Bạn đọc viết:

Ngành GTVT xem lại những bài học từng phải rút kinh nghiệm

(Dân trí) - Dư luận tiếp tục nóng bỏng quanh chủ đề thu phí bảo trì đường bộ. Dưới đây là một số bài viết nhấn mạnh những khía cạnh người dân muốn được rõ trước khi việc thu phí được triển khai. Nhất là những bài học mà ngành GTVT từng phải rút kinh nghiệm.

Ngành GTVT xem lại những bài học từng phải rút kinh nghiệm
... Sẽ lãng phí nhiều trạm thu phí đã xây dựng (ảnh minh họa: Thanh Niên)
 

Việc quản lý, sử dụng quỹ

 

Tôi rất đồng tình về chủ trương thu phí bảo trì đường bộ. Tuy nhiên tôi cũng rất lo ngại về việc quản lý cũng như sử dụng Quỹ này, bởi vì hiên tại các cơ quan nhà nước đang bị mất lòng dân về tính minh bạch và quản lý. Tôi không chê về trình độ quản lý của các quan chức Việt Nam, mà chỉ lo các quan chức cố tình "nương tay" với nhau để có những cách lấy tiền của dân thành của riêng.

 

Hãy nhìn vào thực tế.....chỉ cần lướt sơ qua cũng thấy các quan chức nhà nước ở vị trí cao.....thu nhập từ lương của họ có thể khoảng 40-50 triệu đồng 1 tháng.... Tuy nhiên ông nào cũng biệt thự, nhà ở trung tâm, xe hơi đắt tiền.......vậy tiền này ở đâu ra?????

 

Hơn nữa các công trình xây dựng nói chung và đường sá nói riêng, chỉ xây vài năm đã bị hư hỏng và phải sửa chữa (chi phí xây dựng cho các công trình này không hề rẻ). Cuối cùng thì hậu quả lại vẫn người dân phải gánh chịu.

 

Nói tóm lại, nếu mức phí vừa phải và quản lý công khai, minh bạch....không tham ô, tham nhũng thì người dân luôn ủng hộ nhà nước để cùng nhau xây dựng đất nước. Tuy nhiên việc thu phí cũng phải phù hợp với thu nhập của người dân và người dân thấy chấp nhận được. Tránh tình trạng các cơ quan nhà nước đua nhau thu phí của dân, dẫn đến thu phí chồng chéo làm người dân càng ngày càng khổ.....Như thế lòng dân bất an thì cũng khó cho công tác điều hành nói chung…

 

Bạn đọc có email:  nam_phanhoai@hotmail.com

 

Sự công bằng dù chỉ là “tương đối”

 

Nếu thu phí đường bộ đồng loạt trên các đầu xe thì quả là không công bằng chút nào, vì tạo chênh lệch quá lớn nếu đưa ra so sánh giữa các loại phương tiện, cho nên không thể nói "chỉ là tương đối".

 

Các doanh nhân, doanh nghiệp thì tất nhiên Nhà nước đã nắm được hết vì họ phải đăng ký kinh doanh và có giấy phép kinh doanh. Theo đó, các phương tiện của họ hoạt động nhiều và thu phí ắt là đúng đối tượng.

 

Nhưng ngoài ra và lại là đại đa số phương tiện của người dân hoạt động hàng ngày theo nhu cầu đi lại trong mưu sinh, thì không lấy đâu ra tiền để đóng phí (đối với doanh nhân thì vài chục triệu hoặc vài trăm ngàn là chuyện nhỏ, nhưng với người dân, đặc biệt là đối tượng hưu trí, học sinh sinh viên, người thất nghiệp, người có hoàn cảnh khó khăn....thì là chuyện lớn rồi).

 

Vì vậy, nếu thu phí đồng loạt theo đầu phương tiện thì gánh nặng đè lên người dân quá lớn. Vậy là không đúng với định hướng XHCN, vì hàng năm  người dân phải chịu áp lực tăng thêm nhiều loại thuế và tăng giá trên nhiều mặt hàng, nên đời sống nhân dân ngày càng khó khăn.

 

Tóm lại, tôi thấy việc thu thuế đồng loạt theo đầu phương tiện là hết sức bất công bằng, trái hẳn với những nội dung trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu: "Đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khắc phục tình trạng bất hợp lý và tác động tiêu cực của quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập hiện nay".

