là ngành y có được làm thêm hay không, rồi nào là không được nhận phong bì, nào học thì lâu hơn mà lương ra trường chỉ 2 -3 triệu chưa đủ tiền thuê nhà, tiền điện thoại, xăng xe… Còn trực đêm hôm, ngày lễ Tết… Đó là còn chưa tính các khoản khác. Nào lời than ‘Chắc người ngành y phải sống bằng không khí mất?” - AN:  thuyr_an@yahoo.com

 

“Lương y lấy chữ đức làm đầu, cứu mạng người phúc đẳng hà sa, không làm được vậy xin đừng vào ngành y tế. Suy cho cùng chẳng ai thích thú gì khi đưa phong bì, một người mắc bệnh cả nhà mắt xanh. Sống bằng nỗi đau của đồng loại thì có ích gì, cuộc đời luôn có nhân quả cả đấy!” - Duy Phương:  duyquymonitor@gmail.com

 

Thế nên ai có thể nói rằng bệnh phong bì trong ngành Y là sự công bằng, là điều hiển nhiên phải có ở bất kỳ xã hội nào? Hay đó chỉ là những lời biện bạch cho tệ cửa quyền, tự cho mình cái quyền đứng trên nỗi khổ của các bệnh nhân bởi khi họ đã buộc phải trao thân gửi phận vào cửa của mình rồi, thì mình có quyền thu vén cho bản thân càng nhiều càng tốt…

 

“Nói Không với phong bì mà ngược lại, thời buổi này di viện mà không phong bì cho bác sỹ, y tá thì chỉ có nước… chờ chết thôi. Mà nhiều bệnh viện tôi thấy hộ lý cũng có ô tô riêng đi làm nữa đấy, oách không” – Duc Minh:  ducminhgmai.com@gmai.com

 

“Đúng là tệ nạn phong bì quá ghê gớm, như bài viết trên tôi thấy rất đúng. Ở VN nói chung và ngành y tế nói riêng, sự thờ ơ, vô trách nhiệm, thái độ lạnh lùng của y bác sỹ khi chưa có phong bì, còn khi nhận rùi thì tỏ ra quan tâm sát sao….là phổ biến. Tôi là nông dân, khi đưa con đi bệnh viện tiền thuốc còn không lo đủ được thì sao có tiền phong bì chứ. Xã hội hiện đại mà sao vẫn bất công quá!” - Vũ Văn Luyến:  netnam_638@yahoo.com

 

“Xin thưa, không có phong bi thì y BS gây rắc rối liền. 1 lần tôi đưa cô em dâu đi sinh, phải sinh mổ. Gia đình bồi dưỡng cho BS mổ là 1 triệu đồng, sau khi mổ xong em bé được đưa về khoa sản để kiểm tra sức khỏe. Kiểm tra xong BS gọi tôi đến đón cháu, khi tôi đến 1 ông y tá bảo bồi  dưỡng cho khoa 200.000 đồng.  Tôi nói gia đình có bồi dưỡng cho ca mổ  1 triệu rồi, y tá nói: đó là của ca mổ, nếu ở khoa không có 200.000đ nữa thì cứ để bé nằm đó. Tôi phân trần không còn tiền, phải chờ người đem tiền đến,  thế là y tá bắt tôi để bé nằm đó cho tới khi  tôi đi lấy được 200.000đ đưa cho khoa…. Lúc đó tôi thật bức xúc trước  thái độ của khoa Sản, bệnh viện tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng không biết phải làm sao (vì con em chúng tôi còn đến đó sinh đẻ mà). Thử hỏi “Lương y như từ mẫu” ở đâu?” - Thanh Phương:  girlu60_vn@yahoo.com.vn

 

