Nên đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương?

Có nên tiếp tục khắc phục tình trạng quá tải về công việc của các bộ đa ngành hiện nay; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, tạo cơ chế tự chủ cho địa phương?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Theo LDO, tại Hội thảo “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước – khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện” do Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức ngày 22.2, ông Thái Quang Toàn – Vụ trưởng Vụ tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) – cho biết, mặc dù đã có Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Quốc hội, Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế nhưng thực trạng hiện nay là đa số các bộ không tinh giảm biên chế mà còn đòi tăng lên.

Tính đến ngày 21.2, ông Toàn cho biết, có đến 20/22 bộ, ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) đề nghị tăng tổ chức bên trong và biên chế.

Dù rằng, vẫn biết bộ máy của chúng ta còn cồng kềnh, nhưng thông tin hoàn toàn bất ngờ với dư luận.

Bất ngờ không chỉ bởi hầu như các bộ, ngành đều xin tăng biên chế mà còn bởi lẽ, thời gian gần đây, báo chí thông tin nhiều về tinh giản đầu mối ở Hà Nội và Bộ Công thương, dù còn ít, nhưng cũng là tín hiệu mừng.

Với cương vị Chủ tịch TP Hà Nội chưa lâu, ông Nguyễn Đức Chung đã cương quyết tinh giảm đầu mối một cách thực sự, quyết liệt ở văn phòng UBND TP Hà Nội – nơi giúp việc cho UBND TP. Cụ thể, cắt giảm từ 12 phòng xuống 7 phòng. Quy định hiện hành cho phép mỗi phòng chỉ một trưởng và 2-3 phó phòng, do đó sau khi sắp xếp lại “dôi dư” 27 phó phòng. Các vị này được giữ nguyên chức vụ, hưởng nguyên hệ số lương trong vòng 24 tháng nhưng không tham gia điều hành mà sẽ làm việc như chuyên viên. Hiện các sở, ngành của TP Hà Nội đã, đang tiếp tục tinh giảm đầu mối rất quyết liệt và hiệu quả.

Một cách dè dặt hơn, Bộ Công thương đã giảm 30 đầu mối xuống còn 28. Tuy lượng giảm còn ít và cũng như Hà Nội, mới bắt đầu giảm đầu mối mà chưa giảm biên chế, tuy nhiên, nó cũng là tín hiệu đáng mừng.

Vậy vì sao, với yêu cầu của Đảng, Nhà nước đã đưa ra và đòi hỏi của xã hội, nhưng đa số các bộ ngành vẫn muốn tăng tổ chức bên trong và biên chế?

Phát biểu tại Hội thảo này, ông Lê Hồng Sơn – nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp – đã nhận xét khá thẳng về nguyên nhân bộ máy ngày càng phình to.

Theo ông Sơn, các quy định liên quan của Chính phủ khá định tính, mềm dẻo. Cá biệt, đã đưa ra những quy định riêng để phá cái chung, vô hiệu hóa cái cơ bản. Trong đó, những nội dung xác định vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan cấp vụ khá lỏng lẻo, trừu tượng.

Vậy phải chăng, chính các quy định mềm dẻo này khiến các vị đầu ngành, bộ dễ lách luật để sinh thêm các cơ quan trực thuộc? Hệ quả, như ông Sơn nhận xét: “Mỗi nhiệm kỳ, mỗi đời bộ trưởng lại có sự thay đổi về số lượng, tên gọi các vụ. Sự thay đổi này chủ yếu theo hướng tăng thêm đầu mối và chia nhỏ chức năng.”

Là người nổi tiếng nói thẳng, lúc đương chức đã “tuýt còi” nhiều văn bản của các bộ ngành, địa phương, trong đó có những văn bản khá nhạy cảm, dù đã nghỉ hưu, vẫn tính cách ấy, từ trải nghiệm của mình, ông Sơn nhận xét: “Nhìn chung, tâm lý chỉ muốn tăng chứ không muốn giảm khá phổ biến. Những người thấy rõ sự bất hợp lý, muốn thực hiện đúng chủ trương tin gọn thì dễ bị cô lập, bị coi là đi ngược lại lợi ích của bộ ngành.”

Mặt khác, theo Cổng thông tin Điện tử QH, một số đại biểu cho rằng việc sắp xếp thành các bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ của các bộ; mới chỉ hợp nhất, giảm đầu mối ở một số đơn vị có nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp nhưng lại có xu hướng phình to thêm các biên chế hành chính ở trong cơ cấu các bộ.

Vậy nên chăng, như các đại biểu đề xuất giải pháp: Tiếp tục khắc phục tình trạng quá tải về công việc của các bộ đa ngành hiện nay; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, tạo cơ chế tự chủ cho địa phương.

Vương Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm