Nâng cánh ước mơ cùng thủ khoa nghèo

(Dân trí) - “…Vẫn biết nghĩa vụ của công dân là phải thực hiện, nhưng sao cho công bằng, hợp tình, hợp lý…” – điều được nhấn mạnh trong phản hồi của Nam Anh: NamAnh3575@yahoo.com cũng là điểm được bạn đọc tranh luận nhiều nhất quanh tin Thủ khoa đại học vẫn phải chấp hành lệnh nhập ngũ!

Hai anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến (
Hai anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến (áo xanh) và Nguyễn Hữu Tiền (áo đỏ) tự học ngoại ngữ để chuẩn bị vào đại học (ảnh: Quang Phong)

 

Công bằng cho tất cả
 

Vẫn biết trường hợp như với Thủ khoa Đại học Y Hà Nội năm 2013 Nguyễn Hữu Tiến gây nhiều tranh cãi trong dư luận  bởi là năm đầu tiên thực hiện Thông tư liên tịch 13, như nick QDNDVN kqha1685@yahoo.com.vn chia sẻ:

 

“Nếu trước sau gì cũng phải đi nghĩa vụ thì theo tôi đi trước sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc học tập cũng như công tác sau này. Nếu đi nghĩa vụ mà được đóng quân trong môi trường đào tạo như các học viện nhà trường trong quân đội thì tuyệt vời nhất, nếu không cũng là môi trường tốt rèn luyện bản thân. Là năm đầu tiên thực hiện thông tư liên tịch 13 nên cũng có nhiều bỡ ngỡ cho học sinh, sinh viên”.

 

Nhưng đa số trong hàng ngàn phản hồi của bạn đọc vẫn tỏ ra tiếc nuối cho ước mơ dang dở của một tấm gương sáng về học sinh nghèo vượt khó học giỏi, đỗ cao, góp phần làm rạng danh quê hương, gia đình…Nhiều người có chung nhận xét với Nguyễn Minh Hoàng Quân minhhoangquan1602@gmail.com:

 

“Tìm người tài rất hiếm, ở đây lại là hoàn cảnh đặc biệt trong những hoàn cảnh đặc biệt - nhà nghèo học giỏi, nên tôi xin nói trước rằng có thể nhân vật này là một  "hiền tài". Mong quý cấp xét duyệt để các em cũng như gia đình được toại nguyện ước mơ”.

 

Bởi thế, song song với những lời thăm hỏi, chúc mừng 2 anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến – Nguyễn Hữu Tiền ở thôn Động Phí (xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội) đã vượt vũ môn một cách ngoạn mục, bạn đọc cũng bày tỏ những băn khoăn, trăn trở, suy tư về cách đào tạo và sử dụng nguồn chất xám nói chung, nhân tài nói riêng lâu nay của nước ta.

 

“Tôi thấy luật như vậy là rất đúng trong bối cảnh hiện nay. Nhưng đã làm thì phải làm cho nghiêm túc, không phân biệt tầng lớp xã hội, không có ngoại lệ kẻo lại xảy ra chạy chọt…” - Minh:  nd.Minh@yahoo.com

 

“Trách nhiệm này theo tôi là chuẩn. Nhưng cũng cần phải rà soát kỹ và công tâm, tránh tình trạng toàn con dân thường đi nhập ngũ, còn quý tử nhà các sếp lại vẫn ung dung ở nhà (hoặc đi du học trước để tránh nhập ngũ). Như vậy dân sẽ rất bức xúc, lại có thể bị những phần tử xấu lợi dụng để phê phán, chỉ trích…” - Toàn:  tmtoan89@gmail.com

 

“Đi nghĩa vụ quân sự là điều rất tốt cho đất nước, nhưng phải công bằng cho tất cả thí sinh ở mọi địa phương. Nếu quy định như vậy, liệu có phải tất cả mọi học sinh trúng tuyển đều phải nhập ngũ không, hay chỉ một vài trường hợp? Như vậy thì tính công bằng chưa cao và thiệt thòi cho những học sinh phải dang dở ước mơ, rồi bị bạn bè cùng trang lứa bỏ xa về kiến thức cũng như trình độ chuyên môn sau này. Chúng ta nên làm triệt để thì các em mới yên tâm nhập ngũ được, chứ nếu chỉ có một vài trường hợp như vậy thì không thuyết phục được các em và phụ huynh. Đã như vậy thì Bộ Giáo dục và Bộ Quốc phòng cũng cần bàn với nhau, xem làm sao học sinh vừa nhập ngũ mà cũng vừa có thể học đại học được, hoặc bắt buộc tất cả học sinh phải thực hiện NVQS rồi mới được thi ĐH” - Vũ Văn Lành:  vuvanlanhdaloc@yahoo.com