“Ối trời ơi, 'Phong bì là điều đầu tiên khi bước chân vào cửa bệnh viện. Nếu không có tiền thì đi vay tiền rồi hãy vào bệnh viện khám và gặp bác sỹ nhé, không bác sỹ bảo về đi mai khám thì tiền thuê taxi đi và về còn… vỡ mặt hơn. Con tôi bị bỏng, tôi thuê taxi ra viện bỏng, khi vào phòng khám bác sỹ cũng bảo về đi mai khám. Tôi phải vội xì tiền vào túi bác sỹ phòng khám thì mới được bố trí vào viện đấy. Khi nằm viện thì bác sỹ và y tá cứ như là nỗi đe dọa với người nhà bệnh nhân vậy. Không cho tiền thì tiêm chết đau con mày, không tiền thay băng thì bác sỹ, y tá giựt cho bay mảnh da mới ghép là điều đương nhiên. Nói chung con tôi đi viện trung ương và tỉnh huyện nên tôi biết THẬT LÀ NHỤC KHI PHẢI ĐI VIỆN. Nếu bệnh viện tư nhân mà thanh toán được bảo hiểm thì chắc là tôi chọn bệnh viện tư hơn, chứ vào bệnh viện nhà nước… MỆT LẮM!!!” – Nguyen Ha:  duonglamha@gmail.com

 

“Khổ lắm các bác ơi! Đã đi viện là khổ lắm rồi, lo người bệnh, lo tiền nhờ bác sỹ chăm sóc. Khó khăn mấy cũng phải cố gắng cho bằng chị bằng em, không thì nhỡ ra bác sỹ, y tá chơi xấu là mình chết người nhà…. Tôi đề nghị nhà nước thu phí nặng một chút nhưng chỉ một lần, chứ nếu thu như thế này rồi vẫn phải chi thêm cho từng bác sỹ , kể cả y tá, người tiêm, người thay băng… thì quá tội. Nếu không có tí lót tay thì bác sỹ, y tá không vui , nhỡ tay họ giật băng, chọc kim tiêm mạnh thì khổ cho bệnh nhân lắm. Cầu trời cho mọi người khỏe mạnh để không phải vào bệnh viện!!!” – Bui Van Luan:  Luanbui59@yahoo.com

 
(minh họa, nguồn: Xaluan.com)
(minh họa, nguồn: Xaluan.com)
 

Mệnh lệnh Trái tim

 

Chiếc phong bì nếu chỉ làm đúng chức năng của nó như trên toàn thế giới vẫn vậy, đó là chứa những phong thư, tấm thiệp…  làm nhiệm vụ cầu nối tình cảm, thông tin, sự quan tâm mà con người dành cho nhau thì thật đáng quý và cũng đáng mừng. Thứ nào việc nấy mà. Có thể trong một vài hoàn cảnh nào đó, phong bì có “ruột” có thể được chấp nhận như một số người vẫn giữ quan niệm có phần thực tế hơi theo kiểu Á đông:

 

“Phong bì chẳng có gì đáng bàn nếu đó là một hình thức biểu hiện sự biết ơn và hoàn toàn tự nguyện. Điều đáng bàn là ở chỗ nếu bệnh nhân không có  hoặc không thể có phong bì, liệu họ được đối xử bình đẳng và nhiệt tình? Rất khó tin khi hiện tượng đưa phong bì đã trở thành một thông lệ. Tốt nhất là nhà nước cần tạo điều kiện sống và làm việc tốt hơn cho y, bác sĩ. Đồng thời cần có biện pháp ngăn ngừa hiện tượng này. Mặt khác, bản thân các thầy thuốc phải thực sự coi trọng cái tâm, để luôn coi chữa bệnh là "mệnh lệnh" của trái tim” - Hương Đông:  tranducxa@gmail.com

 

Nhưng mà nói vậy e là lại quá xa rời thực tế lâu nay trong ngành Y của VN ta mất rồi.

 

“Sự thật rõ ràng như thế, ai ai cũng biết. Vậy mà tôi nhớ lại lần trả lời trực tuyến gần đây của Bộ trưởng Y tế,  bà lại nói: "Bản thân các bác sĩ của tôi không nhận phong bì, nhưng vì các bệnh nhân cứ đưa nên các bác sĩ phải nhận…" - Người đứng đầu  ngành còn nói vậy thì hỏi sao phong bì không dày cho được. Nhưng còn đạo đức và lương tâm nghề nghiệp thì sao, chỉ vì có một bộ phận (dù thực ra giờ đã chiếm số đông) như thế mà làm mất hết giá trị cao cả của ngành Y thì thật đáng buồn thay!!!” - Dinh Van Ta:  dinhvanta@gmail.com

 

Quả là đáng buồn lắm lắm, nhưng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” cũng chẳng thay đổi được gì đâu, vì cản ngại lớn nhất vẫn là… CÁI RUỘT PHONG BÌ TỘI LỖI ĐÓ, chứ ai chẳng có trái tim…

 

Kiều Anh