Ngàn cánh hạc bay gửi nhà báo Hoàng Khương

(Dân trí) - Cùng với tiếng nói của Hội Nhà báo VN, những lời cảm thông, sẻ chia, phân tích vấn đề từ nhiều khía cạnh… được bao bạn đọc cả nước phản hồi tới Diễn đàn Dân trí suốt thời gian qua, thêm một lần nữa củng cố điểm tựa niềm tin cho chúng tôi…<br><a href='http://dantri.com.vn/c702/s702-643912/Vu-Hoang-Khuong-voi-hang-loat-cau-hoi.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Vụ Hoàng Khương với hàng loạt câu hỏi?</b></a>

Nhà báo Hoàng Khương
Nhà báo Hoàng Khương

 

Dấn thân: Coi chừng tai nạn và cạm bẫy!

 

Chúng tôi là những người làm báo thuộc thế hệ đi trước phóng viên Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ khá lâu, có lẽ phần lớn đều không biết anh. Nhưng khi biết tin không hay lại xảy ra với 1 phóng viên báo Tuổi Trẻ, chắc hẳn lòng ai cũng đau xót và cũng không thể tránh được nỗi chạnh lòng “trông người lại ngẫm đến ta”…

 

Bản thân tôi cũng từng có thời gian vài năm làm phóng viên nội chính, tự cho là cũng nếm trải kha khá đắng cay của sự nghiệt ngã từ 1 trong những nghề nguy hiểm này. Quả thật làm phóng viên mảng này vừa nhiều cạm bẫy, vừa lắm tai nạn nghề nghiệp bởi ranh giới ĐÚNG – SAI nhiều khi rất khó nhận biết, khó được xác nhận.

 

Hơn nữa, càng “máu” nghề nghiệp, phóng viên càng chịu nhiều sức ép bởi để có được những thông tin hay, nóng hổi, độc đáo (hoặc nói như người trong nghề vẫn tôn vinh nhau là “thể hiện đẳng cấp”) thì càng phải chịu dấn thân. Mà đã dấn thân cũng tức là phải đối mặt với nguy cơ bị sập những cái bẫy vô hình có khi ác nghiệt đẩy mình vào vòng lao lý, thậm chí đối m ặt với cả nguy cơ... bỏ mạng.

 

Thật đúng là nếu như trong thời chiến các nhà báo chiến trường có thể bị thương hoặc tử nạn giữa làn đạn, thì ngay cả trong thời bình các nhà báo nếu dấn thân tới quên cả những bài học giữ đường rút an toàn cho mình, thì cũng rất có thể sập bẫy hoặc chết vì những cái có thể gọi là “viên đạn bọc đường”.

 

Qua những trải nghiệm thực tế, những người làm báo thời Đổi Mới chúng tôi càng thấu hiểu nỗi gian truân của sự dấn thân, để càng thấm hơn những câu hỏi vẫn đang day dứt trong lòng bao người: Nhà báo được sử dụng nghiệp vụ điều tra đến đâu?  "Nhập vai" đến đâu là an toàn?...

 

Song có 1 điều mà ngay cả nhiều người ngoài cuộc như bạn đọc Nguyễn Ngọc Minh cũng hiểu. Đó là: “Không vào hang cọp làm sao bắt dược cọp. Nhà báo phải tự mình dấn thân chứ, sao lại kết tội được?”

 

Như để trả lời cho câu hỏi trên,Việt Hưng bày tỏ nỗi ngờ vực: “Đúng là án tại hồ sơ. Tôi nghĩ ở đây ngay từ đầu có lẽ hồ sơ đã được lập theo hướng truy tố vi phạm đến cùng, nên kết quả có thể… đã biết trước khi xử. Chỉ tiếc cho một nhà báo luôn tận tụy trong công cuộc chống tham nhũng mà lại bị như thế. Còn các cơ quan tố tụng, sao không biết cho? Nhà báo luôn làm việc với tôn chỉ "nói có sách, mách có chứng", nếu họ không làm vậy thì có xử được mấy ông "kẹ" ngoài đường đó không????”