 

Hoàng Trinh 

email:  hoangvantrinh2001@yahoo.com

 

Ngành GTVT xem lại những bài học từng phải rút kinh nghiệm
Thu phí trực tiếp qua đầu phương tiện rất bất hợp lý (ảnh minh họa: Thời báo KTVN)
 
Minh bạch về giá xăng dầu

 

Cách làm của Cục Đường bộ thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô và mang tính cục bộ. Bản chất của vấn đề quản lý ở đây là sự minh bạch về giá xăng dầu.

 

Nếu giá xăng dầu là minh bạch thì có thể thu tất cả các loại phí liên quan đến giao thông qua xăng dầu. Sau đó tách ra cho các loại quỹ khác nhau, ví dụ: giá xăng dầu (giá kinh doanh) là A, phí bảo trì đường bộ là 1% A, thuế nhập khẩu 3% A, phí môi trường 0.5% A.....Tổng tất cả các thành phần trên tạo thành giá bán lẻ xăng dầu. Làm như vậy sẽ có mấy cái lợi như sau:

 

1. Dễ chấp nhận với người dân vì ít phải giải thích vòng vo mỗi lần phát sinh ra một loại phí mới (đơn giản chỉ tăng giá xăng dầu).

 

2. Tính minh bạch và công bằng cao vì nhà nước kiểm soát được giá kinh doanh xăng dầu, người sử dụng phương tiện nhiều (dùng nhiều xăng) sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn người ít sử dụng.

 

3. Tối ưu hóa việc sử dụng phương tiện giao thông để giảm thiểu chi phí như sử dụng các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu (thay đổi công nghệ), hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân khi không thật cần thiết...

 

Tuy nhiên, cách tính qua giá xăng dầu đòi hỏi cơ quan quản lý phải:

 

1. Có sự phối kết hợp tốt giữa các bộ/ngành như Tài chính, Công thương, Giao thông VT, Tài nguyên Môi trường và các địa phương.

 

2. Minh bạch việc làm giá xăng dầu cũng như sử dụng các loại phí.

 

Đây là việc khó nhưng chắc chắn phải làm vì thế giới làm được và Việt Nam không thể là ngoại lệ.

 

Bùi Thanh Long

email:  Long123@yahoo.com

 

Ba giải pháp giảm ùn tắc

 

Thu phí chỉ là biện pháp chữa cháy, khiến chí phí vận tải tăng, góp phần vào đẩy chi phí lên cao. Trong khi có ba giải pháp sau đây có thể coi là gốc rễ, chỉ cần vài năm có thể giải quyết bài toán giao thông:

 

Cách đây 15 năm, một chuyên gia giao thông đã cảnh báo về nạn ách tắc giao thông với các ước tính về tỉ lệ mặt lộ trên đơn vị xe, mật độ dân số và mức độ thiệt hại. Và giờ đây  nạn kẹt xe đang gây tác hại to lớn về nhiều mặt (giờ lao động, vận chuyển, môi trường, tâm lý, kế hoạch phát triển…) Chúng ta nên cùng nhau tìm hướng giải quyết trước mắt và dài hạn cho vấn đề này.

 

Theo ông Bernd Lukenheiner, Giám đốc tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ), mức độ đô thị hoá ở Việt Nam hiện nay khá thấp, khoảng 28%. Ngoài ra, việc tăng số lượng xe máy (8%/năm) và xe hơi cá nhân (20%/năm) là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông ở những thành phố lớn của Việt Nam. Vậy nên cần:

 

1/. Trả lại lộ giới:

 

Đây là phương án dài hạn, căn cơ nhất giúp mở rộng nâng tỉ lệ mặt đường, giải quyết tận gốc vấn nạn giao thông mà không tốn một đồng kinh phí.

 

Với  mật độ diện tích đường trên diện tích chung của thành phố hiện nay là 1,7% trong khi tiêu chuẩn chung phải từ 20-25%, thì ách tắc giao thông sẽ là chuyện dài nhiều tập. Điều đầu tiên là cần nghiêm cấm không cho xây dựng trên lộ giới. Cho đến nay các hộ dân vẫn được phép giữ lại phần lộ, hẻm giới để làm tường rào, sân sau khi xây dựng. Thậm chí rất nhiều hộ còn tranh thủ lấn ra thêm. Như thế, công dụng của các hẻm và lộ nhỏ vẫn không thay đổi, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác an ninh, phòng cháy chữa cháy, giao thông…

 

Kèm theo là việc giải toả bắt buộc các hộ còn lại với các đoạn đường nào có trên 50% hộ đã xây thụt vào đúng quy định về lộ giới, trả lại lộ giới cho giao thông. Phương án này không tốn kinh phí nhưng rất hiệu quả nếu chính quyền địa phương quyết tâm triển khai. Khi thực hiện triệt để phương án này, theo tính toán sơ bộ của chúng tôi: trong khoảng 3-5 năm, diện tích mặt đường trên đơn vị xe sẽ tăng gấp đôi, có thể đủ đáp ứng với tỉ lệ tăng đầu xe trong những năm sắp đến. Trong thời gian đầu có vẻ sẽ hơi kém mỹ quan khi các hộ xây dựng trả lại lộ giới, nhưng khi hoàn thành chúng ta sẽ có những con đường khang trang, đẹp đẽ.