 

 “Tôi là một sinh viên 23 tuổi.Theo ý kiến cá nhân tôi, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng mà không ai có thể chối bỏ, nhất là với nam giới. Tôi thấy việc thực hiện nghĩa vụ quân sự phải là bắt buộc với tất cả mọi người. Nếu đỗ đại học thì việc đi nghĩa vụ nên được chuyển tới sau khi học xong. Không thế thì thiếu công bằng khi em Tiến được đi nghĩa vụ quân sự mà các em khác không có vinh dự ấy, vì điều đó là thiêng liêng nên cần phải công bằng với tất cả…” - Vũ Minh Thành:  arsenal266@gmail.com

 
Lên đường nhập ngũ (ảnh minh họa)
 
Lên đường nhập ngũ (ảnh minh họa)
 

Cửa rộng mở

 

Điều mà tất cả  người dân đều muốn và có quyền được hưởng là sự CÔNG BẰNG. Nhưng phải nói thẳng, nói thật là sự thiếu công bằng, thậm chí là bất công, vô lý, nghịch lý… vẫn hiện diện khắp nơi kể cả trong việc thực hiện NVQS.  Vì thế, rất nhiều ý kiến cảm thông với hoàn cảnh của gia đình Tiến và mong muốn có thêm những cánh cửa rộng mở ra với Thủ khoa rất có ý chí và nghị lực này.

 

“Theo tôi, Bộ Quốc phòng nên tuyển chọn em Tiến vào Học viện Quân y, như vậy cũng rất tốt cho ngành quân y nước nhà mà không làm nhụt ý chí cháy bỏng của em Tiến, cũng không vi phạm luật NVQS...” - Trịnh Đình Bật:  batgv@yahoo.com.vn

 

“Thực ra, nếu các cấp các ngành và các trường quan tâm thì trường hợp này cũng dễ giải quyết mà. Có được học sinh giỏi như thế đâu phải dễ. Theo tôi, Học viện Quân y nên dựa trên kết quả của Đại học Y Hà Nội để xét tuyển thẳng bạn Tiến vào trường. Như thế lợi mấy đường:

 

+ Thứ nhất, Tiến vẫn trở thành quân nhân và đương nhiên phục vụ lâu dài trong quân ngũ (cái này có lợi cho quân đội ta khi có thêm người giỏi phục vụ).

 

+ Thứ hai, Tiến không phải tạm dừng việc học. Việc phải dừng việc học 2 năm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình học đại học sau này, nhất là với chuyên môn khó như Y học.

 

+ Thứ ba, Tiến vẫn hoàn thành giấc mơ trở thành bác sỹ.

 

+ Thứ tư, cha mẹ Tiến cũng bớt một gánh nặng kinh tế vì nếu Tiến học tại Học viện Quân y thì không mất tiền.

 

Chỉ sợ các cơ quan có thẩm quyền không (muốn) nghĩ ra, hoặc không đủ linh hoạt thôi?” -  Hải Giang:  nguyenquyen21d@gmail.com

 

Với trường hợp “đặc biệt trong đặc biệt” này, nên chăng như Đo Trương  tincay77@yahoo.com nêu:

 

“Nghĩa vụ quân sự là nhiệm vụ bắt buộc của mọi công dân, song tôi nghĩ chúng ta cũng không nên cứng nhắc quá. Sao các cơ quan chức năng không cho họ khẩt lại, học xong đại hoc rồi đi nghĩa vụ quân sự. Với trình độ đại học, họ sẽ cống hiến nhiều hơn cho quân đội. Tôi kiến nghị các cơ quan chức năng nên nghiên cứu việc này. Miễn là họ thực hiện nghĩa vụ quân sự, còn trước hay sau đại học cũng được, trừ khi có chiến tranh. Sau khi học xong mà trốn tránh, chúng ta không thiếu biện pháp xử lý nếu các qui đinh luật pháp được thực hiện nghiêm minh”.

 

Kiều Anh