 

Nhiều phản hồi khác cũng nêu ví dụ để so sánh tương tự như HN: “Ngay cả các chiến sĩ công an khi đánh án ma túy còn phải đóng giả là người đi mua ma túy nhiều lần mới phá án được. Điều đó gọi là biện pháp nghiệp vụ, còn báo chí gọi là tác nghiệp".

 

Cũng về sự cần thiết phải nhập vai như thật, Lê Hoàng nhấn mạnh: “Thật không công bằng giữa công an hình sự và nhà báo. Các bạn thấy đấy, để có những chứng cứ quan trọng thì các chiến sỹ công an phải nhập vai các phần tử "xã hội đen" tiêu tiền như "đại ca", bắt được tội phạm là nhờ kết quả của công an nhập vai. Khi đưa vụ án ra xét xử, các chiến sỹ công an nhập vai này được tuyên dương, được cấp này khen, cấp khác tặng thưởng... Nhưng nhà báo Hoàng Khương thì sao? 4 năm tù là “thành quả” chăng? Vậy chúng ta nhìn nhận 2 vấn đề này như thế nào đây? Hội Nhà báo cần lên tiếng bảo vệ hội viên. Chúc anh Khương sức khỏe. Tuổi trẻ luôn ở bên anh. Các bạn... mỗi người hãy gửi một tin nhắn đến anh Khương lúc này, để cùng giúp xoa nhẹ nỗi đau không chỉ của riêng anh mà cũng là của mỗi chúng ta”.

 

Quả có vậy, mặt trận chống tham nhũng tuy không có tiếng súng, nhưng độ phức tạp cùng những đầu dây mối rợ nhằng nhịt của bao vấn đề thật sự có thể ví như các ma hồn trận, mà người không dày dạn kinh nghiệm dễ “lầm đường lạc lối” mất cửa về như chơi. Chẳng thế mà Le Ngoc An nêu rõ: “… Phải coi nhà báo như là chiến sỹ thì mới có cách nhìn đúng với bản chất vấn đề. Thực hiện nghiệp vụ báo chí (trong những vụ việc như thế này) là hết sức nguy hiểm, song cũng là thể hiện quyết tâm góp phần quét sạch tiêu cực, tham nhũng…làm trong sạch XH”.

 

Hồng nói thay lời tỏ bày tấm lòng của bao đồng nghiệp: “Qua sự phân tích trên của tác giả, đứng trên cương vị vừa là đồng nghiệp vừa là khách quan, nhà báo Bùi Hoàng Tám đã phân tích rất có lý và có tình. Cái tình ấy hợp với đông đảo bạn đọc (kể cả các nhà báo và những người thực thi pháp luật). Hơn nữa, tôi thấy pháp luật đề ra các Luật như: Luật giáo dục, Luật Báo chí… nhưng khi xét xử muốn xử gì thì xử cũng cần xem xét thêm các quy định về luật ngành, luật nghề… rồi mới xem xét tới Luật Hình sự (nếu vụ việc nghiêm trọng) chứ. Bỏ qua luật ngành là không được. TÔI ĐỒNG Ý VỚI BẢN KIẾN NGHỊ CUẢ HỘI NHÀ BÁO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH!”

 

Phạm Thị Minh Tâm nói thay nỗi băn khoăn, lo ngại của những đồng nghiệp tương lai: “Sinh viên Báo chí chúng tôi chạnh lòng khi nhìn vào cái giá phải trả cho những đàn anh dũng cảm sống chết với nghề. Liệu rằng nhìn vào "hiểm nguy" có thể phải đối mặt này, chúng tôi có còn dám dũng cảm nữa không? Đừng làm mờ bầu trời xanh của thế hệ trẻ…”
 
Nhà báo Hoàng Khương
Cha của nhà báo Hoàng Khương (áo trắng, giữa) đưa mắt tìm con giữa sân tòa án (ảnh: báo Người Lao động)

 

Như ngàn cánh hạc chở điều ước

 

Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai… Đó âu cũng là 1 trong những kinh nghiệm xương máu mà các bậc tiền nhân truyền lại để răn dạy mỗi người trong chúng ta về những éo le, lắt léo trong cách đối nhân xử thế của không ít người đời. Song vẫn còn đó tình người trong khổ đau, hoạn nạn, những tấm lòng nhân hậu biết cảm thông và sẻ chia...