 

2/. Chặt góc giao lộ:

 

Ngoài phương án cấm xây dựng trên lộ, hẻm giới để mở rộng lòng đường, hẻm trong vòng vài năm, chúng tôi xin đề nghị một giải pháp mang tính đối phó và đồng thời hỗ trợ cho giải pháp thứ nhất là: “chặt góc giao lộ” theo lộ, hẻm giới (hoặc rộng hơn nếu cần thiết).

 

Biện pháp này  rõ ràng không hao tốn nhiều kinh phí, lại có thể triển khai nhanh chóng góp phần giải toả ngay ách tắc giao thông tại nhiều tuyến đường trong đô thị. Các góc giao lộ sau khi giải toả sẽ được xây dựng theo hình đường vòng cung để các phương tiện giao thông quẹo phải thuận tiện hơn.

 

Tuy nhiên biện pháp này có thể gặp phải 1 số ý kiến phản đối, đặc biệt từ các chủ hộ, chủ công trình liên quan vì quyền lợi của họ trên các vị trí ‘đắc địa’ bị đe doạ. Nhưng vì quyền lợi của quốc gia, vì sự phát triển bền vững của kinh tế của các thành phố lớn, chúng ta phải hy sinh quyền lợi một số cá nhân nêu trên.

 

3/. Xây cầu vượt các nút giao thông cổ chai:

           

Các nút giao thong thường hay ùn tắc nên dành kinh phí ưu tiên xây cầu vượt.

 

Lưu ý: các giải pháp trên có thể áp dụng thí điểm tại TPHCM.

 

Nguyễn Đức Châu

 
Ngành GTVT xem lại những bài học từng phải rút kinh nghiệm
Đường nông thôn với chất lượng thế này, người dân vẫn phải đóng phí? (ảnh minh họa: nld.com.vn)
 

Bản chất phí bảo trì đường bộ và lệ phí giao thông có gì khác nhau?

 

Thu lệ phí giao thông tinh theo đầu phương tiện không phải là điều bây giờ ngành GTVT mới làm. Trước đây ngành đã có hình thức thu lệ phí theo đầu phương tiện và các sở giao thông đã tổ chức thu lệ phí thông qua một hệ thống phòng thu lệ phí. Mỗi phương tiện đều có sổ nộp lệ phí giao thông để các cơ quan quản lý kiểm tra lúc lưu thông trên đường.

 

Nhưng hình thức này sau hàng chục năm thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập, lãng phí như: phải có hệ thống quản lý thu rất cồng kềnh, phát sinh nhiều tiêu cực trong việc kiểm tra kiểm soát trong lúc phương tiện lưu thông, bất công bằng giữa phương tiện hoạt động ít và phương tiện hoạt động nhiều .... Vì vậy mà sau đó Chính phủ đã bãi bỏ hình thức thu lệ phí này và chuyển qua hình thức thu lệ phí thông qua nhiên liệu.

 

Bây giờ Bộ GTVT lại nghĩ ra việc thu phí bảo trì đường bộ trực tiếp trên đầu phương tiện. Thử hỏi về bản chất phí bảo trì đường bộ và lệ phí giao thông thì có gì khác nhau? Tại sao những người quản lý ngành GTVT hình như không nhớ tới những bài học mà những người tiền nhiệm trước đây đã từng trải qua và đã từng phải rút kinh nghiệm? Phải chăng họ muốn sinh ra một hình thức kiếm tiền kiểu mới, vẽ ra việc để tăng thêm bộ máy chính quyền, tăng thêm thu nhập cho các cơ quan kiểm tra kiểm soát???

 

Theo tôi, đây có thể coi việc thu phí này như một biện pháp lại gây bất an cho người dân, góp phần làm nghèo đất nước. Mong các vị đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ suy nghĩ lại trước khi ban hành quyết định.

 

Hoàng Minh 

email:  minhhieu1207@gmail.com