 

Những thông điệp gửi tới anh Hoàng Khương của bao người không quen biết, giờ đây có lẽ thật ý nghĩa như ngàn cánh hạc giấy được ngàn cánh tay cùng gấp để tỏ bày tâm nguyện: Chúc may mắn cho Hoàng Khương.

 

Lá phong đỏ: “Chúc anh Hoàng Khương sức khỏe và nghị lực để vượt qua được tai nạn này. Hy vọng Hội nhà báo VN đủ bản lĩnh để bảo vệ hội viên của mình. Có lẽ các nhà báo khác cũng nên cùng lên tiếng đi chứ!"

 

Bac Viet.tp: “Tôi theo dõi vụ xử NB Hoàng Khương qua nhiều kênh thông tin, tôi thấy bản án của tòa án là quá bất công. Mong anh mạnh khỏe, sớm được về thăm mẹ già...”

 

Trần Văn Hùng: “Đây có lẽ là thể hiện rõ nhất "góc nhìn của tôi", rõ là lăng kính ngược. Mong các nhà hoạt động pháp luật hãy nhìn nhận bằng lăng kính thuận chiều để ghi nhận công sức của nhà báo Hoàng Khương trên mặt trận chống "tệ nạn xã hội".

 

Thế Lợi: “Khi tệ nạn trong xã hội còn nhiều. Tham nhũng, sự nhũng nhiễu dân lành còn khá tràn lan… thanh tra của các cơ quan chức năng nhìn chung còn chưa đủ mạnh… thì nếu không có những nhà báo vì nghiệp quên mình, quên cả gia đình để phanh phui những hành động tiêu cực của một số cán bộ công chức kém cả về chuyên môn lẫn tư cách đạo đức cho công luận biết, thì ai có thể biết? Nhưng rồi họ được gì, như nhà báo Hoàng Khương đó. Cách xét xử như vậy liệu có phải vô hình trung lại tiếp tay cho tham nhũng “phát triển” hơn không? Các nhà báo khác liệu có dám liều mình vì xã hội nữa không???”

 

Phạm Hùng: “Phải ủng hộ, tuyên dương anh Hoàng Khương mới được. Xử như thế thì sao tham nhũng, tham ô, hối lộ không đe dọa ngày càng nghiêm trọng hơn…”

 

Lương Thế Vinh: “Đúng là chẳng biết đường nào mà lần. Nếu cứ làm như thế này thì chắc chẳng có ai dám làm bài điều tra về ngành này nữa đâu, và liệu còn có mấy ai tin vào cán cân công lý… Rất mong Hội Nhà báo VN và Chi hội Nhà báo TP HCM làm hết sức có thể để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà báo Hoàng Khương nói riêng và Báo chí cách mạng VN nói chung.

 

Lê Hoàng Lê: “Theo tôi, việc nhà báo Hoàng Khương bị xử như vậy không phải là do anh tác nghiệp sai, mà do anh đã dũng cảm dám “xông vào hang cọp”… Tôi đề nghị các nhà báo và công luận hãy dũng cảm lên tiếng để đòi công lý cho người chiến sĩ cầm bút anh dũng - nhà báo Hoàng Khương”.

 

Tai Le Congnbh: “Không công bằng! Tại sao gần như cùng một vụ việc mà các cán bộ công an ở Thanh Hóa lại được xử nhẹ hơn nhà báo Hoàng Khương? Trong khi chính Hoàng Khương đã phanh phui ra vụ “mãi lộ” đó. Nếu xét về công trạng thì nên đưa vụ này để làm tình tiết giảm nhẹ cho Hoàng Khương, vì chính nhờ đóng góp của anh mà nạn “mãi lộ” lâu nay mới được phanh phui 1 phần... Rất không công bằng!”

 

Xã luận: “Sinh nghề tử nghiệp! Tôi thật thấy buồn cho những chiến sĩ làm báo chân chính của ta. Những người như nhà báo HOÀNG KHƯƠNG là những chiến sĩ trên mặt trận chống tham nhũng, vậy mà giờ lại bị giăng lưới ngay trên mặt trận đó? Tôi mong muốn những người làm báo chân chính cũng như anh Hoàng Khương hãy cùng có tiếng nói, để cho ngòi bút của ngành báo luôn phát huy sức mạnh trong công cuộc thúc đẩy đất nước VN ta ngày càng phát triển”.

 

Trần Mai Sơn: “Tôi và nhiều người đều thấy tệ ‘mãi lộ’ hoành hành khắp trên những tuyến đường thiên lý suốt từ Bắc và Nam. Hầu như đâu đâu cũng bắt gặp cảnh phụ xe kẹp tiền trong sổ lưu hành đưa cho… rồi tiếp tục đi dù xe chở quá tải, quá người, chất lượng xe không đảm bảo. Theo tôi, nhà báo Hoàng Khương là người dũng cảm dám dấn thân vì sự trong sạch của xã hội, tại sao lại kết tội? Phải tuyên dương mới đúng, vì không vào hang cọp thì sao bắt được cọp?”.

 

Minh Linh: “… Nếu không có những chiến sỹ như nhà báo Hoàng Khương thì liệu xã hội mình có còn cần một nghề như nghề báo nữa không? Và còn ai dám làm những việc nguy hiểm đó nữa không?”

 

Dunght: “Nếu cơ quan chức năng xử tù nhà báo Hoàng Khương chỉ vì anh muốn chống tham nhũng mà phải dấn thân, thì liệu xã hội này còn ai dám đứng ra chống tham nhũng nữa? Tôi thấy hầu như tất cả các vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, nếu báo chí không vào cuộc thì nhiều khi dân chỉ biết nhìn mà không biết nói với ai. Đề nghị Hội Nhà báo và các cơ quan hữu trách chức năng đứng ra bảo vệ quyền lợi cho nhà báo Hoàng Khương, một con người dũng cảm dám đứng ra chống cái nhũng nhiễu vẫn tồn tại trong xã hội hiện nay.  Nếu nói như bài viết trên thì các chiến sĩ công an khi xâm nhập giới tội phạm để phá án thì sau đó cũng bị kết án tù hết, vì bản thân họ cũng “vi phạm pháp luật” dù mục đích cũng là “chỉ để bảo vệ sự bình yên cho xã hội".

 

Dang Ky.bn: “Nhà báo phải có tâm huyết, dũng cảm như nhà báo Hoàng Khương mới thật sự cần cho xã hội. Nếu làm báo mà chỉ làm vài cái tin về cướp, giết, hiếp như một số PV vẫn đang làm hiện nay thì ai cũng có thể làm được. Cần phải bảo vệ đến cùng cho nhà báo Hoàng Khương, nếu chúng ta muốn vẫn còn những nhà báo dũng cảm”…
 
Nhà báo Hoàng Khương
Hạc giấy chở điều ước

 

Ôi, lẽ nào đúng như nhiều người vẫn đặt câu hỏi trong các phản hồi gửi tới Diễn đàn rằng: Muốn làm người tốt sao mà khó quá?  Muốn làm người dũng cảm thời nay chắc càng khó lắm thay!!! Lại chạnh nhớ lời một nhân vật chống tiêu cực trong phim khi anh ngoảnh đầu nhìn lại và chợt thấy mình đơn độc:…Rồi đây những ai sẽ đi cùng tôi?

 

Khánh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm